Mục lục
Các tiểu thuyết văn học kinh điển trở nên kinh điển ở mấy yếu tố chính: cốt chuyện xuất sắc, nhân vật chính ấn tượng và các tình tiết nhỏ đắt giá. Từ trước đến nay khi lên phim, cá nhân mình chưa thấy một trường hợp nào phim vượt được truyện về những yếu tố này.
Có thể kể đến hàng loạt: Những người Khốn khổ, Spartacus, Không Gia đình. Có lẽ ngòi bút của những Victor Hugo, Raffaello Giovagnoli & Hecto Malot quá xuất sắc nên dù phim đã cực kỳ nỗ lực, những ai đọc truyện rồi không tránh khỏi ít nhiều hụt hẫng.
“Tiếng gọi nơi hoang dã” không là ngoại lệ.
Trong truyện, ngòi bút của nhà văn Jack London mô tả tuyệt hay cá tính của chú chó Buck với vô cùng nhiều tình tiết đắt giá. Đáng tiếc suốt chiều dài gần 2 tiếng, phim đã bỏ qua một cách khó hiểu.
Mình liệt kê vài tình tiết ngóng dài cổ không thấy
Cuộc đối đầu giữa Buck và gã chó kéo xe đầu đàn Spitz trong chuyện cực hay. Đó là cuộc chiến sinh tồn, cuộc chiến khẳng định bản lĩnh lãnh đạo của kẻ dẫn đầu, và là cuộc chiến thể hiện bản năng thích nghi tuyệt vời của Buck. Thích nghi hay là chết.
Và Jack London mô tả cách thức Buck thích nghi theo từng hoàn cảnh như thế nào cực hay. Trong phim cuộc chiến này mô tả khá hời hợt. Ngay cả trận đánh sinh tử quyết định đến tính mạng của một trong hai trên phim quá ồn ào, nhìn qua thấy dữ dội nhưng không thấy sự căng thẳng đâu.
Đoạn này Jack London mô tả là trận đánh nhìn qua rất thầm lặng, âm thầm, cuộc truy đuổi lặng ngắt giữa đêm tuyết trắng mênh mông rừng núi Bắc Mỹ. Ở đó Spitz đã ấp ủ lập mưu cắn chết Buck từ rất lâu. Ở đó Bucks cũng ghê gớm quyết hạ gục gã đầu đàn nham hiểm. Trên phim chẳng thấy bóng dáng ghê rợn của cái chết trắng im lặng của lũ sói nín thở chờ cú ngã nhào của kẻ thua cuộc ….
Sức mạnh và sự thông minh của Bucks trong truyện được tô điểm bằng một trường đoạn khác rất hay: Giúp Thornton thắng cược bằng việc kéo được chiếc xe chở hàng (hình như nặng 2 tấn). Cuối cùng Buck cũng kéo nhích được chiếc xe nặng không tưởng chạy một đoạn trên tuyết khiến cả đám đông vỡ oà hò hét. Đọc xong đoạn này mình cũng thở hắt muốn hét theo luôn. Đạo diễn cắt mất tình tiết này quả là khó hiểu.
Điểm nhấn của phim là “mối tình” người và chó giữa anh chàng John Thornton và Buck. Một lần nữa sự tinh tế của các chi tiết thể hiện tình cảm trên phim cũng không đạt. Nhớ đoạn nhà văn mô tả Buck ngắm nhìn trong tôn thờ ông chủ Thornton của mình, nó ngoạm cả tay của anh trong miệng nhay nhay khe khẽ khiến anh vừa đủ đau nhẹ trong sung sướng.
Không thấy tình tiết này trên phim. Ngoài ra, tên phim ánh mắt và động tác của Buck bị “người” quá (chắc do công nghệ CGI tạo hình nhân vật) khiến tưởng cảm xúc nhưng lại kém cảm xúc. Cái này tương tự như khi xem Lion King, phiên bản mới công nghệ CGI khiến cho Simba không còn cảm xúc như phiên bản 2D mộc mạc trước đây.
Buck trên phim có nhiều tình tiết đạo diễn cho diễn không như chó … diễn xiếc. Thấy không thật. Đoạn kết phim cho Thorton chết trong vòng chân ôm của Buck. Nhìn quay rất drama nhưng lại không thật. Trong truyện Buck quay về lều phát hiện chủ của mình bị lũ thổ dân da đỏ sát hại Jack London mô tả tự nhiên, kiểu hoang dã hơn.
Ngoài ra không hiểu sao nhân vật John Thornton lại do Harrison Ford đóng. Mình rất hâm mộ ông. Nhưng nhân vật này lẽ ra nên để ai đó trẻ hơn đóng. Trong truyện là một Thornton sinh động trẻ trung hơn nhiều.
Nếu ai chưa đọc chuyện xem sẽ khá ok. Nhưng với kẻ mê truyện và ký ức tuổi thơ đã đóng đinh với vô số tình tiết đắt giá thì đây là bộ phim chỉ đạt điểm trên trung bình chút. Đi xem với con trai. Xem xong giao nhiệm vụ viết review phim. Không biết cu cậu sẽ viết gì.
Chia sẻ của Sơn Đức Nguyễn