Hơn 20 năm làm kinh doanh, từ kinh nghiệm bản thân và những gì quan sát được, có 1 bài học kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất với vai trò là chủ doanh nghiệp/CEO: Cần phải hiểu rõ bản thân mình, điểm mạnh, điểm yếu và những biện pháp hữu hiệu để giúp mình tránh sai lầm!
Những sai lầm phổ biến của doanh nhân khi không hiểu về bản thân mình:
- Thành công ban đầu gây ảo tưởng về năng lực bản thân. Chủ quan trong nhận định tình hình.
- Xây dựng đội ngũ là những người giống mình, yêu thích mình nên không nghe được tiếng nói phản biện, cảnh tỉnh. Hoặc độc tôn, độc tài điều hành doanh nghiệp và cho mình là vua!
- Có những thói xấu như mê đỏ đen, cảm tính trong việc ra quyết định, không tuân thủ những nguyên tắc do mình đặt ra, hời hợt, nhỏ nhen, ích kỷ… nhưng không xây dựng được cơ chế hữu hiệu để hạn chế tật xấu của mình!
Biện pháp khắc phục:
Tự đánh giá và yêu cầu những người xung quanh đánh giá về các thói xấu của bản thân. Phân tích những thói xấu này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc điều hành doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng các cơ chế giám sát để ngăn ngừa, hạn chế việc tác động của các thói xấu của người chủ doanh nghiệp.
Trong công ty, luôn cần có ít nhất một người giữ vai trò phản biện. Người này có vị trí trong ban điều hành/ban kiểm soát và phải có ý kiến trong các quyết định của chủ doanh nghiệp.
Người giữ vai trò phản biện cần có tố chất, tính cách khác hẳn chủ doanh nghiệp. Hai người sẽ chia nhau 2 vai trò, 1 người là “Hoa hậu thân thiện” và người kia là “Bà già khó chịu” trong công ty.
Cần xây dựng Bộ luật nội bộ để công ty được vận hành hiệu quả, minh bạch và hạn chế sự cảm tính của chủ doanh nghiệp.
Với các công ty cổ phần/niêm yết, đừng bao giờ chủ quan về sự trung thành của cổ đông lớn. “Kẻ thù/đồng minh là tạm thời, lợi ích là vĩnh viễn!”
Chia sẻ của Nguyen Tuan Quynh