Tôi thường nói về giá trị cốt lõi (core values). Đó là thứ người ta coi trọng, không muốn đánh đổi, thậm chí, không bao giờ đánh đổi. GTCL (giá trị cốt lõi) của mỗi người có thể khác nhau vì mỗi người có thể coi trọng những thứ khác nhau.
Ví dụ có người coi trọng sự chính trực hơn tiền bạc, trong khi người khác lại coi trọng tiền bạc hơn sự chính trực!
Giá trị nào mà dễ dàng được đánh đổi (vì tiền, tình, lợi ích vật chất…) thì không còn là GTCL.
Vậy nên khi nói hai người khác hệ, tức ý muốn nói khác hệ giá trị cốt lõi. Còn các giá trị khác (không phải GTCL) thì dù có khác nhau, cũng không quan trọng, vì chúng có thể thay đổi và nhân nhượng để hòa hợp với nhau.
Thay đổi GTCL của một người là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, trừ khi ta thay đổi được mô thức suy nghĩ (paradigm) của người đó. Mô thức suy nghĩ là kiểu tư duy, là cách suy nghĩ.
Khi mô thức tư duy là A, thì hệ GTCL sẽ là A. Ví dụ, mô thức suy nghĩ của một người được cài đặt là “tử tế thường thua thiệt”, họ sẽ coi trọng sự lươn lẹo, mánh khóe, dối trá (để khỏi thua thiệt).
Và khi mô thức này thấm vào tiềm thức, được mặc định trong đầu như vậy, người này sẽ khó thay đổi GTCL này.
Muốn thay đổi GTCL của một người, ta buộc phải thay đổi mô thức của người đó, sao cho họ chuyển đổi tư duy, nhận thức.
Ví dụ, một con người có một mô thức tư duy, sống là phải bon chen, đấu tranh sinh tồn, giành giật để vượt lên trên người khác thì mới hạnh phúc.
Giờ, muốn thay đổi mô thức tư duy của người này, cần thuyết phục, chứng minh cho người ấy thấy hạnh phúc không phải là giành giật, chà đạp người khác để vượt lên, mà là nhường nhịn, yêu thương, san sẻ…
Ví dụ khác, nếu thay đổi được mô thức của một người được “cài đặt” là “tử tế thường thua thiệt” thành “tử tế sẽ thành công”, người ấy có thể sẽ trở thành tử tế (vì tin là nó sẽ giúp mình thành công).
Sứ mệnh của Group PTDNV là nâng cao năng lực tư duy, trong đó, việc thay đổi mô thức tư duy, là điều tôi luôn chú trọng.
Thay đổi những mô thức tư duy theo lối mòn, theo hiệu ứng đám đông bằng những mô thức tư duy có thể ngược đời, nhưng đúng đắn, hợp lôgic, hợp đạo lý, và có thực chứng (proven practice).
Cá nhân tôi cũng thường có những bài viết, những quan điểm ngược đời, nhưng khi tôi giải thích, hầu hết người nghe đều vỡ òa, từ ngạc nhiên đến công nhận, không mấy ai phản đối cả!
Và khi đã công nhận một cách tự nguyện (không ai ép buộc), tôi tin, mô thức tư duy của họ sẽ thay đổi theo nhận thức mới đó!
Tôi lấy ví dụ, trước đây, nhiều người có suy nghĩ chốt sales (sales closing) là đóng, là kết thúc một thương vụ, một giao dịch, ký được một hợp đồng là xong.
Khi tôi chứng minh và thuyết phục họ, chốt sales không phải là kết thúc, không phải là đóng, mà là BẮT ĐẦU, là MỞ ra một mối quan hệ tin cậy lâu dài, nhiều người đã “reset” (cài đặt lại) tư duy của họ theo hướng “mở” này.
Và họ sẽ coi trọng hướng MỞ trong tương lai, thay vì đóng!
Không thể thay đổi hệ GTCL của con người, chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi mô thức tư duy của họ. Việc này rất khó, nhưng không phải là không làm được! Chúng tôi sẽ “keep moving forward” (tiếp tục tiến về phía trước)!
Chúc tất cả anh chị và các bạn một năm mới gặp nhiều điều tốt lành!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu