Mục lục
Tôi đã định không viết chương này vì sự khô khan và kiến thức toán học người đọc cần có để có thể phân tích được. Tuy nhiên gần đây khi dạy học tôi chuyển những phân tích này trở nên dễ hiểu hơn và học viên hiểu được dễ dàng cũng như có vẻ hứng thú với điều đó. Vì vậy tôi đã thay đổi quyết định.
Tại sao phải phân tích quảng cáo?
Có bao giờ mà bạn chạy Facebook Ads mà luôn có được đơn hàng như bạn muốn? Dĩ nhiên là không. Bạn đâu có luôn ăn may hoài được. Chạy ads bạn sẽ gặp nhiều trường hợp: có comment khoảng 1-2 ngày im bặt, hay một bài đang chạy tốt bỗng dưng sụt comment thê thảm, hay chạy ads có comment nhưng không có đơn nào (khách toàn hỏi tào lao), hay đưa bài lên chẳng có comment nào.
Mục đích của phân tích quảng cáo là giúp bạn tìm ra nguyên nhân của các hiện tượng trên. Có biết được nguyên nhân thì bạn mới xử lý đúng và chạy quảng cáo hiệu quả. Biết được nguyên nhân thì bạn sẽ rút kinh nghiệm để chạy hiệu quả lần kế tiếp
Phân tích quảng cáo sẽ trả lời câu hỏi: “nguyên nhân nào quảng cáo không hiệu quả?” cũng như trả lời cho câu hỏi: “nguyên nhân nào quảng cáo hiệu quả”. Tiếp theo khi xử lý nó bạn sẽ trả lời câu hỏi: “cái gì cần thay đổi, chỉnh sửa để hiệu quả tốt hơn”, “chỉnh sửa cái đó như thế nào”
Phân tích thường là nhìn vào những con số vô tri vô giác rồi suy ngược lại hiện tượng. Tuy nhiên để dễ hiểu thì tôi sẽ làm theo chiều thuận, nghĩa là nêu hiện tượng nào kéo theo những con số. Sau đó bạn sẽ ghi nhớ điều này và áp dụng chiều ngược để phân tích cho mình.
Một quảng cáo trên Facebook xuất hiện thì bao gồm những yếu tố sau
- Nội dung
- Hình ảnh/Video
- Target
- Vị trí quảng cáo xuất hiện/ cách quảng cáo xuất hiện
- Cách Facebook phân phối quảng cáo
- Nền tảng Facebook
Vị trí quảng cáo xuất hiện
Trước khi phân tích chúng ta hãy tìm hiểu về vị trí quảng cáo xuất hiện. Để một người tương tác vào quảng cáo thì đầu tiên họ lướt newsfeed thấy một quảng cáo. Quảng cáo đó chỉ là hình/video và 8 dòng nội dung đầu tiên (từ năm 2018 trở đi tôi đã thấy quảng cáo hiện lên từ 8-10 dòng nội dung đầu tiên).
Người dùng không nhìn thấy toàn bộ nội dung trước khi nhấp vào dòng chữ xem thêm. Khi họ hứng thú với quảng cáo đó họ sẽ nhấp vào xem ảnh, xem hết video, xem hết nội dung. Việc này dẫn đến một số điều mà tôi sẽ phân tích phía sau.
Cách Facebook phân phối quảng cáo
Facebook dựa vào nội dung của quảng cáo, dựa vào mục tiêu và các hướng dẫn khác khi bạn set quảng cáo, dựa vào hành vi mà nó nắm được của người dùng, để phân phối quảng cáo đến. Nó phân phối đến 500 người dùng đầu tiên, nếu phản ứng của họ tốt trên quảng cáo này, nó sẽ đánh giá quảng cáo này tốt và đi tìm những đối tượng tương tự như vậy. Nó sẽ cho bạn mức giá rẻ hơn khi tiếp cận người dùng nếu nó đánh giá quảng cáo này tốt.
Cơ chế tính giá của Facebook
Là dựa vào số lần hiển thị, dù bạn chọn mục tiêu gì đi nữa: tương tác, khách hàng tiềm năng, tin nhắn .. thì nó vẫn tính tiền bạn căn cứ vào số lần hiển thị.
Ví dụ bạn đặt mục tiêu là tương tác và bạn tiếp cận hết 10 người, 9 người đầu tiên không ai tương tác lên quảng cáo của bạn, Facebook sẽ không lấy tiền bạn, nhưng người thứ 10 tương tác lên quảng cáo. Lúc này Facebook sẽ tính tiền ví dụ khoảng 10đ, là số tiền tương đương với tiếp cận 10 người.
Trường hợp khác nếu quảng cáo của bạn tiếp cận 100 người mà 99 người không tương tác, chỉ có người thứ 100 tương tác thì giá một tương tác có thể bị tính 100đ. Đây chỉ là ví dụ, thực tế bạn có thể bị tính giá mắc hơn 100đ.
Nghĩa là bạn sẽ nhận được chi phí càng cao khi quảng cáo càng không thu hút khách hàng tương tác: cả chi phí tiếp cận, và chi phí tương tác.
Trường hợp nếu content không thu hút
Tiếp cận nhiều người rồi mà vẫn không có tương tác thì như thế nào? Thì Facebook sẽ không phân phối quảng cáo đó nữa. Và bạn sẽ nhìn thấy hiện tượng mà nhiều người chạy Facebook ads gọi là “quảng cáo không cắn tiền”.
Nghĩa là Mark khôn lắm, nếu quảng cáo thu hút nhiều người tương tác vào thì nó sẽ ưu tiên cho giá rẻ, nếu chỉ thu hút ít người thì nó sẽ tính giá mắc, nếu cực kỳ ít tương tác hoặc không tương tác thì ảnh hưởng đến doanh thu của Facebook, vì không tương tác thì đâu có tính tiền bạn được, nên nó quyết định không phân phối quảng cáo của bạn nữa.
Nền tảng Facebook
Mỗi khi Facebook cập nhật thường sẽ để lại 1 số lỗi, vì dù sao Facebook vẫn là phần mềm và viết phần mềm luôn tạo nên bug (lỗi). Ai từng là người viết phần mềm thì sẽ trải qua điều này, không bao giờ có chuyện lần viết đầu tiên chạy mà không bị lỗi gì.
Tùy bug nặng nhẹ mà sẽ ảnh hưởng đến cách phân phối và thao tác của người dùng. Bug có thể gây nên sự phân phối sai đối tượng, bug khác có thể gây không hiển thị chỗ để khách bình luận dẫn đến hậu quả là khi bạn chạy quảng cáo chẳng thấy bình luận nào!
Bug có thể là không thông báo, ví dụ có khách bình luận nhưng hệ thống không thông báo, và bạn không biết có người bình luận, bug nặng thì bạn sẽ không nhìn thấy bình luận luôn, bug nhẹ thì khi vào xem bạn sẽ thấy, chỉ có không biết mà vào thôi ( vì không có thông báo).
Những bug hệ thống này rất khó để biết được
Mà bạn cũng khó mà chỉ ra bằng chứng cho Facebook để kêu họ cập nhật, họ cũng sẽ không thừa nhận điều đó. Hãy tưởng tượng bạn chạy Facebook ads không có 1 comment nào, bạn sẽ không biết là do bài quảng cáo của bạn không hiệu quả, hay do Facebook có vấn đề.
Tôi phát hiện bug từ Facebook khi gặp trường hợp này
Tôi chạy ads cho khách hàng, cả 3-4 ngày không thấy một bình luận nào cả, người thì nóng ruột đã sửa tới sửa lui nội dung cho đến target. Nhưng đến cuối tuần, một ngày đẹp trời, tôi bỗng nhìn thấy bình luận của những ngày trước tràn ngập ở dưới bài post.
Những bình luận mà hệ thống ghi nhận của những ngày trước đó. Vì ngày nào tôi cũng vào xem bình luận nên mới xác định được đây chính là bug hệ thống mà Facebook gặp phải. Nếu không để ý bạn sẽ không biết điều đó.
Chia sẻ của Bao Kiem
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “14 Cách Tối Ưu Và Đo Lường Quảng Cáo Facebook Chuyên Sâu Mà Không Thầy Nào Dạy Bạn”
- Bài 1: Quy Trình Set Một Chiến Dịch Quảng Cáo Facebook Hiệu Quả
- Bài 2: Đỉnh Cao Của Target Chính Là “Không Target” – Quảng Cáo Facebook
- Bài 3: Cách Tạo Và Vận Dụng Các Tệp Cơ Bản Trong Quảng Cáo Facebook
- Bài 4: Luận Về Tối Ưu Ads
- Bài 5: Cách Cắt Giảm 50% Chi Phí Quảng Cáo Và Vận Hành Facebook Theo Kinh Nghiệm Cá Nhân
- Bài 6: Làm Sao Để Max Lãi Ròng Với Ngân Sách Min Với Facebook Ads
- Bài 7: Facebook Ads Không Hiệu Quả Vì Sao Và Cách Khắc Phục?
- Bài 8: Cách Tối Ưu Campaign Facebook App Install
- Bài 9: Các Cách Test Ads Facebook/Google
- Bài 11: Đo Lường Và Đánh Giá Facebook Ads (Phần 2)
- Bài 12: Viết Đoạn Caption Cho Facebook Ads
- Bài 13: Những Cách Hiệu Quả Để Tăng Doanh Thu Trên Facebook 2020
- Bài 14: Phương Pháp Cải Thiện Chất Lượng Content Facebook Năm 2020