Bài trước tôi có viết “7 em chân dài khuynh đảo nhà máy” nói về 7M (bảy em) trong sản xuất. 7 “em” đó là:
- Machinery (máy móc);
- Materials (vật tư);
- Manpower (con người);
- Method (phương pháp, cách thức quản lý);
- Mother-nature hay environMent (môi trường sx, làm việc);
- Measurement (thiết bị, cách thức đo đạc);
- InforMation (thông tin).
Ngoài ra, còn có thể có một em chân dài nữa là Money (tiền) – thiếu tiền thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Trong status này tôi sẽ đề cập về “em” (M) váy đỏ đầu tiên là Machinery (máy móc). Máy móc, công nghệ, kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất (Productivity), chất lượng (Quality), giá thành (Cost)…
Ngoài chuyện đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành…, việc bảo trì máy móc thiết bị là yếu tố hết sức quan trọng mà nhiều nhà máy không mấy quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức!
Bảo trì (Maintenance) có bao nhiêu cấp, và thường bị coi nhẹ cấp nào?
Có 3 cấp chính để chăm sóc em váy đỏ này:
Thứ nhất, Preventive Maintenance (bảo trì phòng ngừa): Đây là loại bảo trì, bảo dưỡng định kỳ cho em theo lịch mặc dù em chưa hề hỏng hóc.
Định kỳ có thể là ngày, tuần, tháng, quý, năm, hay theo mức sản lượng, năng suất… tùy theo yêu cầu của từng loại máy móc.
Ví dụ theo catalogue, cứ chạy 5000km thì xe ô tô phải thay nhớt, bảo dưỡng; cứ 6 tháng phải vệ sinh máy lạnh một lần…
Thứ hai, Corrective Maintenance (bảo trì khắc phục hay sửa chữa): Đây là loại bảo trì khi xảy ra sự cố hỏng hóc, cần khắc phục, sửa chữa để đưa máy móc vào vận hành.
Thứ ba, Predictive Maintenance (bảo trì chẩn đoán): Loại bảo trì này không thuộc bảo trì phòng ngừa định kỳ (vì chưa tới kỳ bảo dưỡng), cũng không thuộc bảo trì khắc phục (vì chưa có hỏng hóc cần sửa chữa).
Như người bác sĩ, đôi lúc phải chẩn đoán xem bệnh nhân có vấn đề gì qua triệu chứng (dù chưa đến kỳ khám sức khỏe, và dù bệnh nhân vẫn hoạt động, làm việc bình thường).
Người thợ/kỹ sư quan sát máy móc vận hành phải thường xuyên lắng nghe hơi thở và tiếng kêu; nếu thấy hơi bất thường (em kêu to quá, em thở mạnh quá…), phải lập tức áp tai nghe, đo nhiệt độ, huyết áp, làm các xét nghiệm để chẩn đoán xem em mắc bệnh gì để có kế hoạch phòng ngừa hoặc sửa chữa (như 2 cấp trên).
Nếu em váy đỏ này được các anh quan tâm chăm sóc theo 3 cấp như trên, chắc chắn em sẽ ngoan ngoãn phục vụ các anh cật lực, không mệt mỏi, không gián đoạn, không mất năng suất (productivity)…
Còn chất lượng (quality) và chi phí (cost) thì chắc chắn là trên cả tuyệt vời!
Mấy anh giám đốc nhà máy, kỹ sư, kỹ thuật viên có muốn chăm em váy đỏ này theo 3 cấp trên không?
Chia sẻ của Long Nguyen Huu