Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số tiền đó cho người khác sử dụng với mong muốn có nhiều tiền để tiêu hơn ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Việc đầu tư vào một kênh tài sản nào cũng tiềm ẩn rủi ro đi kèm của nó, nhưng rủi ro ở đây không phải là việc biến động giá hằng ngày của khoản đầu tư đó như mọi người thường nghĩ.

Chừng nào loại tài sản đó có khả năng cao làm tăng sức mua của số tiền mà bạn bỏ ra trong suốt thời gian nắm giữ, thì việc đầu tư của bạn sẽ không được xem là mạo hiểm cho dù giá của nó có biến động lớn như thế nào trong thời gian ngắn. Và có những loại tài sản mà việc biến động giá rất ít, lợi nhuận cố định và đảm bảo – những loại tài sản mà chúng ta nghĩ là an toàn nhất, lại là những loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vậy những loại tài sản nào biến có biến động giá rất lớn nhưng lại ít rủi ro, những loại tài sản nào mang lại thu nhập chắc chắn, khiến chúng ta cảm thấy an tâm nhưng đầy nguy hiểm? Những gì mà tôi trình bày ở dưới đây sẽ giải đáp những câu hỏi đó!

Số liệu mà tôi thu thập ở đây là ở Mỹ và chủ yếu là bắt đầu từ năm 1976 – khi quỹ chỉ số S&P 500 được tạo ra bởi Jack Bogle (nhà sáng lập Tập đoàn Vanguard – quản lí hơn 7,500 tỉ USD tài sản toàn cầu). Bây giờ, chúng ta hãy cùng phân tích 03 hạng mục đầu tư lớn dưới đây như sau:

Hạng mục đầu tư thứ nhất

Đầu tư vào các kênh tài sản mang lại lãi suất cố định: Gửi tiền tiết kiệm, TRÁI PHIẾU chính phủ/doanh nghiệp, các quỹ thị trường tiền tệ (money-market fund) – những quỹ đầu tư vào các chứng khoán nợ ngắn hạn. Việc đầu tư vào các loại tài sản trên đem lại cho nhà đầu tư (NĐT) sự an tâm về mặt cảm xúc và được phần lớn các nhà đầu tư xem là an toàn. Nhưng thực tế, chúng lại là một trong những khoản đầu tư tồi tệ nhất bởi sự ăn mòn thầm lặng của LẠM PHÁT.

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, và đồng tiền của họ cũng được xem là một đồng tiền rất ổn định, tuy nhiên đồng USD vẫn bị trượt giá một cách thê thảm khi mất tới gần 80% giá trị kể từ năm 1976. Nghĩa là cần đến 4.8 USD năm 2020 để mua được những gì mà 1 USD mua được vào năm 1976.

Với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm của LẠM PHÁT là 3.63%/năm trong giai đoạn 1976-2020, mỗi NĐT cần phải tìm một kênh đầu tư an toàn với lãi suất tương đương để duy trì được sức mua của mình trong giai đoạn 44 năm này. Đề cử số một chính là TRÁI PHIẾU chính phủ Mỹ (T-bill 3 month) – một kênh đầu tư không hề có rủi ro, mang lại lãi suất kép hằng năm là 4.41%/năm trong cùng giai đoạn.

Vậy là rất đơn giản, người Mỹ chỉ cần để tiền vào kênh tài sản này là sẽ duy trì được sức mua trong tương lai mà không phải lo nghĩ tới lạm phát. Tuy nhiên, trung bình một người Mỹ cần phải trả 25% thuế thu nhập, nếu tính trong thực tế thì lợi nhuận của các khoản đầu tư trên đã mất đi 1.1% mỗi năm, làm cho việc đầu tư vào T-bill chỉ mang lại cho các NĐT lợi suất thực là 3.01%/năm, nhỏ hơn khá nhiều so với tỉ lệ lạm phát là 3.63%/năm.

Qua những con số trên, ta thấy được rằng bức tranh không hề màu hồng như nhiều NĐT lầm tưởng, chúng ta đánh đồng việc nhận được gốc và lãi đều đặn là an toàn nhưng lại quên đi mất sự tàn phá vô hình của LẠM PHÁT, chúng ta bị lu mờ bởi sự ổn định của những kênh đầu tư này mà bỏ qua sự tồn tại của kè thù số 1 đối với bất kỳ NĐT nào: LẠM PHÁT. Và việc ngó lơ kẻ thù này, về lâu dài sẽ luôn mang lại nỗi đau hơn là niềm vui cho tất cả chúng ta.

Hạng mục đầu tư thứ hai

Đầu tư vào những tài sản mà không tạo ra được gì khác ngoài bản thân nó, người mua những loại tài sản này mua chúng với hy vọng chúng sẽ được mua lại bởi một người khác trong tương lai. Một dẫn chứng cụ thể là sự kiện “Hội chứng hoa Tulip – Tulipmania” xảy ra vào thế kỷ thứ 17 ở Hà Lan khi mà một người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền 5,000 GUILDERS – tiền Hà Lan (khoảng 500,000 USD ở thời điểm hiện tại), để mua một bông hoa Tulip với hy vọng rằng một người khác sẽ trả giá cao hơn trong tương lai.

Kiểu đầu tư vào những loại tài sản này đòi hỏi một cộng đồng những người mua rộng khắp và liên tục mở rộng, bởi nếu không có đủ người tin tưởng rằng món hàng mà họ mua sẽ được người khác mong muốn hơn chính mình và sẵn sàng trả một khoản tiền lố bịch trong tương lai nhằm sở hữu món hàng đó, thì hạng mục đầu tư này sẽ không tồn tại.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, luôn luôn có những người có nhu cầu đầu tư theo phong cách này. VÀNG chính là loại tài sản có tính đại diện cao trong hạng mục đầu tư này mặc dù VÀNG không có tính tự sinh sôi nãy nở, không sản xuất ra được thứ gì khác ngoài bản thân nó và cũng không có nhiều công năng (ngoài trang trí và một số tính năng dùng trong công nghiệp…). Ấy vậy mà VÀNG vẫn rất được ưa chuộng, đặc biệt bởi những nhà đầu tư luôn sợ hãi trước sự mất giá của các kênh tài sản khác ( tiêu biểu là tiền giấy – mất giá do lạm phát … ).

Những người mua VÀNG phần lớn cũng dựa vào niềm tin là sự sợ hãi về việc tiền mất giá sẽ lan rộng ra, khiến nhiều người tìm đến nó làm kênh trú ẩn. Đỉnh điểm của sự sợ hãi này là vào những năm 1980, khi cơn khát VÀNG đã đẩy giá lên mức đỉnh mọi thời đại: 2,390.52 USD/ounce từ mức đáy vào năm 1970 tại giá 254.53 USD/ounce, để rồi rớt giá thê thảm vào những năm sau đó.

Cơn khát này cũng như cơn khát CỔ PHIẾU Internet và thị trường bất động sản (BĐS) ở Mỹ, những sự hưng phấn điên rồ này tạo ra hết bong bóng này đến bong bóng khác và đến một lúc nào đó nó đã phình to đủ lớn thì chỉ có một kết cục duy nhất là vỡ tan. Nhiều người vẫn tin rằng đầu tư vào VÀNG là an toàn tuyệt đối bởi chúng sẽ không tự sinh ra nữa và giá của nó sẽ đi lên rất nhiều trong tương lai.

Nhưng hỡi các NĐT thông minh, đừng vội đưa ra kết luận như vậy. Chúng ta hãy cùng so sánh thiệt hơn giữa việc mua VÀNG và kênh đầu tư có khả năng sản sinh ra những thứ giá trị khác ngoài bản thân chúng (ở đây là BĐS và thị trường CỔ PHIẾU)

  • Cách thứ nhất, đầu tư hết vào VÀNG và nắm giữ liên tục trong 100 năm tới. Hiện tại, trên thế giới có khoảng 244,000 tấn vàng với giá là 1,767.23/ounce thì giá trị của toàn bộ vàng trên thế giới rơi vào khoảng 15,234 tỉ USD. Và chúng ta cần biết rằng nếu chúng ta sở hữu 244,000 tấn vàng thì 100 năm sau nó vẫn là 244,000 tấn vàng cho tới vĩnh cửu.
  • Cách thứ hai, đầu tư vào BĐS và kênh CỔ PHIẾU. Với cách này, ta dùng 15,234 tỉ USD để mua toàn bộ 896 triệu acre (khoảng 362 triệu hecta) đất nông nghiệp ở Mỹ với giá 3,960 tỉ USD (khoảng 4,420 USD/acre);

Cộng với 4 công ty Apple giá 9,400 tỉ USD (giá trị vốn hoá hiện tại của Apple là 2,350 tỉ USD) và vẫn còn thừa 1,874 tỉ USD để đảm bảo thanh khoản phòng khi bất trắc. Tuy nhiên, khác với việc sở hữu VÀNG, 896 triệu acre đất nông nghiệp không đứng yên chỉ để làm đẹp mà chúng tạo ra khoảng 450 tỉ USD mỗi năm, mỗi công ty Apple tạo ra 250 tỉ USD mỗi năm và trả khoảng 15 tỉ USD cho nhà đầu tư của mình và luôn tìm cách phá vỡ chính kỉ lục của mình trong nhiều năm liền (Và đừng quên chúng ta đang sở hữu tới 4 công ty Apple).

Vậy thì với những con số này, 100 năm sau, liệu chúng ta sẽ chọn cách nào? Tôi tin rằng kể cả những người buôn Vàng khi nhìn thấy những con số này cũng sẽ cân nhắc cách thứ 2. Tất nhiên là 100 năm sau, giá Vàng có tăng lên khá nhiều nhưng tôi vẫn tin rằng tỉ suất sinh lời của loại tài sản này vẫn thấp hơn rất nhiều nếu chúng ta đầu tư theo cách thứ 2. (Tỉ suất sinh lời kép hằng năm của Vàng trong 100 năm từ 1920-2020 là 4.60%/năm, tỉ suất này của chỉ số S&P 500 – đại diện cho kênh CỔ PHIẾU, là 10.49%/năm trong cùng giai đoạn).

Hạng mục đầu tư cuối cùng

Đầu tư vào các loại tài sản có thể sản sinh ra những thứ giá trị khác, nói một cách dân dã là tiền tạo ra tiền: đầu tư vào các doanh nghiệp, các nông trại hay bất động sản… Đây đều là những loại tài sản có khả năng chống chọi cao nhất trước sức mạnh của LẠM PHÁT và giúp cho NĐT bảo toàn được sức mua của mình trong suốt quá trình nắm giữ.

Ví dụ như công ty Coca-cola, giá của một lon Coca-cola vào những năm 70 chỉ có 10 cents, bây giờ giá của mỗi lon là 1.99 USD, doanh thu và lợi nhuận của Coca-cola sẽ điều chỉnh tăng theo Lạm phát nhờ đó những khoản đầu tư vào Coca-cola được bảo toàn theo thời gian.

Tất nhiên là những doanh nghiệp này nếu muốn nâng cao khả năng kiếm tiền của mình qua thời gian thì họ vẫn phải tái đầu tư nhiều hơn, tuy nhiên những doanh nghiệp tốt sẽ luôn tìm cách duy trì lợi thế cạnh tranh của mình để mang lại lợi nhuận cho bản thân công ty và những nhà đầu tư của nó.

Khi tìm được những doanh nghiệp như vậy hãy mạnh dạn đầu tư và hãy ưu tiên chúng thay vì bỏ tiền vào những kênh, những loại tài sản khác bởi thực tế đã chứng minh rằng không những việc đầu tư vào các doanh nghiệp tuyệt vời bảo vệ NĐT tốt hơn rất nhiều so với VÀNG hay TRÁI PHIẾU (6.01%/năm cho VÀNG, 4.41%/năm cho TRÁI PHIẾU chính phủ Mỹ) mà những khoản đầu tư đó còn mang lại lợi nhuận và sự giàu có cho những ai kiên trì, kỷ luật đầu tư với nó (xấp xỉ 12%/năm nếu đầu tư vào quỹ chỉ số S&P 500).

Việc của mỗi NĐT là tìm ra những doanh nghiệp tuyệt vời như Coca-cola hay Apple… để đầu tư, nếu NĐT có đủ tính kỉ luật, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tiền bạc và thời gian… Bằng không, một NĐT trung bình vẫn có thể đạt được lợi nhuận vượt trội so với các kênh VÀNG hay TRÁI PHIẾU thông qua kênh CỔ PHIẾU bằng cách đầu tư vào các quỹ chỉ số như Quỹ chỉ số S&P 500.

Lời kết

Tóm lại, 02 hạng mục đầu tư với các đại diện là TRÁI PHIẾU và VÀNG dường như luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của phần lớn NĐT bởi sự an tâm và ổn định mà chúng mang lại, đặc biệt trong những lúc mà sự sợ hãi bao trùm cả nền kinh tế, nhưng nếu chúng ta hiểu rõ bản chất của những loại tài sản đó cộng với việc nhìn thấu sự ăn mòn lợi nhuận của LẠM PHÁT, ta sẽ có những quyết định đầu tư đúng đắn hơn.

Mọi người đổ xô đi tìm các kênh lãi suất cố định trong những lúc mà nền kinh tế bị sụp đổ vì họ cho rằng chúng an toàn, hay việc đổ xô đi mua VÀNG khi mà sự sợ hãi về việc mất giá của đồng tiền xuất hiện. Nhưng những lúc mà mọi người hô hào “Cash is King” là hãy giữ tiền để bảo vệ bản thân do thị trường sụp đổ vào năm 2008, hay vào những năm 1980s là trào lưu “Cash is trash” khi tỉ lệ lạm phát đạt mức 15-20%/năm ở Mỹ thì đó lại chính là những lúc chúng ta nên đi ngược lại đám đông để giải ngân vào thị trường cổ phiếu (năm 2008) và đầu tư vào kênh lãi suất cố định (những năm 1980s).

Lịch sử đã minh chứng rằng, những NĐT luôn tìm kiếm sự đồng thuận của đám đông để đưa ra các quyết định đầu tư của mình, đặc biệt trong những trường hợp trên, đã trả giá khá đắt cho quyết định của họ.Những thông tin mà chúng ta đã cùng phân tích và mổ xẻ cho ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về các hạng mục đầu tư, bản chất và những gì mà mỗi kênh đầu tư mang lại cho NĐT của chúng.

Tôi tin rằng thị trường CỔ PHIẾU, nơi mà đa phần NĐT đều nghĩ rằng là rủi ro nhất bởi biến động giá lên xuống hằng ngày của chúng, đã chứng minh một sự thật phũ phàng rằng chính nó mới là hầm trú ẩn bảo vệ NĐT tốt nhất khỏi sự phá huỷ khốc liệt của LẠM PHÁT và đồng thời là kênh đầu tư mang lại tỉ suất sinh lời tốt nhất trong bất kỳ khung thời gian đủ dài nào.

Chia sẻ của Trần Minh

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...