Mục lục
Và Những Việc Cần Làm Với Doanh Nghiệp Và Cơ Sở Kinh Doanh Nhỏ. Dịch bệnh COVID-19 là điều chẳng ai mong muốn cả, hậu quả của nó đã, đang và sẽ để lại cho toàn bộ nền kinh tế và đời sống của con người là tụt dốc trầm trọng. Cuộc khủng hoảng kinh tế này theo dự báo sẽ có 4 kịch bản.
Kịch bản tốt nhất là theo hình chữ V
Tức là kinh tế đi xuống đến đáy lúc dịch bệnh được kiểm soát trong vài tháng tới, rồi bắt đầu hồi phục, niềm tin tiêu dùng tăng trưởng vào giai đoạn nửa cuối năm 2020.
Tiếp theo là kịch bản hình chữ U
Tức là dịch bệnh COVID-19 kéo dài cho đến khi có vacxin tức có thể 12 – 20 tháng nữa, kinh tế u ám ở cuối đáy và con người phải chấp nhận và thích nghi ở mức sống thấp, sau đó thì tăng trưởng trở lại.
Kịch bản 2 chữ V (W)
Dịch bệnh được ngăn chặn nhưng mầm móng vẫn còn và có thể tái phát, niềm tin được phục hồi nhưng lại bị tan vỡ, nhưng nhờ kinh nghiệm khủng hoảng chữ V đầu tiên nên chữ V thứ hai sẽ theo hướng tốt đẹp hơn, nhanh hơn. Với kịch bản này thì cũng phải mất 3 – 5 năm sau kinh tế mới phục hồi.
Kịch bản tệ nhất là hình chữ L
Dịch bệnh khó hoặc mất kiểm soát, đến tính mạng còn khó giữ thì đừng nói làm gì đến phát triển. Đây là kịch bản khó xảy ra vì tất cả các quốc gia trên thế giới đều lao vào cuộc chiến chống COVID-19 quyết liệt, nhưng nếu có kẻ muốn phá hoại loài người thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Là doanh chủ của một doanh nghiệp hay một cơ sở kinh doanh nhỏ với nguồn lực tài chính hạn chế, sự tích lũy tư bản còn ít ỏi, chưa có kịch bản quản lý rủi ro… thì để tồn tại được giai đoạn này đã là một bài toán khó khăn. Và thay vì phiền não đau khổ thì người doanh chủ nên tập trung vào giải pháp để ra quyết định nhanh, hành động dứt khoát. Theo tôi có 2 giải pháp chính để người doanh chủ tham khảo:
Giải pháp 1: Chọn chiến lược rút lui cắt lỗ
Nói đến rút lui, dẹp tiệm, phá sản có lẽ chẳng ai thích thú nhưng việc đó là cần thiết vì tính hiệu quả và thiết thực. Tôi lấy cái ví dụ, trong giai đoạn trước dịch bệnh kinh tế đang phát triển mà tổ chức cũng vật vã khốn đốn mà chẳng tìm được hướng đi nào rõ ràng cho sự nghiệp kinh doanh, cứ làm hết cách này rồi đến cách khác mà vẫn cứ “tối đen như đêm tối của chị Dậu” chẳng có sáng sủa.
Và rồi đến giai đoạn dịch bệnh này thì khó khăn tăng gấp nhiều lần mà cũng chẳng tìm ra một chút hy vọng nào, doanh chủ/đội ngũ sáng lập viên cảm thấy stress đến cùng cực, khó khăn cứ chồng chất khó khăn vì chẳng có con đường tươi sáng.
Theo tôi thì đây là thời gian thực hiện chiến lược rút lui tốt nhất, hãy mạnh mẽ để chấp nhận thất bại, hãy giữ vững uy tín để đối diện với việc rút lui vì “thua keo này ta sẽ bày lại keo khác”. Thất bại chỉ là thứ vô nghĩa khi những bài học của nó là vứt đi, còn nếu vẫn giữ được những giá trị từ nó, học hỏi từ nó thì thất bại chẳng qua là một bước đệm để tiến đến thành công phía trước đấy.
Giải pháp 2: Tập trung tồn tại và nâng cấp hệ thống
Tập trung để tồn tại
Con người thiếu máu là chết còn doanh nghiệp thiếu tiền là xong. Do đó hãy lên kế hoạch cho các kịch bản như 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng tới mới hết dịch để từ đó dự báo dòng tiền và tìm cách duy trì “nguồn máu doanh nghiệp”, đừng để bị động vì “thiếu máu” vì “thiếu máu bị động thì não rất là đau và có nguy cơ vỡ mạch đột quỵ”. Khi có kế hoạch và dự báo doanh thu, chi phí thì người doanh chủ sẽ biết cách cắt giảm những gì, khi nào, ở đâu… nhiệm vụ hiện nay là sống và vượt khó.
Nâng cấp hệ thống
Đây là giai đoạn nói thẳng là rất ít công việc, là quá rảnh, trừ việc “khổ tâm về cơm áo gạo tiền” nhé, mà nếu thấy khổ tâm quá thì hãy quay lại giải pháp 1 ở trên, nó hữu ích và thiêt thực cho hiện tại đấy. Vậy nâng cấp hệ thống gồm những việc gì thì dưới đây là một số đề xuất của tôi:
- Một, rà soát lại về chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh: Giai đoạn này cần tĩnh tâm để suy nghĩ nhiều hơn về điều này, nếu khi rà soát thấy thật bất lực thì vẫn như trên hãy quay lại giải pháp 1.
- Hai, rà soát lại quy trình vận hành xem đã tối ưu chưa, chỗ nào còn là nút thắt cổ chai, chỗ nào chưa trơn tru, chỗ nào cần tăng cường… rồi chuẩn hóa lại hệ thống bài bản chuyên nghiệp, nên văn bản hóa hay video hóa, giải thích hệ thống đơn giản, dễ hiểu, dễ dùng.
- Ba, xem lại tối thiểu là 4P hoặc 4C của doanh nghiệp: Product (sản phẩm)/Customer need and want (khách hàng cần và muốn gì); Price (giá bán)/Customer cost (tổng chi phí khách phải trả); Promotion (truyền thông)/Communication (giao tiếp); Place (phân phối)/Convenience (thuận tiện).
- Đây là những việc cần sự chi tiết tỉ mỉ và giai đoạn này có đủ thời gian để rà soát lại tất cả đấy. Ví dụ tại công ty của tôi có một việc được làm gần 2 tháng qua là chỉnh sửa lại tài liệu đào tạo khách hàng sao cho từ ngữ chuẩn cho mọi vùng miền, dễ hiểu, không sai chính tả, cách thức trình bày văn bản và website thân thiện người đọc, dễ dàng tìm kiếm…, những việc mà trong giai đoạn trước khi có nhiều khách hàng thì khó rà soát tỉ mỉ đến như vậy do lúc đó chỉ lo bán hàng đó ạ.
- Bốn, phát triển con người phù hợp với doanh nghiệp. Việc sa thải nhân sự thì đúng là nhẫn tâm nhưng trong giai đoạn khủng hoảng này thì chắc chắn nhận ra có những vị trí thừa và nên thải ra, nó giống như là cắt bỏ đi được lớp mỡ thừa vậy, cơ thể sẽ khỏe hơn. Còn với nhân sự phù hợp thì hãy giúp họ ổn định tâm lý, tin tưởng tương lai và cùng nhau vượt qua dịch bệnh vì “sau cơn mưa trời lại sáng” đó là quy luật.
- Năm, đây là giai đoạn để doanh nghiệp tìm phương pháp đổi mới sáng tạo để nâng cấp chính mình. Ví dụ là thay đổi cách làm, trước đây quản lý thủ công sổ sách nay tập quản lý bằng công nghệ thông tin, phần mềm, trước đây chỉ bán hàng offline nay biết cách bán hàng online giao hàng tận nơi…
Khi doanh nghiệp của bạn tồn tại và liên tục nâng cấp hệ thống thì khi dịch bệnh trôi qua, kinh tế dần hồi phục thì đó là lúc bạn đón lấy cơ hội với sự chuẩn bị chu đáo, thành công sẽ đến với những ai bền chí và hành động phù hợp.
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, ca khúc Đường đến ngày vinh quang của nhóm nhạc Bức Tường, là lời chúc của tôi đến tất cả những doanh chủ doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn này, hãy vững tin ở bản thân và hãy giữ uy tín vững vàng.
Chia sẻ của Cao Trung Hiếu