Mục lục
Sau quá trình tìm hiểu và làm việc trực tiếp với nhiều startup và doanh nghiệp SME, mình và đội ngũ VSI đã nhìn nhận và thấu cảm những “nỗi đau” trực tiếp của các startup và SME khi phát triển thị trường (Đặc biệt là trong lúc khủng hoảng như hiện nay).
Đầu tiên, hầu hết các startups chỉ tập trung vào làm Performance Marketing để ra doanh số
Điều này ĐÚNG! Nhưng nó dẫn đến việc doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng và kênh bán thứ 03: với 01 Doanh nghiệp “làm Digital” thì phải đến 92-95% leads kiếm về đều qua chạy ads hoặc platform trung gian.
Hậu quả là các doanh nghiệp trẻ rất bị động và sẽ gặp khó khăn về khi có biến động lớn trên thị trường. Các platform bán hàng trung gian là đặc điểm của thời đại 4.0, là một giải pháp thị trường nhanh chóng và tiện lợi cho startups.
Tuy nhiên việc tận dụng tối đa các platform trung gian này để phát triển về doanh số sẽ khiến doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác (về chính sách giá, về dữ liệu khách hàng, về kênh triển khai …)
Ví dụ nôm na là doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam chẳng khác gì các bác nông dân ở làng thì bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Cái khó nữa là ở Việt Nam chỉ có 04 ông thương lái chính: Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, và mỗi ông chơi 1 kiểu format khác nhau
Thứ hai, đó là việc bỏ quá nhiều tài nguyên
Cho quá trình xây dựng nền tảng marketing mà hiệu quả đem lại rất ít và chậm như rùa bò trong khi doanh nghiệp cần các con số khả thi ngay. Mình xin lưu ý là việc đầu tư này chỉ phù hợp với các startup được các CVC đầu tư, khi họ có sẵn hệ sinh thái và nguồn lực để boost dịch vụ và sản phẩm mới của startup lên MỘT-CÁCH-PHÙ-HỢP.
Mình chỉ có thể ví dụ mịt mờ thôi, và nó cũng chả phải xảy ra một lần: đôi lúc là vì thích (hoặc là vì 1 vài lý do khác), các anh/chị Nhà Đầu Tư vẫn bế bằng được những startup rất tiềm năng về hệ sinh thái của tập đoàn của các sếp mà nó chẳng ăn nhập gì đến nhau trong hệ thống;
Và nó dẫn đến việc dù rót rất rất nhiều tiền cho startup đấy thì nó vẫn chết tức tưởi sau 1-2 năm. Vì thế mình xin các bạn startup có cơ duyên gọi vốn từ các tập đoàn thì hãy tìm hiểu NGHIÊM TÚC hệ sinh thái của họ, đừng vì thấy anh/chị Nhà Đầu Tư hay quá hoặc lúc đấy vã tiền quá rồi nên nhắm mắt làm liều, bạn sẽ tự tay bóp chết đứa con startup của mình đấy!
Tổng quan lại, các startup cần có ý thức và chủ động trong việc định hướng & xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để chủ động được trong cuộc chơi phát triển khách hàng và đối tác. Việc có được một tệp khách hàng và đối tác đồng hành phát triển với startup ngay từ đầu và việc họ tin tưởng vào thương hiệu cũng sẽ khiến doanh nghiệp dù nhỏ nhưng vẫn có khả năng phát triển bền vững ngay cả trong các biến đổi lớn về thị trường.
Có một ví dụ về thương hiệu của người Việt, mà anh em nào đi u đi Mỹ đều biết, đó là Tương ớt con gà trống Sriracha. Dù chỉ là công ty gia đình, và không đăng ký được thương hiệu (vì Sriracha là tên địa danh, là làng chài mà ông chủ của Huy Fong Food đã tị nạn khi rời khỏi Việt Nam), nhưng sản phẩm của ông David Trần này vẫn nổi tiếng khắp năm châu bốn bể (ngoại trừ … ở Việt Nam)
Nhưng ví dụ muốn nêu ra là trong quá trình kinh doanh của Huy Fong Food, có một đợt nhập ớt nguyên liệu không đúng quy chuẩn, ông đã liên lạc với các đầu mối và NGỪNG cung cấp tương ớt cho đến khi nhập được nguồn nguyên liệu tốt hơn. Kết quả là sau đợt ấy, ông có số lượng đơn đặt hàng cao hơn rất nhiều.
Nếu Huy Fong Food không xây dựng một thương hiệu mạnh (dù có một đống thương hiệu con ngỗng, con vịt, con abcxyz trên thị trường với mẫu chai tương tự), thì liệu đối tác có sẵn sàng chờ đợi không?Cho nên, lời khuyên của mình là hãy có ý thức xây dựng thương hiệu cho startup từ khi bắt đầu!
Việc cần làm trước cả khi bỏ ra năm (hay mười) triệu làm bộ nhận diện thương hiệu ban đầu, đó là các founder nên vắt óc ra mà “DỰNG CHUYỆN”.
Một câu chuyện hay ho về bản thân & khởi nghiệp, về trải nghiệm độc đáo của khách hàng, về sự nổi trội so với đối thủ, sau đó gia giảm thêm chút gia vị để tạo thành một câu chuyện độc đáo. Món chính ra rồi ta sẽ trình bày với các yếu tố hình ảnh ăn kèm (tên, slogan, logo, domain).
Đây sẽ là thương hiệu khả thi tối thiểu (MVB – Minimum Value Brand) của doanh nghiệp.
Với một thương hiệu startup tốt, bạn sẽ có một nền tảng vững chãi cho startup để bán được hàng và tìm kiếm đối tác dễ dàng hơn nhiều!
Chia sẻ của Le Thai Duong
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “18 Bài Học Cơ Bản Giúp Xây Dựng Thương Hiệu Một Cách Bài Bản Và Hiệu Quả Cho SME”
- Bài 1: Khởi Nghiệp Xây Dựng Thương Hiệu
- Bài 2: Câu Chuyện Về Thương Hiệu
- Bài 3: Tập Trung Vào Thương Hiệu Hay Trải Nghiệm?
- Bài 4: Hỏi Đáp Nhanh Về Thương Hiệu
- Bài 6: Đừng Tìm Nữa, Đây Mới Là Kênh Truyền Thông Tốt Nhất Của Thương Hiệu
- Bài 7: Thử “Giải Thiêng” Một Số Lầm Tưởng Về Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp
- Bài 8: Tính Nhất Quán Trong Thực Thi Chiến Lược Thương Hiệu
- Bài 9: Sở Hữu Một Thương Hiệu Hay Nhiều Thương Hiệu Là Tốt
- Bài 10: Thương Hiệu – Đừng Bỏ Nhiều Tiền Thuê Người Đào Hố Chôn Mình
- Bài 11: Xây Dựng Hình Ảnh Thương Hiệu Trong Tâm Trí Khách Hàng
- Bài 12: Giải Pháp Hiệu Quả Để Doanh Nghiệp Việt Tăng Doanh Số, Nâng Tầm Thương Hiệu
- Bài 13: Tăng Tốc Bán Ra – Nâng Tầm Thương Hiệu
- Bài 14: Chọn Thương Hiệu Tổ Chức Hay Cá Nhân?
- Bài 15: Hành Trình Xây Dựng Thương Hiệu Bao Gồm Những Công Việc Gì
- Bài 16: Văn hoá phục vụ
- Bài 17: Sản Phẩm Phải Trước Thương Hiệu?
- Bài 18: Xây dựng thương hiệu để bán hàng (Sales & Branding)