Đó là chữ P không mấy ai nhắc đến vì nghĩ nó không quan trọng hoặc cho rằng nó đã nằm trong một chữ P khác. Tôi thì luôn đề cao nó và tách nó riêng ra thành một chữ P hẳn hoi, ngang hàng với các chữ P khác (dù là 4P, 7P, 9P , 18P hay nhiều hơn).
Chữ P đó là PACKAGE (hay packaging), có nghĩa là bao bì hay đóng gói. Và với tôi, riêng phần bao bì, đã chiếm vai trò quan trọng không kém gì sản phẩm chứa trong bao bì. Có bạn bảo bao bì là một phần của sản phẩm.
Bạn không sai, nhưng tôi vẫn muốn tách riêng để nhấn mạnh tầm quan trọng vì rất nhiều nhà sản xuất và kinh doanh chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm (phần ruột) mà không quan tâm đến chất lượng bao bì (phần vỏ).
Ví dụ, nhà sản xuất sữa thường quảng cáo chất lượng dinh dưỡng của sữa, và nhà máy có bộ phận R&D chuyên nghiên cứu để nâng cao chất lượng sữa. Các nhà máy dầu ăn, nước mắm, mì ăn liền, kem đánh răng.. cũng vậy! Họ toàn quảng cáo phần ruột – thơm, ngon, dai, sát khuẩn, cao đạm…., không mấy ai quảng bá thẩm mỹ và sự tiện dụng của bao bì
Còn bao bì phần lớn lại do bộ phận marketing nghiên cứu và thiết kế (tự mình hay thuê agency). Do trách nhiệm tách biệt này nên bao bì và sản phẩm cũng thường tách ra để cải tiến riêng, với trách nhiệm riêng.
Các bạn hãy nhìn cái hình. Cái lon sữa bò từ trăm năm nay vẫn gần như vậy. Dù là nắp lon liền (phải dùng khui để khui vòng quanh), nắp giật (theo kiểu lon bia), hay giật nguyên nắp (như thịt hộp), thì sự bất tiện khi sử dụng vẫn luôn tồn tại. Khi ta rót ra hay dùng thìa để múc thì phần sữa chảy theo vẫn dính nhoe nhoét trông rất xấu xí và mất vệ sinh.
Vậy sao các nhà sản xuất sữa đặc không dùng kiểu dáng bao bì nhựa như chai tương ớt (có thể làm chai tròn hay dẹp), hay chai xốt mayonnaise, hay bằng giấy, để người dùng bóp sữa ra mà dùng rồi vặn nắp cất tủ lạnh phần còn thừa cho tiện lợi và sạch sẽ?
Sức ỳ tâm lý có thể là một lực cản. Từ trước đến giờ, cứ nói đến sữa đặc là phải dùng lon. Nếu thoát ra sức ỳ tâm lý này, và tư duy ra ngoài chiếc hộp (outside the box), có thể nay mai hình dáng và chất liệu bao bì của sữa đặc có đường (hay không đường) sẽ khác! Bạn có nghĩ thế không?
*PS: Tôi ví dụ về sữa chỉ là để minh họa cho tầm quan trọng của bao bì mà tôi sẽ tiếp tục chia sẻ nếu có nhiều người quan tâm! Được biết có vài công ty đã dùng bao bì giấy bóp nặn được để đựng sữa đặc. Họ đã tư duy ra ngoài chiếc hộp, đem lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Chia sẻ của Long Nguyen Huu