Hôm rồi từ Singapore trở về, lòng có chút băn khoăn. Gặp lại anh bạn cũ Eric ngày xưa làm giám đốc của vài tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam, giờ hồi hương về Singapore và startup ở độ tuổi U60 chuyên ngành tư vấn doanh nghiệp.
Anh cho biết theo tinh thần chương trình hỗ trợ SPRING Singapore của chính phủ đảo quốc sư tử, tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore muốn bước ra thế giới đều được chính phủ hỗ trợ đến 70% chi phí nghiên cứu thị trường, hiệu chỉnh mô hình, tìm đối tác, tung thương hiệu tại thị trường nước ngoài, vv.
Dĩ nhiên, anh cũng không quên nhắn nhủ với tôi rằng Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm được chính phủ Singapore đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp tấn công, đơn giản chỉ vì vị trí địa lý thuận tiện, thị trường có tiềm năng lớn với dân số đứng thứ 3 tại Đông Nam Á, và chính sách tự do thương mại nhờ cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thế là, theo định hướng và tư duy làm giàu cấp quốc gia, doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore ngay từ ngày số 0 đã nghĩ to, nhìn xa, và xây dựng nền tảng để chinh phục thị trường thế giới. Làm giàu căn bản đến thế là cùng, giàu từ tư duy, chính sách, đến tinh thần vươn tầm quốc tế.
Cứ bị ám ảnh hoài câu chuyện Singapore, lên máy bay chẳng làm được gì nên cặm cụi mở báo cáo hệ startup thế giới 2017 ra đọc lại. Ngoài Singapore, thành phố châu Á đang thuộc hàng hot nhất về hệ sinh thái startup là Kuala Lumpur.
Với khoảng 650 doanh nghiệp startup tập trung vào công nghệ theo tinh thần cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thành phố Malaysia này đang khắc tên mình lên bản đồ startup của thế giới. Bước tiến quan trọng của Kuala Lumpur một phần là nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ trong chương trình “Coach and Grow – Cố vấn & phát triển”, đặt trọng tâm vào nguồn vốn con người.
Quốc gia muốn làm giàu, doanh nghiệp phải làm giàu. Có điều, cái sự giàu họ đặt ra hết sức dung dị, nền tảng, đời thường, muốn giàu thì lo mà đi học và phát triển bản thân mình trước đã. Kinh nghiệm không có, kỹ năng chưa tới, kiến thức lỗi thời thì giàu làm sao?
Không lẽ ta cứ lầm lũi làm giàu kiểu ăn sổi ở thì? Giàu 4.0 buộc con người ta phải học để thay đổi tư duy sáng tạo, tư duy bền vững, tư duy quốc tế.
17/6 về đến Sài gòn, cà phê với một anh bạn người Úc sang Việt nam xúc tiến phát triển thị trường. Anh là dân fintech – công nghệ tài chính đã từng quản lý vài quỹ đầu tư lớn tại thị trường châu Á Thái Bình Dương, giờ ra lập quỹ riêng chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp startup về fintech.
Năm 2016, anh đầu tư vào 2 startup công nghệ tài chính từ Nigeria. Sau một năm hoàn thiện sản phẩm và bước đầu triển khai tại thị trường nội địa, họ tiến ra thế giới. Nigeria thì khỏi nói, đã được mệnh danh là một trong những thị trường mới nổi quan trọng nhất trên thế giới.
Từ năm 2014, Nigeria đã trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi, với mức tăng trưởng GDP 5.5% năm 2016, và GDP đầu người vừa qua mặt Việt Nam (Nigeria: 2.640 USD, Việt Nam: 2.111 USD).
Và Lagos, thành phố đông dân nhất của Nigeria, năm 2017 cũng đã ấn tên mình lên bản đồ hệ sinh thái startup đáng quan tâm nhất châu Phi với khoảng 700 startup chuyên ngành công nghệ. Từ một quốc gia có GDP đầu người ở mức 377 USD năm 2000 (Việt Nam: 433 USD)
Nigeria ngày nay đã nhận được sự quan tâm của anh Mark Zuckerberg bằng một chuyến viếng thăm và giới đầu tư mạo hiểm của thung lũng Silicon bằng những tờ séc đầu tư nhiều chữ số.
Hỏi Nick sao lại đầu tư vào startup ở Nigeria, anh cho biết vì họ cập nhật công nghệ mới nhất, vì họ sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ tài chính phá vỡ hoàn toàn tính truyền thống và tái định nghĩa dịch vụ ngành tài chính.
Chuyện này làm tôi nhớ lại con số thống kê số người học online tại các nền tảng MOOC (Massive online open course – khoá học online miễn phí) do các trường đại học hàng đầu thế giới cỡ Havard, Oxford, MIT dạy. Tỷ lệ sinh viên theo học trên các nền tảng này cao nhất là từ châu Phi, trong đó có Nigeria.
Làm giàu kiểu Nigeria? Học để cập nhật, để tiếp cận công nghệ mới nhất, để sáng tạo ra các sản phẩm tái định nghĩa ngành, khiến những nhà đầu tư nhạy bén trên thị trường thế giới không thể làm ngơ.
Kể chuyện Đông chuyện Tây, là người Việt ắt phải đặt câu hỏi về làm giàu kiểu Việt. Quốc gia định hướng làm giàu thế nào không nghe nói, chỉ thấy xã hội lăn tăn một mớ lý thuyết và phương pháp làm giàu theo kiểu nhắm mắt vận công 1 phút 30 giây.
Người ta lao theo những khoá học dạng “không học cũng giàu” hay ngấu nghiến những quyển sách dạng “đọc sai sách cũng giàu”. Tiền rơi xuống, khinh khí cầu bay lên, giấc mơ Việt Nam vỡ vụn khi USD hạ cánh an toàn ở một nơi Á, Phi xa xôi nào đó bằng con thuyền tri thức.
Chia sẻ của Nguyễn Phi Vân