Chú em kết nghĩa nhắn tin, “em chán Việt Nam lắm rồi, làm ăn dính tí chính trị mệt mỏi lắm.” Từng sống và làm việc ở Việt Nam, cả trong Nhà nước lẫn ngoài tư nhân và nước ngoài, nên không cần hỏi thêm tôi cũng hiểu ý bạn tôi muốn nói. “Muốn thành công thì phải “quan hệ”, đó lời thúc giục tôi thường nhận được khi ở Việt Nam.
Ở các nước, đặc biệt là đang phát triển, quan hệ với cơ quan chính quyền trong kinh doanh là cần thiết. Trong khoá Kinh doanh Quốc tế tôi theo học tại Đại học Sydney thậm chí từ “guanxi” (nghĩa là ‘quan hệ’ trong tiếng Hoa) đã trở thành một thuật ngữ sử dụng chính thức và là một chủ đề quan trọng được học giả phương Tây nghiên cứu kỹ khi xem xét kinh doanh tại các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, mặc dù khẳng định “quan hệ” không có nghĩa là hối lộ (bribery), nhiều công trình nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách giữa quan hệ và hối lộ là rất mong manh (ví dụ việc tặng quà vật chất để thể hiện thiện chí hay làm nồng ấm các mối quan hệ). Do đó, quan hệ được coi là một vấn đề thuộc “grey zone” (khu vực xám, không rõ trắng đen).
Đây có lẽ là lý do mà rất nhiều doanh nghiệp đã lạm dụng quan hệ để đạt được lợi thế và thành công trong kinh doanh. Ở các nước đang phát triển, “võ” này có nhiều đất để dụng hơn khi các quy định, quy chế chưa hoàn thiện và chưa được thực thi triệt để.
Ở xứ ta đã có nhiều trường hợp làm ăn chộp giật sử dụng “quan hệ” bị phanh phui, điển hình như vụ buôn gian bán lận, treo đầu dê bán thịt chó của lụa Khải Silk, hay xà xẻo tiền thuế qua các dự án mua sắm công như các dự án của Vinaline/Vinashin. Những cách thức “làm ăn lớn” này đều đòi hỏi sự “quan hệ”, cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và những người nắm chức vụ trong hệ thống chính quyền.
Tôi không dám chụp mũ toàn bộ, nhưng những “gương” thành công trong kinh doanh (theo nghĩa giàu về tiền bạc) mà tôi quen biết thì đều có quan hệ lợi ích khăng khít với quan chức lớn nhỏ.
Hôm đọc báo đưa tin Nhật Cường bị khám xét, tôi không hề bất ngờ. Trước hết, tôi khẳng định luôn là Nhật Cường buôn lậu.
Tôi từng mua một điện thoại HTC smartphone (không nhớ rõ phiên bản nào) đập hộp nguyên tem từ Nhật Cường Mobile trên phố (hình như là) Huỳnh Thúc Kháng vào khoảng năm 2010 (lúc TGDĐ còn chưa có “tuổi gì”). Về mở ra thì thấy vẫn còn phần mềm của nhà mạng Singtel của Singapore chưa ‘reset’. Chưa hết, phần photo album đã có sẵn rất nhiều ảnh chụp chưa kịp xoá!
Buôn lậu ngang nhiên như vậy đương nhiên phải có bảo kê. Thế nhưng vụ việc đang xảy ra hôm nay, theo tôi, không phải đơn giản vì bảo kê bị vỡ. Cũng không hẳn vì lý do “nuôi đủ béo rồi nên đến ngày phải thịt” như nhiều người đang nghĩ.
Tôi đồ rằng chuyện còn phức tạp hơn thế. Đây có thể không phải là một vụ phá án buôn lậu thông thường mà còn có thể liên quan đến những tầng nấc cao hơn, vì những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Cơ sở để suy đoán như vậy là việc Nhật Cường năm 2016, bên cạnh mảng buôn bán điện thoại di động rất thành công, đã mở thêm Nhật Cường Software và ngay lập tức trúng thầu một loạt các dự án công của các cơ quan thuộc TP. Hà Nội như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, v.v… Một công ty còn non trẻ mà đã được lựa chọn cung cấp cho nhiều dự án trọng yếu như vậy thì khó làm người ta không nghĩ đến những sự nâng đỡ, ưu ái đặc biệt từ cấp có thẩm quyền.
Thực hư thế nào chúng ta, những người dân thường, có thể không bao giờ rõ vì (biết đâu đó là “bí mật quốc gia”). Chỉ có một điều chắc chắn là rồi đây Nhật Cường sẽ không còn như cũ, giấc mơ trở thành “số 1 về điện thoại iPhone” của họ có thể cũng đã chấm dứt.
Đối với người tiêu dùng, mặc dù thị trường hàng điện tử mất đi một đối thủ cạnh tranh lớn – điều tưởng như bất lợi, nhưng thực tế là họ lại được bớt đi một nguồn cung cấp nhiều rủi ro.
Còn với chúng ta, những người làm kinh doanh chân chính, liệu có được củng cố niềm tin về một môi trường cạnh tranh minh bạch và công bằng tại Việt Nam?
Chia sẻ của Anthony Nguyen