Vào năm 2005 tôi bắt đầu một start-up trong ngành du lịch. Mô hình startup là sử dụng kỹ thuật SEO (Search Engine Optimze) để quảng bá các tour du lịch bằng tiếng Anh, Pháp đến các thị trường Âu Mỹ qua Internet.
Vào thời đó Internet mới bắt đầu phổ biến, du khách Âu, Mỹ có nhu cầu tìm kiếm tour du lịch trên mạng tăng cao và chúng tôi trúng lớn. Trong vòng 6 năm chúng tôi phát triển rất mạnh và đạt những thành tựu mà làng du lịch ở Hà Nội phải kính nể. Tuy nhiên cuộc vui nào rồi cũng có ngày tàn, đối thủ thì mọc lên ngày càng nhiều, Google thì ngày càng khôn hơn nên tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại.
Đến năm 2012 thì mọi thứ rơi vào bế tắc, doanh số không tăng nữa dù team đã xoay đủ kiểu. Thấy không còn khả năng đi tiếp tôi bán lại cổ phần công ty và tìm hướng đi mới.
Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để có sự tăng trưởng đột phá. Nếu cứ tiếp tục xây resort, đóng tàu cruise giống như bao công ty du lịch đang làm thì lợi nhuận sẽ làng nhàng ở mức thị trường theo kiểu làm cho vui lợi nhuận hơn lãi ngân hàng tí chút.
Muốn có đột phá cần phải làm những cái mới! Muốn đạt được những kết quả chưa ai đạt được thì phải làm những thứ chưa ai làm. Với nhận định đó tôi suy nghĩ rằng để làm cái mới bây giờ chỉ còn cách khai thác những thị trường tiềm năng mà chưa nhiều người động đến. Và tôi đặt cược vào thị trường Indonesia bởi những lý do:
- Thứ nhất: Indonesia rất gần Việt Nam, bay từ Tp.HCM mất khoảng 3h. Du khách Indonesia được miễn thị thực nên việc đi lại sẽ rất thuận lợi.
- Thứ hai: Indonesia có dân số rất đông 250tr (gấp 2,5 lần VN) và khá giàu có (GDP đầu người gấp 1.7 lần Việt Nam).
- Thứ ba: Mặc dù trong khu vực Đông Nam Á nhưng văn hóa Việt Nam và Indo rất khác nhau, sự khác biệt đó sẽ tạo thành sức hấp dẫn.
Một cơ hội tốt không chỉ ngon ăn mà nó còn phải ẩn nấp đằng sau những rào cản nào đó. Bởi vì nếu ai cũng thấy ngon thì chỉ trong một nốt nhạc cơ hội đó sẽ biến thành mây khói bởi vô số đối thủ sẽ lao vào. Vậy những thách thức cần phải vượt qua là gì:
- Thứ nhất: Về ngôn ngữ, người Indonesia không giỏi tiếng Anh như người Philipin và người Singapor nên cần phải quảng bá du lịch bằng ngôn ngữ của họ và phải có đội ngũ sales và hướng dẫn viên tiếng Indo để phục vụ.
- Thứ hai: Người Indo theo đạo hồi nên cách phục vụ và sở thích sẽ khác rất nhiều so với khách Âu Mỹ và khách Đông Á đang phổ biến ở nước ta.
Với những rào cản trên tôi đã bỏ ra 2 năm và đầu tư một lượng tiền kha khá để nghiên cứu phát triển công cụ SEO cho tiếng Indonesia và tiếng Java (Một ngôn ngữ địa phương dùng bởi 90tr người Indo). Như vậy một rào cản đã được vượt qua, chúng tôi có thể SEO để quảng bá du lịch đến người Indo bằng ngôn ngữ của họ.
Nhưng còn rào cản tiếp theo là phải tìm được một đối tác du lịch có đủ tầm nhìn để bước lên con tàu thám hiểm những miền đất mới. Đến bước này thì quả thật là khó khăn vì nghe ý tưởng thì hay ho đấy nhưng sẵn sàng xuống tiền để thử nghiệm một cơ hội kinh doanh mới thì lại là chuyện khác. Thất bại trong việc tìm đối tác tôi đã để dự án đắp chiếu 2 năm và nhảy sang một startup khác.
Vài ngày trước vô tình tôi đọc được bài báo nói về việc tăng đột biến của khách Thái Lan và Indonesia và chính phủ bắt đầu hướng các nỗ lực phát triển du lịch sang các thị trường này. Có lẽ ý tưởng của tôi đi hơi quá sớm và bây giờ mới là lúc để start!
Tôi đã đóng được 1/2 con tàu sang thị trường Indonesia và mong tìm được đối tác là một công ty du lịch đóng nốt 1/2 còn lại.
Chia sẻ của Chu Dinh Chau