Mục lục
Rèn luyện tư duy toàn cục…
U23 VN lại hòa U23 Jordan 0-0 tối qua. Nhiều người bảo U23 VN “lép vế” trước Jordan, và nếu không nhờ tài năng của thủ môn Bùi Tiến Dũng thì VN chắc đã thua.
Hãy thử dùng cách tư duy toàn cục (big picture thinking) để phân tích nhận định này của đại đa số bình luận viên và phóng viên thể thao nhé!
Thứ nhất
Các bình luận đều kèm theo chữ “nếu” – nếu không nhờ tài năng của thủ môn Bùi Tiến Dũng…
Khi đã dùng chữ nếu cho Việt Nam, hãy dùng chữ nếu cho cả Jordan thì mới công bằng. Nếu Jordan không có những cầu thủ chạy cánh tốc độ với những cú tạt nguy hiểm, thì Việt Nam đã ăn gỏi Jordan.
Nếu 10 phút cuối, khi Việt Nam ép sân và gây nguy hiểm cho cầu môn Jordan, những Hà Đức Chinh, Tiến Linh, Quang Hải chính xác hơn một chút, Jordan đã có thể khóc hận vì Việt Nam. Nếu Đình Trọng, Hà Đức Chinh được đưa vào sân sớm hơn, cục diện trận đấu đã cân bằng sớm hơn, và Việt Nam không bị xem là “lép vế” trước Jordan. Nếu, nếu, và nếu…
Thứ hai
Cần hiểu rằng, thủ môn là một phần cực kỳ quan trọng của đội bóng. Một mình anh ta có thể đóng góp đến 50% vào kết quả trận đấu.
Khi có một thủ môn kinh nghiệm, chắc chắn, chúng ta có sự tự tin rất lớn, và về toàn cục, chúng ta càng thêm tự tin. Bằng chứng là một mình Bùi Tiến Dũng đã có thể “cân” được vài cầu thủ Jordan khi anh làm nản lòng các chân sút của họ. Do vậy, về toàn cục, U23 Việt Nam không hề “lép vế” trước Jordan (hiệp hai chúng ta lấy lại thế chủ động, và 10 phút cuối chơi lấn lướt hơn).
Thứ ba
Kết quả hòa 0 – 0 của trận đấu cũng nói lên tất cả! Và bản thân Jordan cũng chưa một phút giây nào dám tự cho mình là “trên cơ” hay “lấn lướt” để có thể coi thường Việt Nam là “lép vế”.
Đúng là chất lượng chuyên môn và khả năng phối hợp của các tuyển thủ Việt Nam ở các trận vừa qua (với UAE và Jordan) chưa cao.
Nhưng 2 trận bất bại trước các đội bóng Tây Á cao to là không tồi tí nào (họ cũng chẳng hơn gì ta nên không ghi được bàn nào).
Từ bóng đá, đến kinh doanh.
Đối thủ có thể thua bạn ở nhiều sản phẩm, nhưng họ chỉ cần có một số ít sản phẩm cực mạnh, kiểu như thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải…, thì đã có thể cân bằng lực lượng với bạn.
Do vậy đừng chủ quan và tự hào vì họ “lép vế” trước mình. Khi đánh giá toàn cục, đôi khi chỉ cần 1 sản phẩm duy nhất vượt trội, một công ty đã có thể vươn lên tốp đầu, và về tổng thể, không có đối thủ nào sánh kịp (Coca Cola là một ví dụ).
Chính vì vậy, mà đội bóng nào cũng cần ngôi sao. Đôi khi chỉ cần sở hữu một siêu sao thôi (kiểu Messi, Ronaldo), đội bóng đã có thể tự tin trước mọi đối thủ. Tất nhiên, bệnh sao thì là khía cạnh khác!
Tôi luôn nói, doanh nghiệp rất cần ngôi sao, nhưng không cần bệnh sao cũng là ở lý do này!
Hãy tìm kiếm những ngôi sao, và triệt tiêu bệnh sao trong doanh nghiệp của bạn! Và nếu doanh nghiệp bạn có một sp nào có thế mạnh vượt trội, hãy tập trung vào khai thác thế mạnh của nó.
Nhờ nó, bạn có thể cân bằng hoặc vượt trội doanh số và lợi nhuận so với đối thủ, kể cả khi nhiều sản phẩm khác của bạn thua kém.
Ai đồng ý không? Yes/No?
Chia sẻ từ Long Nguyen Huu