Mục lục
Bài 9: SERIES “NGHỀ TUYỂN NGƯỜI”
Nghe cậu em chia sẻ về 7 mẫu người tuyển dụng và nói thế nào là nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, hắn mình cười nói: “Được! Em quan sát tinh tế đấy. Thế em có biết người làm tuyển dụng hay đóng các vai diễn nào khi vào phỏng vấn không ”.
Cậu em Cu li của hắn đang đắc trí cười sướng vì quả này nắn được ông anh. Ai ngờ lại bị ông anh hỏi vặn. Nó hỏi: “Vai diễn là sao? Tức là đóng phim à?”. “Ừ! Đời là một sân khấu mà. Và phỏng vấn là một sân khấu nhỏ. Việc của chúng ta là phải diễn thật tốt. Ứng viên diễn vai kiểu ứng viên và nhà tuyển dụng cũng có vai của mình. Sao cho đạt mục tiêu là được.”
Hắn nhấp cốc café rồi lại nói tiếp: “Anh vừa rồi đọc được bài phân loại ứng viên mới ra ràng, khoảng 2 năm đổ lại. Bài ý phân ra làm 3 loại ứng viên. Với anh thì nó chỉ là 3 loại vai diễn. Và tùy vào kinh nghiệm sẽ diễn ở vai nào. Người giỏi là biết chọn vai để diễn. Như thế mới chuẩn.”
Hắn nhìn ra ngoài đường như người khán giả ngắm cái sân khấu khổng lồ và hỏi: “Thế nào có muốn nghe đúc kết của anh không?”. “Có chứ!” Cậu em trai nói. Và hắn bắt đầu:
Vai diễn 1: Người bạn thân
Đặc điểm: Đối xử với ứng viên như một người bạn thân.
Các hành động: Bắt tay, cười thoải mái, cư xử quan tâm tự nhiên.
Vai diễn đầu tiên mà nhà tuyển dụng và bản thân hắn cũng hay đóng là vai bạn thân. Hành động thì rất giống như mẫu người chuyên nghiệp: “không khí cởi mở, chuyên nghiệp trong suốt buổi phỏng vấn, luôn nở nụ cười thân thiện khi trao đổi, quan tâm một cách phù hợp tới ứng viên.
Không để tâm trạng xấu tác động đến cách đối xử với ứng viên”. Việc diễn vai diễn này là để cho ứng viên không đề phòng rồi tìm những tính cách thật của ứng viên thông qua các câu chuyện về tiệc tùng, rồi cuộc sống riêng tư, tâm sự cá nhân.
Vai diễn 2: Người chất vấn
Đặc điểm: Hỏi, hỏi, và hỏi.
Các hành động: Chuẩn bị một danh sách những câu hỏi để “bắn” liên tiếp. Đây thường là vai dành cho các diễn viên nghiệp dư. Hắn chia sẻ, giờ hắn đang xây dựng ngân hàng các đề phỏng vấn để phục vụ cho các diễn viên dạng này. Tuy nhiên, người giỏi khi diễn vai này thực ra là đang áp dụng một kỹ thuật phỏng vấn khá hay đó là chống nói dối. Câu hỏi sẽ liên tục xoáy sâu vào một điểm nào đó.
Vai 3: Người không thích lãng phí thời gian
Đặc điểm: Cắm mặt vào cái laptop.
Hành động: Vừa kiểm tra email, vừa nhìn ứng viên nhưng lại không chú ý đến những gì ứng viên nói. Những người diễn vai này thường tìm kiếm ứng viên nào đó đủ kinh nghiệm và giỏi để có thể kéo họ ra khỏi công việc.
Vai 4: Người không xứng đáng
Đặc điểm: Không có khái niệm về những giới hạn giao tiếp.
Hành động: Nói đùa không đúng lúc, đưa ra một câu chuyện cá nhân chỉ dành cho bác sĩ trị liệu tâm thần hay một câu hỏi đào quá sâu vào cuộc sống của ứng viên… Kiểu vai diễn này để tìm ứng viên có khả năng ứng biến. Một số trường hợp có thể đây là một diễn viên nghiệp dư.
Vai 5: Người tuân thủ quy tắc
Đặc điểm: Luôn thực hiện theo nghi thức phỏng vấn truyền thống.
Hành động: Luôn đưa ra những câu hỏi khuôn mẫu và có những cử chỉ cứng nhắc. Các câu hỏi khuôn mẫu: Bạn có biết điểm yếu lớn nhất của mình là gì không? Bạn có biết cách bắt tay hoàn hảo không? Bạn có dự định mặc một chiếc áo sơ mi dự phòng bên trong chiếc áo khoác không?
Vai diễn này có vẻ giống như vai diễn số 1 và giống mẫu nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Tuy nhiên các câu hỏi đưa ra thì chỉ thuần là những câu hỏi có sẵn trên mạng và ứng viên nào cũng có thể biết nếu chủ động tìm kiếm.
Hắn tiếp tục kể tiếp…
Vai 6: Người thích đùa
Đặc điểm: Có thói quen đùa ngay cả khi cần phải nghiêm túc.
Hành động: Nhận xét câu trả lời của ứng viên đầy châm biếm hoặc buồn cười. Luôn sử dụng khiếu hài hước trong phỏng vấn kể cả lúc không cần thiết. Mục đích để kiểm tra phản ứng của ứng viên khi gặp tình huống không nghiêm túc, bị đùa cợt thái quá.
Vai 7: Người lập dị
Đặc điểm: Cách cư xử khác người.
Hành động: Trang trí số tác phẩm quái dị ngay trong văn phòng. Làm 1 số điều kỳ quặc, hỏi những câu hỏi bất ngờ: “Ai là thành viên yêu thích của bạn trong đội A?”…
Vai 8: Người nghiêm túc và dứt khoát
Đặc điểm: Cứng rắn.
Hành động: Thật thà và không lãng phí thời gian của bản thân hay thời gian của ứng viên. Sẽ đưa ra kết quả luôn trong quá trình phỏng vấn.
Vai 9: Người khó đoán
Đặc điểm: Không phản hồi.
Hành động: Phỏng vấn với gương mặt không hề thay đổi trong suốt cuộc phỏng vấn. Dù là một nụ cười rạng rỡ hay một cái nhìn bối rối.
Vai 10: Mafia
Đặc điểm: Phỏng vấn nhóm và luôn chia nhau nhìn (soi) ứng viên.
Hành động: Đưa ứng viên vào phỏng vấn hội đồng. Và trong hội đồng, mỗi người sẽ có một biểu hiện khác nhau ( dễ gần, đáng sợ hoặc cả hai).
Hắn chốt: “Em thấy không! Đi phỏng vấn thể nào em cũng gặp 1 trong 10 vai diễn trên. Nếu ai giỏi thì tức là người ta đang đóng vai để tìm cái gì đó ví dụ như tính cách của em. Còn người không giỏi thì đang diễn thật tính cách của họ. Những người này thường là các nhà phỏng vấn chuyên môn”.
Chiếc điện thoại của hắn rung lên. Trước khi bắt máy, hắn nói nốt: “Rồi em cũng sẽ thấy mình đâu đó trong 10 vai diễn này nếu phải tuyển người. Cơ bản thì nên là mẫu người chuyên nghiệp với các vai diễn quan tâm, nguyên tắc và nghiêm túc.”.
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Cẩm Nang Về Nghề Tuyển Người Toàn Tập”
- Bài 1: Ác Mộng Nghề Tuyển Dụng
- Bài 2: Hắn Điên Lắm, Nghề Tuyển Dụng Ơi Là Nghề!
- Bài 3: Muốn Làm Nghề Tuyển Người Tốt Thì Chúng Ta Cần Phải Có Cái Gì?
- Bài 4: Nghề Tuyển Người Là Làm Gì?
- Bài 5: Chúng Ta Cần Những Năng Lực Nghề Gì Để Làm Tốt Việc Tuyển?
- Bài 6: Lộ Trình Nghề Nào Thì Cũng Cần Có Bản Đồ, Công Cụ, Nghề 3T Cũng Thế!
- Bài 7: Nghề Tuyển Dụng Nên Quan Tâm Đến Thông Tư, Nghị Định Và Luật Nào?
- Bài 8: Các Mẫu Người Thường Thấy Của Nhà Tuyển Dụng Khi Phỏng Vấn
- Bài 10: Kỹ Thuật Làm Việc Với Sếp – Bó Đũa Chọn Cột Cờ Vs Nhìn Mặt Đoán Ý
- Bài 11: Tuyển Key Dễ Hay Khó
- Bài 12: Cần Tìm Gì Và Cách Tìm Điều Đó Ở Ứng Viên?
- Bài 13: Tuyển Ứng Viên Cao Cấp Dựa Vào Trong Hay Ngoài?
- Bài 14: Tuyển Dụng – Câu Chuyện Của Toàn Dân Kháng Chiến!
- Bài 15: Những Việc Cần Làm Để Xây Dựng Thương Hiệu Tuyển Dụng Cho Công Ty
- Bài 16: Sếp Ơi! Em Cần Kinh Phí Xây Dựng Phòng Tuyển Dụng
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường