Công ty đầu tiên mà tôi làm thuê kiếm cơm ăn là một công ty điện tử sản xuất các mặt hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng. Tôi dành cả thanh xuân để đứng giới thiệu, bưng bê, lắp đặt TV, máy lạnh, máy giặt, điều hoà.
Tôi đã chứng kiến tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, ý chí của người Hàn quyết vượt qua người Nhật và biến Trung Quốc thành kẻ sản xuất thuê không tên tuổi trong lĩnh vực điện tử.
Thủa ấy [1998 thì phải] cái TV Samsung cục mịch lắm, màn hình lồi ra như bà bầu sắp đẻ, máy giặt rung, tủ lạnh kêu như máy nổ, máy lạnh thì chảy nước. Lũ chúng tôi bán hàng đã trầy trụa lại còn phải nghe khách than phiền, mắng mỏ, phải năn nỉ, ve vuốt, đi cùng các anh bảo hành đến từng nhà chỉnh, sửa, nắn, vuốt.
Hồi ấy trung tâm bảo hành của Samsung to nhất thủ đô, và tấp nập hơn cửa hàng. Đôi lúc cũng nản lắm. Nhưng lúc ấy bác Lee Tổng Samsung Vina có một câu bất hủ, nghe truyền thuyết câu này của tận bác Lee sáng lập rằng: Mọi thứ đều có thể thay đổi, trừ vợ của mày.
Tôi chả biết họ sẽ thay đổi thế nào, nhưng nghe thấy thích vì họ khát vọng.
Rồi cứ thế Samsung thay đổi thật. Ban đầu họ cũng cố gắng sản xuất những linh kiện của cái TV, dù là nhà sản xuất cái tấm Panel màn hình lớn nhất thế giới vào năm 2002 họ cũng mau chóng nhận ra trong chuỗi giá trị trái, phải, giữa thì sản xuất đem lại sức cạnh tranh thấp nhất.
Họ dần chuyển giao cho Trung Quốc làm, để tập trung vào công nghệ, thiết kế, thương hiệu, phân phối, bảo hành. Dần dần các thế hệ tiếp theo trở nên thông minh hơn và xinh đẹp hơn. Đẹp đến mức bác Giám đốc MKT của Samsung tự hào bảo: Đến lúc sản phẩm của Samsung sẽ tự bán nó [sell it ‘s self]. Bọn sales man chúng mày sẽ chẳng còn việc gì mà làm. Vì lo thất nghiệp nên tôi rời đi.
Sau nhiều năm, tôi tình cờ bắt gặp khát vọng ấy trong ánh mắt, quyết tâm của một CEO 8x, một thương hiệu điện tử còn non trẻ của Việt Nam. Một người năng nổ trong các hoạt động cộng đồng từ khởi nghiệp, tài trợ bóng đá, nước sạch học đường. Một người đang từng bước, quyết tâm xây dựng thương hiệu điện tử Việt Nam và bình dân hoá sản phẩm này để mọi người dân đều có thể mua được.
Một người vừa mới hôm qua khoe thành lập viện công nghệ Asanzo để hiện thực hoá giấc mơ sản xuất chiếc TV thông minh của người Việt, thì hôm nay đang suy sụp vì bị lên án, bị mỉa mai, bị nghi ngờ lừa đảo.
Một thương hiệu phát triển quá nóng 5 năm khánh thành 7 nhà máy gần 2000 công nhân, một CEO 8x quá năng động và nhiệt huyết. Nói, nghĩ và hành động gần như diễn ra cùng một lúc. Thấy cái gì hay, mô hình nào mới là muốn thử nghiệm. Với phong cách như vậy không khỏi sai sót.
Tôi không bênh vực, không “nịnh” vì tôi không có động cơ hay lợi ích gì cả. Tôi viết với cảm nhận, với vốn liếng ít ỏi của tôi, với lương tâm của một người đồng bào máu đỏ, da vàng.
Để một Doanh nghiệp đã có thương hiệu, qui mô, có thị phần sửa sai thì vẫn tốt hơn là lại bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh.
Hơn tất cả tôi mong Việt Nam sẽ không còn là “quốc gia không sản xuất nổi một con ốc vít cho Samsung”
Chia sẻ của Lê Hạnh