Nếu tư duy bức tranh nhỏ, bạn sẽ thấy bóng đá chẳng quan trọng gì. Và bạn có thể khó chịu, thậm chí chỉ trích những người cuồng bóng đá. Tuy vậy, nếu tư duy toàn cục hay tổng thể, nhìn vào bức tranh lớn, bạn sẽ thấy bóng đá không tầm thường như bạn nghĩ.
Khi đói, con người cần có cái ăn. Khi rét, con người cần có cái mặc. Nhưng khi đã có đủ cơm ăn (chưa cần cao lương, mỹ vị), áo mặc (chưa cần hàng sang, hàng hiệu), con người lập tức nghĩ đến đời sống tinh thần.
Bóng đá là một trong những món ăn tinh thần mà từ người bán vé số, anh đạp xích lô đến tỷ phú đô la đều có thể chết mê, chết mệt. Họ háo hức chờ đón, hào hứng cổ vũ, và hân hoan đến phát cuồng khi đội nhà chiến thắng.
Con người không chỉ cần cái ăn, cái mặc, cái giàu có, vật chất… Con người cần cả đời sống văn hóa, tinh thần. Bóng đá đem lại tâm trạng háo hức, hồi hộp, lo lắng, hân hoan, vỡ òa niềm vui, hạnh phúc, tự hào… Nó cũng cần thiết cho con người như những thứ vật chất khác!
Không phải tự nhiên mà cả thế giới, kể cả các nước nghèo, cũng như lên đồng với bóng đá, không chỉ có Việt Nam!
Vậy nên, dù giãn cách xã hội, dù cuộc sống còn nhiều lo toan, thì đêm nay, hàng triệu người Việt Nam cũng sẽ háo hức chờ đợi trận cầu quyết liệt giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển UAE.
Chúc đội tuyển quốc gia Việt Nam thân yêu của chúng ta sẽ giành chiến thắng vinh quang trước UAE như đã từng chiến thắng!
Nhiều người bảo bóng đá là môn giải trí nên không quan trọng. Một món ăn tinh thần làm say đắm triệu triệu con tim, làm cho hàng triệu con người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết, yêu thương nhau hơn, và yêu nước hơn, sao lại bảo là không quan trọng?
Dưới góc nhìn hạn hẹp, mang tính cá nhân, nhiều người sẽ không ưa môn thể thao này. Nhưng nếu nhìn vào bức tranh lớn, họ sẽ hiểu vì sao hàng tỷ người trên thế giới yêu thích môn thể thao này!
Bài viết này rèn luyện tư duy toàn cục, giúp các nhà quản lý và doanh nhân có cái nhìn tổng thể sự vận hành của doanh nghiệp. Hãy đừng nghĩ chỉ bộ phận nào liên quan đến doanh thu, lợi nhuận (như bán hàng, tiếp thị) mới là quan trọng mà coi thường các bộ phận khác như kế toán, hành chính, nhân sự, mua hàng, nghiên cứu và phát triển…
Thậm chí, một nhân viên bảo vệ cũng đóng góp rất nhiều vào sự thành công của doanh nghiệp nên đừng coi thường họ! Bạn đồng ý không?
Chia sẻ của Long Nguyễn Hữu