Mục lục
Có một điều đáng lo hơn cả đại dịch Covid -19 là những hệ lụy kinh tế nó gây ra. Trong vòng 3, 6 đến 9 tháng tới là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp SME. Với kinh nghiệm làm việc với hàng trăm chủ doanh nghiệp SME trong nhiều năm, chúng tôi muốn chia sẻ những việc cần làm để bảo vệ doanh nghiệp trong thời điểm nhiều rủi ro như hiện nay.
Áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để doanh nghiệp ít bị lây nhiễm dịch bệnh nhất
Nếu doanh nghiệp có bệnh dịch sẽ dẫn đến phong tỏa, cách ly văn phòng, nhà máy, tất cả nhân viên, khách hàng có giao tiếp cũng như gia đình của họ ít nhất là 14 ngày. Điều này sẽ gây khủng hoảng cả về kinh tế lẫn danh tiếng cho doanh nghiệp.
Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch không chỉ bảo vệ bạn, nhân viên mà cả với khách hàng của bạn nữa. Các hành động này sẽ trấn an giúp mọi người cùng vững tin vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Các biện pháp phòng dịch đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng tối thiểu nhất là mọi người cần phải thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách khi ra vào nơi làm việc. Không bắt tay và giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2 m. Hãy để nhân viên làm việc tại nhà khi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao.
Truyền thông/giải thích tới khách hàng về cách mà doanh nghiệp sẽ thực hiện để bảo đảm an toàn cho họ
Việc áp dụng các biện pháp phòng dịch sẽ ảnh hưởng tới sự thuận tiện của khách hàng do đó doanh nghiệp cần giải thích rõ để khách hàng giảm bớt nỗi sợ hãi và chấp nhận những phiền phức này. Bạn càng làm tốt thì khách hàng càng có niềm tin vào doanh nghiệp của bạn.
Truyền thông/giải thích cho nhân viên về cách thực hiện tốt nhất để giữ an toàn tại nhà và nơi làm việc
Rất nhiều nhân viên chủ quan với việc phòng dịch bệnh gây lo lắng cho các thành viên khác và khách hàng. Bạn cần duy trì truyền thông/giải thích linh hoạt để giúp nhân viên tập trung và có cơ chế kiểm soát phù hợp. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần gương mẫu trong việc phòng dịch.
Chuẩn bị kế hoạch cho những kịch bản thay đổi của thị trường tác động đến doanh nghiệp của bạn
Bạn cần phải chuẩn bị kịch bản doanh nghiệp không bán được hàng hoặc bị hủy/hoãn thực hiện đơn hàng hay không có nguyên liệu để sản xuất trong 3 đến 6 tháng nữa. Khách hàng cũng có thể cần bạn chia sẻ một phần gánh nặng với họ trong việc bán hàng.
Mọi chuyện sẽ xấu đi rất nhanh và lâu dài kể cả khi dịch đã đi qua và bạn phải phải có phương án dự phòng thậm chí phải cho nhân viên nghỉ luân phiên hoặc giảm lương để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hãy tận dụng cơ hội tranh thủ sự giúp đỡ của nhà cung cấp
Bạn có thể đàm phán với các nhà cung cấp để nhận được sự hỗ trợ về giá hoặc điều kiện thanh toán hoặc cung ứng theo dịch vụ để cùng nhau chia sẻ khó khăn. Chúng tôi đã làm việc này trong giai đoạn khủng khoảng tài chính và cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều khách hàng. Vì vậy, bạn đừng ngại khi đề nghị được giúp đỡ vì điều đó là vì lợi ích cả hai bên trong mùa dịch.
Lập kế hoạch và kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp
Trong thời điểm này thì ai có tiền mặt được lên làm vua nên bạn cần giữ tiền mặt càng nhiều càng tốt. Nên có kế hoạch làm việc với ngân hàng và những nhà cấp tín dụng cho bạn để xin giảm lãi suất hoặc/và giãn, hoàn thời gian trả nợ doanh nghiệp.
Nếu có quan hệ tốt với ngân hàng thì bạn có thể yêu cầu tăng hạn mức tín dụng dự phòng ngay từ bây giờ. Hi vọng bạn sẽ không phải dùng đến những khoản dự phòng này nhưng nó giảm thiểu rủi ro tài chính cho doanh nghiệp của bạn rất nhiều.
Bạn cũng cần cắt giảm, hoãn các hoạt đồng đầu tư mang tính chất dài hạn, cắt giảm những hoạt động chưa thực sự cần thiết. Công ty cũ của tôi đã từng mạnh dạn đóng 2 dự án lớn và điều này đã giúp cho doanh nghiệp dễ kiểm soát được dòng tiền hơn.
Các doanh nghiệp nên cân nhắc việc cắt giảm nhân viên một cách ồ ạt vì sẽ làm cho doanh nghiệp khó “bật lên” được khi thị trường chuyển biến tích cực. Ngoài ra các chi phí thúc đẩy bán hàng cần được duy trì và có thể phải tăng thêm để giúp bán được hàng.
Tập trung trí tuệ của mọi người của công ty vào việc lập kế hoạch đối phó đại dịch
Khi đối diện với rủi ro, mọi người thường có tâm lý sợ trách nhiệm vì vậy là nhà lãnh đạo, bạn cần làm giảm các yếu tố sợ hãi, hoang mang và nghi ngờ của mọi người. Hãy kéo mọi người cùng tham gia làm kế hoạch sẽ giúp tất cả cởi mở trao đổi về tình hình và cách ứng phó của doanh nghiệp qua đó tạo nên sự đồng thuận cao và lấy lại niềm tin cho tất cả mọi người.
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội
Trung nguy luôn có cơ. Vì vậy thay vì chỉ co cụm sợ hãi thì bạn hãy bình tĩnh suy xét tìm ra các cơ hội mới ngay trong dịch bệnh để từ đó nắm bắt cơ hội tốt nhất. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy chuyển hướng sang bán hàng online hoặc giao hàng tại nhà cho khách hàng.
Bạn cũng có thể sử dụng thời gian này để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, sắp xếp – đào tạo lại nhân sự, áp dụng các phương pháp rẻ hơn, phát triển sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng và tìm kiếm những tài năng đang gặp khó khăn như chúng tôi đã làm trong giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2010 trước đây.
Tôi cũng đã xem một số ít doanh nghiệp huấn nhân viên những kỹ năng làm việc mới để tận dụng cơ hội phát triển này. Và bản thân chúng tôi đã từng tìm được những nhân sự rất giỏi với mức lương phù hợp mà khi bình thường có tiền cũng không thể mời họ được.
Phát huy sáng kiến của mọi thành viên trong doanh nghiệp
Hãy phát động các cuộc tìm kiếm sáng kiến cải tiến hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ và các giải pháp thay thế từ mọi thành viên trong doanh nghiệp. Ví dụ, nếu thời gian chết do nhà máy giảm sản lượng, nhân viên có thể sử dụng thời gian này để học tập, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, cải tiến kỹ thuật mà khi bình thường họ không có thời gian để làm.
Xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp
Bạn phải đảm bảo văn hóa doanh nghiệp vẫn được duy trì từ ban lãnh đạo đến nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng này. Đảm bảo rằng mọi người đều đang có chung một mục đích sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hãy cẩn thận với những tin đồn gây sợ hãi, hoang mang và nghi ngờ cho mọi người. Bạn cần đưa thông tin trung thực và mình bạch (có nguồn cụ thể) để nhân viên cảm nhận được mức độ của nguy cơ khủng hoảng nhưng cũng hãy cho họ những câu chuyện tích cực hơn để yên tâm làm việc.
Chúc các bạn biến nguy cơ thành cơ hội cho doanh nghiệp của mình!
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Công Thức Kinh Doanh Để Tồn Tại Trong Mùa Covid-19”
- Bài 1: Kinh Doanh Thế Nào Để Sống Qua Mùa Dịch
- Bài 2: Công Thức Kinh Doanh Thời Khủng Hoảng Covid-19 – Trong Nguy Có Cơ
- Bài 3: Định Hướng Kinh Doanh Thời Khủng Hoảng Covid-19 Như Thế Nào?
- Bài 4: Điều Chỉnh Mô Hình Hoạt Động Để Tồn Tại Thời Khủng Hoảng Kinh Tế
- Bài 5: Cắt Lương Dứt Khoát – Sa Thải Như Thế Nào Cho Đúng Luật Thời Cô Vy?
- Bài 6: Đầu Vào, Sống Còn của Doanh Nghiệp
- Bài 8: 10 Bộ Giải Pháp Cấp Thiết Với DN B2B Thời Suy Thoái Kinh Tế Do Corona
- Bài 9: Dùng OKRs Cá Nhân Để Nâng Cao Hiệu Suất Lon (Wfh) Mùa Covid-19
- Bài 10: Cải Tiến Sản Phẩm Chưa Chắc Thành Công, Nhưng Ngồi Yên Chắc Chắn Chết!!!
- Bài 11: Cấm Quán Rượu, Karoke Toàn Thành Phố Mùa Em Cô Vy
- Bài 12: Chia Sẻ Về Chiến Dịch Sản Phẩm Burger Corona
- Bài 13: Thuốc Giảm Đau Cho Các Doanh Nghiệp Sản Xuất Mùa Covid-19
- Bài 14: Mùa Corona Chiến Lược Tốt Thất Bại Đa Phần Là Do….
- Bài 15: 6 Việc Doanh Nghiệp Nên Làm Trong Thời Gian Cách Ly Toàn Xã Hội
- Bài 16: Giải Thích Chính Sách Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Đối Phó Khủng Hoảng Covid-19
Chia sẻ của Bùi Đỗ Mạnh