Chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh nâng tầm và phát triển doanh nghiệp Việt, đúng như tên gọi của nó.
Để nâng tầm và phát triển, trước hết, nó cần giải độc cho các doanh nghiệp. Vì sao tôi liên tục dùng cụm từ GIẢI ĐỘC DOANH NGHIỆP, có vẻ hơi nặng nề?
Thực ra cụm từ đó hãy còn khá nhẹ. Lẽ ra, phải dùng từ “giải cứu doanh nghiệp” thì mới đúng bản chất!
Vì sao Doanh nghiệp cần giải độc và giải cứu? Vì thực tế, có vô số doanh nghiệp, cả loại siêu nhỏ, mới khởi nghiệp lẫn loại trung bình hoạt động đã nhiều năm, và cả những tập đoàn, công ty lớn đã và đang bị “đầu độc” nghiêm trọng, dẫn đến thua lỗ, phá sản hoặc nợ nần chồng chất, không ngóc đầu lên nổi!
Doanh nghiệp bị đầu độc gì, đầu độc bởi ai?
Doanh nghiệp bị đầu độc bởi một số các chuyên gia tự xưng, những người “bác sĩ” doanh nghiệp thiếu cả tầm lẫn tâm, đã bốc thuốc sai hoặc cố ý bán thuốc đểu, thuốc giả (kiểu như thuốc ung thư giả) cho doanh nghiệp, vừa lấy tiền, rất nhiều tiền, vừa đưa Doanh nghiệp vào chỗ chết dở, sống dở.
Oái oăm là chính những người đứng đầu Doanh nghiệp lại không hề biết là mình uống nhầm thuốc độc, hoặc nếu có biết thì cũng đã quá muộn.
Doanh nghiệp bị đầu độc bởi những nhận thức, tư duy, phương pháp, công cụ sai nguyên lý, phi thực tế, đi ngược quy luật thị trường và các quy luật tự nhiên khác.
Thứ nhất. Có chuyên gia tư vấn cho Doanh nghiệp truyền thông rộng rãi những câu tuyên ngôn (company statement) về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi phản cảm, sai bản chất, nhầm lẫn về khái niệm, không chỉ gây bối rối cho khách hàng, đối tác, cán bộ nhân viên nội bộ.
Mà còn gây mất cảm tình vì nó thô thiển, “trật lất”, mang tính khoe mẽ nhiều hơn là phụng sự, giả tạo nhiều hơn là thực chất… Lẽ đương nhiên, khi đã mất cảm tình thì khách hàng sẽ tẩy chay, không muốn mua hàng.
Thứ 2. Có chuyên gia tư vấn tái cấu trúc cho công ty mà cứ xoáy vào sắp xếp tổ chức, bố trí nhân sự, cắt bỏ phòng ban, bộ phận này, tăng thêm phòng ban bộ phận kia, đẻ ra thêm nhiều mảng kinh doanh mà không đá động gì đến chiến lược.
Vốn là tiền đề cho mọi công cuộc tái cơ cấu hay tái cấu trúc. Bỏ qua chiến lược mà đi vào mô hình, hay cấu trúc, và bố trí nhân sự thì không khác gì cứ xây cao ốc rồi tích cực trang trí nội thất, mua sắm trang thiết bị bên trong mà chưa xác định mục đích sử dụng và cách thức cạnh tranh khi vận hành tòa nhà.
Thứ 3. Có chuyên gia tư vấn chiến lược tài chính, tái cơ cấu hệ thống tài chính của Doanh nghiệp mà không có chút hiểu biết nào về chiến lược kinh doanh và không hiểu rằng chiến lược kinh doanh phải đi trước chiến lược tài chính, chứ không phải ngược lại.
Đã có tập đoàn từng một thời đình đám giờ đang chết dở, sống dở, phải tự bán mình từng phần (kiểu thằn lằn ăn vào đuôi của mình) vì đi theo chiến lược tài chính này.
Thứ 4. Có chuyên gia tư vấn marketing cho Doanh nghiệp ném tiền qua cửa sổ bằng những chương trình Marketing phi thực tế, ngược trình tự marketing, trật lất về customer insight, đầu tư không đúng chỗ, chọn sai kênh truyền thông, thiếu sự phối hợp đồng bộ với sales, sản xuất, cung ứng và các bộ phận khác.
Thứ 5. Có chuyên gia tư vấn thương hiệu cho Doanh nghiệp làm sai cơ bản về quy trình, kiểu như cứ làm sản phẩm cho tốt, sản xuất hàng loạt đem ra bán rồi từ từ làm thương hiệu sau, hoặc tư vấn chọn tên thương hiệu theo cách “tự trói mình” lại, bó chặt, gói cứng, làm cho thương hiệu không thoát ra được khỏi cái tên, và bị chết yểu trong chính cái tên ấy.
Thứ 6. Có chuyên gia tư vấn xây dựng hệ thống phân phối theo cách thức cũ xưa và đem áp cách làm của tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh vào doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, dẫn đến Doanh nghiệp hụt hơi, bỏ dở giữa chừng, tiền mất, tật mang…
Thứ 7. Có chuyên gia tư vấn và đào tạo sales, cứ dạy kỹ xảo, chiêu trò chốt sales kết liễu, dứt điểm, kiểu “chạy số” trong ngắn hạn, bất chấp định vị và bản sắc thương hiệu (vì thầy đâu có hiểu gì về thương hiệu), bất chấp các nguyên lý cơ bản trong lĩnh vực sales và nghề sales.
Kết quả là số tăng bong bóng một, hai tháng rồi xì hơi vì khách hàng chạy hết.
Thứ 8. Có chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, bảo khởi nghiệp phải “đóng nhiều vai”, từ giám đốc, marketing, thương hiệu, thiết kế, bán hàng đến giao hàng, bốc xếp, kế toán…
Kết quả là chẳng vai nào ra hồn (vai nào cũng như ẹ), và cứ phải khởi đi, khởi lại hoài cho đến lúc chủ Doanh nghiệp phải đi “núp lùm” để trốn nợ…
Thứ 9. Có chuyên gia tư vấn về quản lý và lãnh đạo mà không phân biệt được đâu là quản lý, đâu là quản trị, và đâu là lãnh đạo.
Dạy toàn quản lý mà bảo là quản trị, giảng toàn lãnh đạo cấp độ 5 này nọ mà không nói được vai trò của lãnh đạo trong quản lý, và không hiểu rằng một trong những chức năng quan trọng bậc nhất của quản lý là chức năng lãnh đạo.
Họ dạy động viên và tạo động lực cho nhân viên, nhưng không dạy thêm rằng động viên và tạo động lực không đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng cho một hay vài nhân viên có thể làm mất động lực và gây hiệu ứng tiêu cực cho hàng loạt nhân viên khác…
Và còn vô vàn những thứ độc hại khác, tôi không thể liệt kê hết ở đây, đang bị các chuyên gia (tự xưng) thiếu cả tầm lẫn tâm ngày ngày đầu độc và giết dần giết mòn các doanh nghiệp.
Hàng ngàn doanh nghiệp đã được giải độc và đã cất cánh. Tuy vậy con đường giải độc vẫn còn dài, và không ít các chuyên gia vẫn đang rải độc khắp nơi.
Làm không xuể nên rất cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa của các bạn.
Các bạn sẽ chung tay giúp sức cho việc lan tỏa các loại “thuốc giải” chứ?
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long