Đầu tuần, 2 hợp động đã ký từ cuối năm ngoái bị khách hàng xin lùi lại một tháng vì sức tiêu thụ sản phẩm của họ bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Anh bạn làm xưởng sản xuất giày da gần như tê liệt từ trước Tết tới giờ.
Bởi ngoài vài hợp đồng nho nhỏ với khách hàng Trung Quốc không đáng kể mấy đã dừng lại, Thì các đơn hàng lớn từ Nhật Bản và Châu Âu cũng đã phải xin giao hàng lắc nhắc vì thiếu nguồn nguyên liệu.
Ông anh lớn tuổi cũng thuộc dạng kol trên facebook có hàng chục ngàn người theo dõi làm chuỗi 3 nhà hàng khá tấp nập những năm gần đây thì hôm qua than thở chắc đóng của hết
Chỉ cố gắng duy trì nhà hàng chính của anh để cầm cự qua thời buổi khó khăn này. Chứ như hiện tại, chi phí thì cao, mà khách hàng rải rác, lưa thưa.
Ông anh có nhà hàng tiệc cưới bảo khách hàng đã gọi điện huỷ hơn phân nửa các sự kiện mà họ đã đặt. Có tiệc lớn đã cọc hàng trăm triệu đồng khách hàng cũng gọi xin huỷ, bỏ luôn tiền cọc.
Thằng bạn thời nối khố là sếp to của một công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, bình thường vi vu khắp thế giới suốt ngày tìm các tour, tuyến điểm. Giờ đang ngồi thở dài bóp trán nghĩ suy phương án kinh doanh mới cho qua thời điểm khó khăn này.
Thằng bạn làm nông nghiệp năm ngoái mượn ít tiền để giải quyết chuyện lương cho nhân viên, và xử lý phân, thuốc thì trước Tết đã gọi điện bảo để thư thư ra giêng thu hoạch nó trả.
Thì hôm nay thấy hàng của nó bị đóng biên, giá từ 65.000 đồng lúc có giá hiện còn chưa tới 1000 đồng/kg.
Có dịch bệnh như lần này mới thấy nền kinh tế của mình còn nhiều bất cập và dễ đau đầu sổ mũi ngay bởi những sự kiện bất ngờ.
Đó là cách kinh doanh kiểu ăn xổi, ở thì. Đất đai thì cứ làm giá vô tội vạ rồi hết người này ôm chuyền sang tay người khác, đến lúc không kịp rút tay phỏng tự bao giờ.
Đó là kinh doanh sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn và dễ tính như Trung Quốc. Đó là cách sản xuất nông nghiệp theo ngọn của thị trường, cứ thấy ai trồng/nuôi gì mà khá khẩm, kiếm được tiền thì tất cả cùng lao đầu vào làm.
Đến cuối vụ sản phẩm nhiều quá không tiêu thụ hết kéo giá về thậm chí chưa bằng giá thành.
Tất nhiên, thời buổi này cũng góp phần chọn lọc. Thế hệ doanh nhân kiểu cũ kinh doanh bằng lợi dụng chính sách, chớp thời cơ bằng các quan hệ, bằng cách ăn xổi ở thì sẽ dần dần được thay thế bởi những thế hệ những doanh nhân trẻ trung năng động hơn.
Rồi chắc sẽ còn ít người (ít nhất trong thời gian ngắn tới) nhảy vào kinh doanh bất động sản như kiểu chụp giật lâu nay để rồi ôm đầu máu.
Rồi những người làm nông nghiệp sẽ phải tìm thị trường rồi mới đầu tư vào sản xuất, tránh tình trạng cứ thấy người ta làm gì mình đầu tư làm nấy để rồi khi sản phẩm làm ra không bán được hoặc bị o ép về giá cả.
Rồi cũng phải đa dạng thị trường, để lỡ một thị trường nào đó bị trở ngại thì những chỗ khác cũng không quá ảnh hưởng.
Rồi các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đa dạng nguồn nguyên liệu để không còn phụ thuộc vào mỗi Trung Quốc và nhất là sản xuất kinh doanh sao để tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa thì mới đem lại nhiều giá trị hơn, vừa giảm bớt phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ quốc gia nào đó.
Rồi các ngành dịch vụ, bớt phụ thuộc vào nguồn khách cơ bản nào đó cũng là cách giảm bớt rủi ro khi có biến cố.
Rồi chuyện áp dụng công nghệ chuyển dần sang kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng là cách để giảm bớt nguy cơ tiếp xúc thời dịch bệnh.
Nói chung rồi sẽ có nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
Mối nguy của đợt dịch bệnh lần này cũng sẽ là cơ hội cho những doanh nhân mới, những người tìm thấy cơ hội mới để bắt đầu kinh doanh bền vững hơn.