Đây là sai lầm, là kinh nghiệm xương máu khi làm dự án của tôi. Nay tôi chia sẻ cho những bạn làm Freelancer, cũng như những agency mới hoạt động, có ít kinh nghiệm. Mong rằng các bạn sẽ không vấp phải sai lầm của tôi.
Có lần một người bạn thuê tôi làm nội dung cho website của anh ấy. Thỏa thuận với nhau là tôi sẽ chăm sóc website, đáp ứng đủ số bài viết, chất lượng bài viết và post bài chuẩn SEO lên website.
3 tháng đầu, dự án chạy ngon lành, không có vấn đề gì xảy ra. Đến tháng thứ 4 thì anh bạn ấy nói rằng search console báo lỗi gì đó và bảo tôi sửa. Tôi kiểm tra lỗi thì thấy nó thuộc về lỗi kỹ thuật, phải do bên làm website chịu trách nhiệm.
Tôi nói với ảnh tình hình là như vậy, tôi nói rằng bên làm web phải sửa chứ tôi không sửa được. Rồi ảnh nói là tôi đã nhận chăm sóc website thì phải biết sửa những lỗi liên quan tới website !?!
Tôi giải thích thêm lần nữa là bên tôi không biết sâu về kỹ thuật web, có muốn sửa hộ cũng không sửa được, trong khi việc này không thuộc phạm vi công việc. Thế nhưng anh ấy vẫn không hiểu và nói tôi làm vô trách nhiệm, yêu cầu dừng dự án.
Để sự việc đến nỗi này, tôi thấy mình có lỗi trước tiên. Anh này cũng làm trong giới marketing, nhưng không làm về các mảng kỹ thuật nên ảnh không biết về website là đúng. Mình là người làm dịch vụ thì phải giải thích rõ cho anh hiểu các giới hạn của công việc. Ví dụ: chăm sóc website là chỉ chăm sóc nội dung và thông báo khi có lỗi kỹ thuật xảy ra, chứ không phải bao gồm sửa lỗi kỹ thuật.
Tôi thì cứ nghĩ là anh làm cùng ngành thì sẽ hiểu việc tôi làm, và là bạn bè thì cũng dễ nói chuyện, giải thích sau này. Thế nhưng suy nghĩ này sai hoàn toàn so với thực tế.
Đây là bài học xương máu. Mất tiền tôi không ngại, nhưng mất bạn thì thật là tổn thất quá lớn. Cũng may là một thời gian sau đó, anh em lại bình thường. Sau job đó, tất cả các job sau này tôi đều có phụ lục giải thích cặn kẽ giới hạn (Scope of Work) của từng công việc mình nhận.
Những từ ngữ nào có thể gây hiểu lầm đều được giải thích và có ví dụ minh họa. Tôi cũng giải thích cặn kẽ từng mục, nhấn mạnh những chỗ có thể gây hiểu lầm để khách hàng hiểu trước khi ký hợp đồng.
Dù là ký hợp đồng hay chỉ là một cái email xác nhận, chúng ta cũng phải làm rõ tất cả các hạng mục công việc. Để sau này khi có sự cố, chúng ta cứ dựa vào hợp đồng/email mà giải quyết. Nó sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều công sức giải thích, đôi co các kiểu, và có thể giúp bảo vệ một mối quan hệ quý giá.
Chia sẻ của Nguyen Hoang Duc