Một doanh nghiệp (hay một con người) mà ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, năm sau tốt hơn năm trước, liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, không đứng yên hay thụt lùi, thì có là một doanh nghiệp thành công không các bạn? Và nếu cứ tiếp tục ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, doanh nghiệp đó có là một doanh nghiệp vĩ đại không các bạn?
Tôi tin nhiều người trả lời có. Và nhiều người, nhiều doanh nghiệp thường tự hào khoe rằng mình đã “vượt lên chính mình”, “chiến thắng chính mình”!
Tôi thì trả lời không – không chắc, không luôn luôn, tôi không thích như vậy! Vì sao?Vì thành công không phải là mỗi ngày hay mỗi năm đều “vượt lên chính mình” và “chiến thắng chính mình”! Thành công là ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU ĐỀ RA, và mục tiêu đó phải đủ thách thức, đủ táo bạo, đủ khơi gợi quyết tâm…
Mục tiêu đó phải đòi hỏi cả sự nỗ lực thể chất lẫn sự khôn ngoan trí tuệ. Mục tiêu đó phải là vượt qua đối thủ, vượt lên thời đại, phải cao hơn và xa hơn trong mối tương quan với những doanh nghiệp khác, con người khác, chứ không phải chỉ so sánh với chính mình.
Chiến thắng chính mình chỉ là một bước tiến nhỏ; chiến thắng đối thủ xứng tầm mới là thành công lớn. Vượt lên chính mình chỉ là chút thành tích tối thiểu; vượt lên những đối thủ khó nhằn nhất, giỏi giang nhất mới là vinh quang.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam theo thời gian cũng từng vượt lên chính mình, cũng tiến bộ, nhưng vẫn tụt hậu so với nhiều đội bóng khác cho đến khi nó được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo mới vượt qua được Thái Lan và các đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á và vươn tầm châu lục.
Đừng lấy thành tích “vượt lên chính mình” mà tự huyễn hoặc mình rồi trở thành lạc hậu, thua cuộc. Người ta đã lên tập đoàn, công ty lớn tự bao giờ; người ta đã đi đến tận đâu từ lâu, mà mình thì cứ mãi lẹt đẹt ở phía sau rồi tự sướng với chính mình.
Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng và làm cái gọi là kế hoạch kinh doanh hàng năm cứ tự động như một cái máy. Họ đưa vào vài con số doanh thu, lợi nhuận hàng năm, năm sau cao hơn năm trước chút chút; và hễ cuối năm đạt kết quả cao hơn năm trước chút chút là họ ăn mừng.
Họ không quan tâm đến đối thủ và các cơ hội thị trường. Họ chỉ biết lầm lũi tiến, cứ “lừ lừ như tàu điện”, rồi sau vài năm là đã tụt hậu so với đối thủ.
Đừng mãi so sánh với chính mình. Hãy so sánh với môi trường chung quanh. Người ta đã đi đến đâu rồi mà mình thì còn mãi ở đây, ngày ngày tự sướng với chính mình.
Chia sẻ của Long Nguyen Huu