Mục lục
Cách đây 17 năm, Đại dịch SARS 2003 đã gây nên một cuộc suy thoái kinh tế lớn thiệt hại 40 tỷ USD toàn cầu. Nhưng dịch SARS cũng chính là bước ngoặt tạo động lực phát triển cho một số doanh nghiệp biết nắm bắt thời thế. Trong đó có Alibaba của Jack Ma.
Ở thời điểm dịch SARS bùng nổ, Alibaba lúc đó là một sản thương mại điện tử B2B kết nối nhà bán lẻ ở Mỹ với nhà sản xuất cung ứng ở Trung Quốc. TMĐT ở Trung Quốc lúc đó vẫn chưa phổ biến vì internet còn hạn chế.
Khi dịch SARS xảy ra, nhiều quốc gia đưa cảnh báo hạn chế di chuyển đến Trung Quốc. Các doanh nghiệp ở nước ngoài bắt đầu chuyển sang giao dịch online vì không thể đến Trung Quốc làm ăn như trước.
Nhờ đó, mảng B2B trực tuyến của Alibaba tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Theo số liệu được công bố, từ tháng 3/2003, Alibaba có thêm 4.000 thành viên và 9.000 mặt hàng mới lên sàn mỗi ngày, chứng kiến tốc độ tăng trưởng từ 3 đến 5 lần so với thời kì trước khi SARS bùng phát.
Khách hàng chuyển sang đặt hàng online, các nhà cung ứng, bán lẻ Trung Quốc cũng phải đầu tư vào bán hàng trực tuyến trên nền tảng của Alibaba. Năm đó, doanh thu của Alibaba tăng 50% và nhiều thời điểm doanh thu hàng ngày chạm mốc 10 triệu nhân dân tệ.
Giữa lúc dịch SARS vẫn đang diễn biến phức tạp, Jack Ma quyết định ra mắt Taobao vào tháng 7 năm 2003, đồng nghĩa với việc Alibaba sẽ cạnh tranh trực tiếp với “ông lớn” eBay, nền tảng chợ TMĐT số 1 Trung Quốc lúc đó.
Chỉ sau hai năm ra mắt, Taobao đã trở thành trang TMĐT C2C hàng đầu của Trung Quốc. Hiện Taobao là một trong những trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Dịch SARS thực sự là một bước ngoặt đối với Alibaba trong hành trình trở thành một hãng TMĐT lớn mạnh nhất ở Trung Quốc và trên thế giới.
Cũng giống như khủng hoảng dịch SARS 2003, Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp, khiến kinh tế suy thoái nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt và thích ứng. Jack Ma mới đây cũng nhận định rằng Covid-19 là một cơ hội để các doanh nghiệp tái định hình, đồng thời chuẩn bị cho đà tăng trưởng sẽ đến sau khi bệnh dịch lắng xuống.
Điều quan trọng là doanh nghiệp làm gì để biến các thách thức thành cơ hội
Theo tôi, có mấy điểm mấu chốt sau:
Phát triển kênh bán hàng online
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua hàng qua mạng bùng nổ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quen với việc mua sắm qua mạng thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày. Các doanh nghiệp chủ động phát triển các kênh bán hàng online bên cạnh cửa hàng offline truyền thống sẽ giữ vững tăng trưởng.
Ngành bán lẻ chuyển mình
Các siêu thị bán lẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang là tâm điểm của sự hoảng loạn khi người dân “vét sạch” nhu yếu phẩm trên các kệ hàng. Thế nhưng, trong tương lai, các cửa hàng bán lẻ truyền thống có thể sẽ vấp phải muôn vàn khó khăn trong cuộc đua cạnh tranh với các đối thủ hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.
Dịch bệnh khiến thói quen mua hàng của người tiêu dùng thay đổi từ offline sang online, trong tương lai khi dịch bệnh qua đi, thói quen mua hàng online sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi.
Phát triển dịch vụ giao hàng
Giao hàng là dịch vụ không thể thiếu của thương mại điện tử. Các chuỗi siêu thị bán lẻ có thể xây dựng dịch vụ vận chuyển của riêng mình hoặc tìm đối tác vận chuyển bên ngoài. Nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao hàng cũng rất lớn.
Thực hiện chuyển đổi số
Hạn chế đi lại và gặp gỡ trực tiếp có nghĩa là con người sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để giao tiếp, liên lạc và trao đổi công việc. Chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp sẽ giúp việc vận hành doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra mượt mà hơn.
Dịch bệnh kéo dài, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng mọi cuộc khủng hoảng luôn ẩn chứa những cơ hội cho những người nắm bắt và thích ứng với chúng. Hãy luôn tìm ra mặt tích cực trong mọi hoàn cảnh sẽ thành công.
Chia sẻ của Thức Xuân Vũ