Bài #4 trong Chương #3 “Dùng” của series bài viết “KỸ NĂNG – KIẾN THỨC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”
Làm thế nào để quản lý nhân viên hiệu quả, đạt kết quả công việc đơn vị cao là một câu hỏi mà ai lên làm lãnh đạo, vai mang trọng trách cũng muốn có câu trả lời. Tôi cũng vậy. Và tôi biết một người có thể trả lời được câu hỏi đó. Ấy chính là Fiedler với thuyết lãnh đạo theo bối cảnh tình huống.
Xin hỏi mọi người: Nếu 1 tổ chức có:
- Quan hệ giữa CEO và nhân viên thân tình
- Ai cũng biết việc để làm
- CEO có quyền lực vị trí cao nhất
Cuối năm, tổ chức đạt mục tiêu là 100 tỷ. Hỏi: 100 tỷ đã là kết quả công việc tối ưu chưa? Nếu mọi người nói “chưa“, chúng ta sẽ cùng bàn tiếp.
Quay trở lại trên, Fiedler đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: Một tổ chức hay đơn vị hay nhóm khi được hình thành và hoạt động sẽ rơi vào 1 trong 8 tình huống (bối cảnh). Dù đơn vị đó mới thành lập hay đã hoạt động lâu thì đều như vậy cả.
Tám tình huống này được hình thành bởi sự kết hợp của 3 yếu tố:
- Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên (đo bằng thước đo LPC)
- Tốt
- Xấu
- Cấu trúc công việc của tổ chức (mô tả công việc, cách thức giao việc, quy trình công việc, cơ cấu tổ chức …)
- Chặt chẽ, rõ ràng
- Không chặt chẽ, rõ ràng
- Quyền lực địa vị của lãnh đạo (khả năng khuyên nhủ, ép buộc, ảnh hưởng, khen thường …)
- Mạnh
- Yếu
Tổ hợp chập của 3 trong 6 yếu tố trên tạo thành 8 tình thuống:
- T1: T – C – M
- T2: T – C – Y
- T3: T – K – M
- T4: T – K – Y
- T5: X – C – M
- T6: X – C – Y
- T7: X – K – M
- T8: X – K – Y
Xin nhắc lại là dù doanh nghiệp hay đơn vị mới thành lập hoặc tồn tại lâu đều rơi vào 1 trong 8 tình huống trên. Ta thấy T1,2,3 là các tình huống thuận lợi. Theo cái lý của người miền xuôi thì tổ chức ở 3 tình huống này sẽ có kết quả công việc (doanh thu, lợi nhuận …) tốt. Ai cũng hỉ hả vui vẻ. Nhưng thực tế có vậy không? (ví dụ ở trên)
Thực tế là đơn vị đó chưa chắc đã có kết quả công việc tốt. Mọi người tưởng vậy nhưng thực ra kết quả của nó có thể chỉ ở mức kém hoặc ở mức trung bình. Vậy khi nào thì kết quả công việc sẽ tốt (cao). Đó là khi người lãnh đạo áp dụng cách quản lý và phong cách lãnh đạo phù hợp với tình huống 1, 2, 3 đó. Đọc đến đây, đừng ai hỏi tôi những điều ở trên có đúng không. Mọi người đi mà hỏi ông Fiedler. Ông ý mất 30 năm nghiên cứu để chỉ ra điều đó.
Chúng ta vừa thống nhất với nhau rằng, một doanh nghiệp rơi vào tình huống thuận lợi thì cũng chưa chắc là kết quả kinh doanh sẽ cao nếu như người giám đốc (lãnh đạo) không có cách quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp phù hợp. Giờ chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu thế nào là cách quản lý, lãnh đạo phù hợp với tình huống.
Như mọi người đã biết, dựa vào việc cho phép nhân viên tham gia vào việc ra quyết định, điều hành và lãnh đạo công việc, người lãnh đạo thường có 2 phong cách:
- Phong cách dân chủ
- Phong cách độc đoán
Tuy nhiên không phải ai cũng hoàn toàn dân chủ hay độc đoán nên các chuyên gia chia lãnh đạo thành nhiều cấp độ (5 cấp độ). Rồi người ta tiếp tục nghiện cứu và chia ra:
- Có lãnh đạo định hướng và công việc, nhiệm vụ
- Có lãnh đạo định hướng vào con người, các mối quan hệ
Thôi chốt lại, chúng ta có 2 phong cách lãnh đạo là:
- Dân chủ, định hướng vào con người, mối quan hệ.
- Độc đoán, định hướng vào công việc, nhiệm vụ.
Theo như ở phần gần đầu chúng ta thấy rằng tổ chức ở tình huống thuận lợi (1,2,3) là tổ chức có mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên tốt. Tức là lãnh đạo quan tâm tới nhân viên, dân chủ, định hướng vào con người, mối quan hệ. Giờ muốn tổ chức đạt kết quả tốt thì Người sếp (lãnh đạo) đó cần phải thay đổi phong cách lãnh đạo. Tức là phải có phong cách lãnh đạo định hướng vào công việc.
Tương tự như vậy, tổ chức ở tình huống bình thường 4,5,6 thì sếp nên chọn phong cách lãnh đạo dân chủ. Phong cách dân chủ sẽ đưa tổ chức đạt hiệu quả cao nhất ở tình huống 5. Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên kém nhưng cấu trúc công việc chặt chẽ rõ ràng (cao) và quyền lực địa vị mạnh.
Nếu doanh nghiệp rơi vào tình huống bất lợi (quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên kém, cấu trúc công việc không rõ ràng và quyền lực vị trí lãnh đạo yếu) thì phong cách lãnh đạo của người đứng đầu phải là độc đoán (định hướng công việc) thì mới có thể dẫn dắt doanh nghiệp đạt kết quả tốt.
Chứ dùng phong cách lãnh đạo dân chủ (định hướng con người) thì sẽ làm cho tổ chức đi xuống. Khi một tổ chức đi vào khủng hoảng thì chúng ta cần phải làm sao cho các cá nhân trong tổ chức đó đồng lòng. Nhưng dùng dân chủ để tìm kiếm sự đồng lòng là không thể. Mà lúc đó chúng ta cần tới sự độc đoán để làm điều đó. Anh chị em cứ xem phim là thấy. Lúc khó khăn là lúc lãnh đạo rất độc đoán nhưng khi bình thường thì lại dân chủ.
Đọc đến đây chắc mọi người đã hiểu: Một doanh nghiệp sẽ ở một tình huống nào đó và việc doanh nghiệp đó có đạt được kết quả tốt hay không dựa trên việc điều chỉnh phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cho phù hợp với tình huống.
Cuối của cuối là cách thức áp dụng vào thực tế. Mọi người cứ làm theo các bước sau:
- Bước 1: Đánh giá tình hình (bối cảnh) thực tế của đơn vị và từ đánh giá, chúng ta ra kết luận được đơn vị đó đang ở tình huống số mấy.
- Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên thế nào?
- Cấu trúc công việc có cao, chặt chẽ, rõ ràng không?
- Quyền lực vị trí của lãnh đạo có mạnh không?
- Bước 2: Đánh giá phong cách lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị: định hướng công việc hay con người?
- Bước 3: Đưa các kết quả đánh giá ở 2 bước trên vào biểu đồ mối quan hệ giữa kết quả công việc với cách thức lãnh đạo và bối cảnh thực tế.
- Bước 4: Ra kết luận và đưa phương án điều chỉnh.
- DC: Dân chủ – định hướng con người, mối quan hệ
- DD: Độc đoán – định hướng công việc, nhiệm vụ
- M: Mạnh
- Y: Yếu
- T: Tốt
- X: Xấu
Thực tế tôi còn thấy có phương án điều chỉnh: Cấu trúc công việc và Quyền lực vị trí lãnh đạo nữa. Tức là thay đổi chính sách, quy chế, nội quy, văn hóa.
Như vậy chúng ta có 3 phương án điều chỉnh:
- Thay đổi bản thân lãnh đạo cho phù hợp tình huống
- Thay đổi bản thân tình huống (tổ chức) cho phù hợp lãnh đạo
- Thay thế lãnh đạo không phù hợp bằng lãnh đạo phù hợp với tình huống.
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Kiến Thức Quản Trị Nhân Sự – Kỹ Năng Dùng”
- Bài 1: Biết Người – CEO Cần Biết Gì Về Nhân Viên Là Đủ?
- Bài 2: Các Công Cụ Nhìn Nhân Viên Cho CEO – Nhân Tướng Học
- Bài 3: Chỉ Cần 3 Công Cụ Sau, Công Ty Sẽ Nâng Cao Hiệu Quả Công Việc Hẳn
- Bài 5: Cách Phân Loại Nhân Viên Và Làm Thế Nào Để Họ Đạt Hiệu Quả Tốt Công Việc?
- Bài 6: Phân Loại Nhân Viên Để Dùng Người Cho Đúng
- Bài 7: CEO Gây Ảnh Hưởng Và Lãnh Đạo Phù Hợp Lợi Ích Nhân Viên Chưa?
- Bài 8: Lương Là Lỗ Thủng Lật Thuyền?
- Bài 9: Gia Tăng Sức Ép Công Việc Thúc Đẩy Nhân Viên Tiến Bộ?
- Bài 10: CEO Đừng Thúc Đẩy Nhân Viên Chơi Trò Chính Trị Trong Công Ty
- Bài 11: Bản Chất Của Hiện Tượng Zombie Và Cách Giải Quyết Tận Gốc
- Bài 12: Tại Sao Lại Phải Xây Dựng Lương 3P?
- Bài 13: Lệnh Ông Không Bằng Cồng Bà – Chuyện Chính Trị Công Ty!
- Bài 15: CEO Chọn Phương Án Lương 3P Nào?
- Bài 16: KPI Theo Hành Trình Khách Hàng
- Bài 17: Chỉ Số Hiệu Suất, Kết Quả Cốt Lõi – Core KPI
- Bài 18: Tối Ưu Hiệu Suất Hay Tận Thu Sức Lực Của Nhân Viên?
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường