Covid đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều doanh nghiệp và rất nhiều trong số đó đã đóng cửa doanh nghiệp.
Có lẽ dịp này sẽ là dịp để khiến nhiều người nhận ra, điều đáng lẽ phải nhận ra từ rất lâu đặc biệt là sự thay đổi của công nghệ, đó là tư duy kinh nghiệm đôi khi sẽ là thứ ăn hại.
Thế giới thay đổi không còn gọi là nhanh nữa, nó gọi là điên cuồng. Chu kỳ sống của sản phẩm ngày một ngắn vì mọi thứ đều thay đổi theo thời gian: khách hàng đã thay đổi hành vi, môi trường kinh doanh thay đổi, nhân sự cũng thay đổi…v..v.
đồng nghĩa với việc luôn phải sáng tạo những thứ mới hơn, ví dụ đơn giản là đưa những thứ mới mẻ, thẩm mỹ, cho bao bì hay thêm chức năng cho sản phẩm của mình cũng là điều phải nghĩ.
Chỉ riêng sau dịch Covid, nhận thức, thói quen, hành vi tiêu dùng mới sẽ hình thành sẽ dẫn tới một số nhu cầu mới phát sinh, nếu cứ bám vào tư duy kinh nghiệm mà không tư duy sáng tạo thì sẽ mãi chạy sau người khác.
Nói có thể động chạm tới một số người nhưng sự thật, case study thật là mình biết nhiều người trên 35, có chuyên môn tốt, đã từng thành công ở nhiều dự án nhưng hiện tại vẫn đang không có gì làm.
Vì đơn giản, những người làm chủ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn ở những người trẻ hơn.
Người trẻ, họ học nhanh hơn, kiến thức cập nhật nhanh hơn, cầu tiến hơn, linh hoạt hơn, làm trâu hơn, động lực mạnh mẽ hơn, lương và đãi ngộ yêu cầu thấp hơn và đặc biệt họ không bị bám chấp vào cái kinh nghiệm và luôn linh hoạt, luôn sáng tạo những cái mới.
Công ty mình hiện tại toàn những bạn trẻ, từ 96 trở lên, vì trước đó mình có tuyển những người lớn hơn, nhưng vì đã có kinh nghiệm nên họ bị lối mòn, không thể sáng tạo hơn, trong khi đó là điều cực kỳ cần thiết để làm Marketing.
Hiện tại chỉ còn 1 anh 86, nhưng anh ấy thoát được bẫy tâm lý, có thái độ cầu tiến học tập tốt, biết chọn trau dồi những kiến thức cần cho công việc tương lai thay vì hiện tại.
Thời đại bây giờ là thời của sáng tạo đột phá. Những kiến thức trên mạng đầy rẫy nên sự phụ thuộc vào kinh nghiệm giảm đi, sự thay đổi công nghệ cũng loại bỏ nhiều kỹ năng và kiến thức mà trước đây cần có.
Bạn có thể giỏi ở vị trí cũ không đồng nghĩa với việc giỏi ở vị trí mới. Khổ nỗi là càng thành công ở quá khứ hay thậm chí là hiện tại, chúng ra càng tin vào kinh nghiệm của mình, tin vào cách làm truyền thống, ì hơn, lười học, lười tiếp thu vì cái suy nghĩ “biết rồi”.
Lên plan cho một cái mới, chưa từng làm, chưa thực chứng, chưa kịp tư duy dùng các phương pháp phân tích thì chúng ta đã tư duy kinh nghiệm cũ, tư duy đến những cái từng làm để suy luận.
Kiểu tư duy này gây sai lầm không thể tránh khỏi vì như trên đã nói, thế giới thay đổi điên cuồng, chu kỳ sống của sản phẩm ngày một ngắn vì mọi thứ đều thay đổi theo thời gian: khách hàng đã thay đổi hành vi, môi trường kinh doanh thay đổi, nhân sự cũng thay đổi…v..v
Khách hỏi tư vấn, thấy thích dịch vụ của mình, câu hỏi cuối đặt ra để đi đến bước ký hợp đồng thường là: “Bên em đã từng làm sản phẩm này chưa”
Họ không sai, chỉ là họ không hiểu, marketing năm 2020 mà tư duy kinh nghiệm của 2019 thôi đã cầm trên tay thất bại, vì cái gì cũng mới chỉ có bộ óc của chúng ta là cũ kỹ.
Không phải mình bảo quăng kinh nghiệm đi, nó là thứ quý giá, nhưng vì nó, bám vào nó mà cho rằng mình biết hết, giỏi hết, và ngày càng lười học hơn thì xong, kiếp này coi như bỏ.
Chia sẻ của Nguyễn Minh Quyết