Mục lục
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, dường như các doanh nghiệp đang “vận hết công lực” để tìm giải pháp bám trụ và vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh này, việc tập trung vào phương pháp biến nguồn lực thành năng lực là GỐC RỄ tạo nên sự tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ tại workshop online “Phát triển năng lực tổ chức thời COVID” do Thanhs vừa tổ chức, Chuyên gia Quang Minh – Thành viên Hội đồng quản trị Thanhs, Chuyên gia Tư vấn chiến lược đã bật mí cho các doanh nghiệp công thức để tối đa hóa năng lực tổ chức trong điều kiện hiện nay.
Chuyên gia Quang Minh lấy ví dụ rằng: cùng là đội bóng đá Việt Nam, nhưng được dẫn dắt bởi Huấn luyện viên Park Hang Seo thì thành quả lại hoàn toàn khác.
Trong lịch sử dựng nước của Việt Nam, quân đội ta dù có nguồn lực nhỏ bé nhưng lại chứng minh năng lực rất mạnh, đã chiến thắng quân xâm lược Mỹ, Pháp, Trung Quốc…
Tương tự, nhiều doanh nghiệp SME có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn tồn tại và phát triển, trong khi đó nhiều doanh nghiệp lớn có nguồn lực dồi dào nhưng vẫn phá sản.
Tại sao lại như vậy? Bí mật nằm ở việc biết biến nguồn lực thành năng lực và tối đa hóa năng lực đó.
Đối với doanh nghiệp, khi tối đa hóa năng lực tổ chức, cần lưu ý và rà soát kỹ càng những yếu tố sau:
Cấu trúc tổ chức
Khi tối đa hóa năng lực của tổ chức, doanh nghiệp cần xem lại cấu trúc của tổ chức đã phù hợp chưa, có cồng kềnh không, hay còn thiếu, có bị trùng lặp, hoặc đã có nhưng không có liên hệ với nhau và rất rời rạc.
Con người
Con người là yếu tố quan trọng quyết định các yếu tố khác vì chính con người mới có thể huy động các nguồn lực.
Giống như nhận định của Dave Ulrich – chuyên gia tư vấn quản trị hàng đầu của Mỹ rằng:
“Nhân sự không chỉ là Nhân sự. Nhân sự khởi nguồn và kết thúc cùng kinh doanh”.
Môi trường
Môi trường bao gồm văn hóa doanh nghiệp, các quy trình, tiêu chuẩn, quy định của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp… tất cả những gì chúng ta không nhìn được và được thể hiện bằng văn bản và cảm nhận được…
Các nguồn lực khác
Khi xem xét các nguồn lực cần lưu ý hai loại nguồn lực đó là: Nguồn lực của tổ chức và nguồn lực của những người đứng đầu tổ chức.
Các nguồn lực gồm có nguồn lực vô hình và nguồn lực hữu hình như: Tiền bạc, tài sản, vị thế, uy tín thương hiệu, các mqh, các nguồn thông tin, công nghệ, trí tuệ…
Mục tiêu
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid hiện nay, các doanh nghiệp cần điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp, đặc biệt cần lựa chọn mục tiêu là doanh số hay tối đa hóa năng lực của tổ chức.
Lợi ích
doanh nghiệp cần tạo lập được lợi ích và cân bằng giữa lợi ích vật chất với lợi ích tinh thần, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân từ đó tạo thành động lực để tổ chức vận động.
Động lực
Tất cả các yếu tố trên được vận hành và phối hợp chặt chẽ và ăn ý sẽ tạo thành động lực cho tổ chức.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa năng lực của tổ chức, doanh nghiệp cần xem xét từng yếu tố tĩnh bằng cách so sánh mục tiêu mong muốn đạt được và hiện trạng đang có.
Ngoài ra cần xem xét các yếu tố động như: hoạch định kế hoạch, tổ chức triển khai là khâu trọng tâm, kiểm tra giám sát, đánh giá và điều chỉnh thường xuyên liên tục.
Cần lưu ý bốn yếu tố động của hoạt động quản trị, đó là: Quản trị tài chính kế toán, quản trị kinh doanh marketing, Quản trị vận hành và Quản trị chuyên ngành.
Một lưu ý quan trọng là tính Đồng Vận: Nếu các bộ phận, phòng ban đều hoạt động tốt, nhưng không có cùng mục tiêu chung thì là không đồng vận, cần hướng tất cả hoạt động vì một mục tiêu chung mới phát huy được sức mạnh nội tại của tổ chức.
Tóm lại, để tối đa hóa năng lực của tổ chức, các doanh nghiệp cần biến các nguồn lực thành năng lực.
Cần rà soát lại tất cả các yếu tố trên để xác định trọng tâm và kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra.
Chia sẻ của Group “Học Chiến Lược Kinh Doanh – Thương Hiệu”