Mục lục
Đối với mình khởi nghiệp là một việc hết sức tự nhiên. Không có những khái niệm lớn lao như hiện tại, nhưng những người khởi nghiệp như bọn mình của cách đây 15 năm đã thực hành “nghệ thuật tự thân vận động” (“self bootstrapping) rất hiệu quả.
Thay đổi tư duy thay đổi cuộc đời
Năm 2004, tôi tốt nghiệp ĐH Tổng Hợp Hà Nội – khoa vật lý, may mắn được nhận ngay một chân Kỹ sư dự án cho công ty Nhà nước.
Công việc chủ yếu là tìm kiếm đối tác nước ngoài, xin sample (thiết bị mẫu) chi tiết lắp ráp. Công việc này khá nhàn hạ, ổn định, chắc chắn nhiều người thời điểm đó thích.
Nhưng tôi chỉ thấy nó… nhàm chán. Tôi không muốn “chôn chân” gắn bó với một công việc nhàn hạ, buồn tẻ như vậy.
Thời điểm năm 2005 – 2006, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam mới nhen nhóm bắt đầu. Tôi nhìn những startup ngoài kia, tôi thấy lòng mình như rực lửa.
Tôi vẫn phải tiếp tục công việc ổn định ấy, nhưng trong lòng chưa bao giờ ngừng sục sôi ước mơ mở công ty riêng. Nhưng tôi hiểu, khởi nghiệp không phải là “chuyện đùa”, khi trong tay không có gì cả.
Tôi bắt đầu đọc nhiều sách về kinh doanh và quản trị. Thời đó mọi người ca ngợi cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” ghê gớm lắm, tôi thì chỉ thấy đó là những trang giấy dài dòng, vô dụng, thậm chí còn phản đối mọi người đọc.
Một ngày nọ, khi đang lang thang trên các diễn đàn, tôi gặp một tay đam mê “Cha giàu cha nghèo”, hắn ngợi ca cuốn sách lên mây lên gió. Vì tò mò, tôi quyết định hẹn một buổi cafe để nói cho rõ ràng xem cuốn sách này hay chỗ nào mà mình không thấy.
Nhờ ngày hôm đó, đầu tôi “sáng ra” về Kim tứ đồ với 4 góc phần tư. Chắc mọi người cũng đều biết.
- Thứ nhất là làm công, làm giàu cho ông chủ.
- Thứ hai là tự làm chủ, làm giàu cho bản thân.
- Thứ ba là chủ doanh nghiệp, có hệ thống và con người làm việc cho bạn.
- Thứ tư là nhà đầu tư, khi tiền làm việc cho bạn.
Cái ý nghĩa trong cuốn sách mà tôi từng “phỉ báng” là vô giá trị lại khiến trong tôi bừng tỉnh hơn bao giờ hết.
Ngay trong ngày hôm đó, tôi viết đơn xin nghỉ việc mặc dù gia đình phản đối, bạn bè ngăn cản, bảo tôi “dại dột”. Nhưng không, tôi nung nấu ý chí nhất định phải tự tạo dựng MỘT HỆ THỐNG TẠO RA DÒNG TIỀN CHO MÌNH, và có thể kiếm tiền trên sự thành công của người khác.
Người khác thì thành công, còn mình thì kiếm được tiền. Tôi thấy rằng, đa số mọi người học tập ở trường và làm việc theo những gì họ được học. Con đường đó không thể giúp bạn giàu có.
Thay vào đó, hãy tập trung vào con đường riêng của bạn, cho phép bản thân thử sức để vươn tới ước mơ riêng. Sau đó, tôi chuyển hướng “lăn lộn” ở khắp các công ty thương mại điện tử, rồi công ty bất động sản,… để kiếm thêm kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường.
Tôi bắt đầu có sự thay đổi lớn về mặt tư duy, mỗi ngày đều thúc đẩy mình tìm kiếm thêm những ý tưởng mới.
Những bước đi táo bạo đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp
Năm 2006, năm tôi 23 tuổi, đó là thời điểm internet bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ. Chớp lấy cơ hội ấy, tôi quyết định bắt đầu sự nghiệp startup của mình với một công ty Công nghệ thông tin – dịch vụ chính là làm website cho doanh nghiệp.
Thời gian đầu công ty hoạt động khá thuận lợi và dễ dàng vì nhu cầu làm website của thị trường lúc bấy giờ là rất cao. Khó khăn duy nhất của tôi là phải tự nghiên cứu kiến thức kinh doanh, quản trị, điều hành, nhân sự,… mà phương tiện chủ yếu là sách và internet.
Sau đó một thời gian, hoạt động của công ty bắt đầu chững lại. Thời điểm đó, sau một quá trình nghiên cứu tìm tòi, tôi hiểu rằng muốn công ty phát triển, không được bỏ qua vai trò quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp.
Bắt buộc phải xây dựng thương hiệu mạnh một cách bài bản. Tôi bắt đầu tìm kiếm đơn vị tư vấn và thực thi về lĩnh vực này, nhưng không tìm được nổi 1 người.
Vào thời điểm đó, mọi người chỉ nghĩ thương hiệu là một cái logo. Vì vậy, thị trường chỉ có những họa sĩ vẽ logo, những cửa hàng làm biển bảng, quảng cáo, tức là họ chỉ làm thuần về hình ảnh.
Không ai biết kết nối và làm hòa hợp câu chuyện thiết kế và bài toán thương hiệu, kinh doanh. Tôi nhận thấy Việt Nam có khoảng cách quá xa so với thế giới về xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trong tôi lúc đó bắt đầu nhen nhóm ý định… mở 1 công ty nữa. Nhưng tôi không muốn đánh bạc với cuộc đời.
Tôi bắt đầu thực hiện khảo sát những người thân quen, anh em bạn bè và nhận ra nhu cầu về dịch vụ này rất lớn tại Việt Nam, 50% số người được khảo sát sẵn sàng trả giá 5 – 10 triệu vào thời điểm đó để đăng ký dùng dịch vụ luôn.
Hãy làm những điều người ta chưa làm – không phải bây giờ thì không bao giờ
Năm 2009, tôi bắt đầu khởi tạo một website mới về dịch vụ thiết kế và thương hiệu – một trong những website đầu tiên tại Việt Nam về dịch vụ thiết kế online.
Ngay trong 1 tháng đầu tiên, tôi đã nhận được ngay 50 đơn hàng với 1 kênh truyền thông duy nhất là website. Thời điểm đó, công ty không có văn phòng, chỉ dùng website để kết nối với khách hàng, và nhân viên duy nhất là 1 thiết kế freelancer.
Công ty ra đời thuận lợi vì là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ thế kế trên nền tảng online, trong khi các công ty quảng cáo, thiết kế truyền thống đều chủ yếu làm offline, nên thu hút được rất nhiều khách hàng, kể cả khách hàng lớn.
Sau hơn 1 tháng thành lập, tôi nhận được 2 đơn hàng giá trị đến từ hai công ty lớn “máu mặt” tại Việt Nam. Đây chính là động cơ quyết định sự ra đời của công ty quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi.
Thời điểm đó, đây là công ty duy nhất có dịch vụ designmate (hợp tác cung cấp bộ phận thiết kế inhouse cho doanh nghiệp) và được khách hàng rất ủng hộ. Vì đối tác và khách hàng lớn nên cần có buổi gặp mặt trực tiếp tại văn phòng để gặp gỡ và ký kết hợp đồng.
Thời gian gấp gáp, tôi có duy nhất 3 ngày để vừa thuê văn phòng, setup nội thất, nhờ nhân viên công ty cũ sang ngồi kín văn phòng, và từ đó công ty bắt đầu chính thức hoạt động.
Năm 2009 – 2010, thời điểm mà startup vẫn còn là điều mới mẻ chứ không phổ biến như bây giờ, người CEO phải là người “ba đầu sáu tay” mà quản lý tất cả công việc, từ làm giấy phép, gặp gỡ đội quản lý chính quyền liên tục “hỏi thăm”, làm kế toán, làm hậu cần, làm tất cả mọi thứ.
Đông khách hàng đồng nghĩa với khối lượng công việc cực kỳ lớn. Khách hàng đến ngồi cạnh “kèm cặp” thiết kế đến 1 2 giờ sáng, 6 giờ sáng mang file đi in là chuyện cơm bữa.
Năm 2010 – 2014 là thời điểm thử thách và khó khăn nhất. Quy mô nhân sự tăng trưởng lên 40 người, quản lý nhân sự kiểm soát chất lượng nhân sự bắt đầu gặp khó khăn.
Hơn nữa tôi bắt đầu “lấn sân” sang lĩnh vực mới – thiết kế nội thất, chủ yếu là thiết kế bar, karaoke,..
Sau một thời gian “lăn lộn” trong lĩnh vực này, làm việc với những chủ đầu tư cá nhân toàn “dân anh chị”, chấp nhận rủi ro về mặt công nợ, có những thời gian mà 4 khách hàng đều nợ 50% hợp đồng lên đến vài tỷ đồng
Tôi quyết định thoát ra trước khi quá muộn vì đây không phải là mảng mình có thể kiểm soát được. Tôi muốn đề cao sự sáng tạo, những sản phẩm chất lượng cao, làm việc với những doanh nghiệp bài bản.
Năm 2014 – 2017, công ty tập trung chủ yếu vào mảng thiết kế và giải pháp xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, tôi tập trung xây dựng hệ thống, quy trình bài bản, luôn tư duy theo lối tự động hóa, áp dụng công nghệ tối ưu vào làm việc để đem lại hiệu quả cao nhất.
Những ứng dụng công nghệ như CRM, HRM, PMS,… đều được đầu tư bài bản ngay từ đầu. Với hướng đi đúng đắn, số lượng khách hàng có sự tăng trưởng ấn tượng.
Đến năm 2017, công ty có 3000 khách hàng doanh nghiệp đủ lĩnh vực, từ nhà nước đến tư nhân, từ lớn đến nhỏ.
Từ năm 2018 đến nay, công ty ngày càng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đội ngũ nhân sự ngày càng hùng hậu và tài năng. Và tôi tự hào về HỆ THỐNG TẠO RA DÒNG TIỀN mà mình đã xây dựng nên.
Sang năm 2020, tôi tiếp tục có những dự định khác để hệ thống của mình ngày càng mở rộng hơn, hiệu quả hơn, và mọi thứ vẫn đang diễn ra thuận lợi.
10 bài học về khởi nghiệp
Thiên tài và phép màu không phải những yếu tố cần thiết để thành công, mà thay vào đó là một quy trình khoa học mọi người đều có thể nắm bắt, làm theo.
Vì thế, qua trải nghiệm của bản thân, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến 500 anh em 10 BÀI HỌC VỀ KHỞI NGHIỆP mà mình đúc rút được:
Lean startup – khởi nghiệp tinh gọn
Hãy khởi nghiệp dựa trên những nguồn lực sẵn có, tự nỗ lực bằng hết khả năng của mình. Thời đó chưa có khái niệm “tinh gọn” rõ ràng, chúng tôi vẫn hay gọi là phải “bootstrapping” (tự thân vận động) để thúc đẩy bản thân phải cố gắng hơn nữa.
Bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp ngay khi còn làm việc ở công ty cũ. Thậm chí không nhất thiết phải thành lập công ty mới luôn. Thời đại internet bùng nổ, chỉ cần một website là có thể tìm kiếm khách hàng, triển khai công việc, làm việc từ xa.
Không tốn kém chi phí, có khách hàng rồi, chạy thử thành công rồi mới thành lập công ty. Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ. Đó gọi là khởi nghiệp tinh gọn.
Test thị trường quy mô nhỏ trước khi bắt đầu
Trước khi hoạt động chính thức, hãy nghiên cứu trực tiếp đối tượng khách hàng tiềm năng.
Trong trường hợp của tôi là chạy test website 1 tháng để kiểm tra nhu cầu thị trường thực sự có cần hay không.
Tinh giảm tối đa chi phí
Tôi đã khởi nghiệp với chi phí 0 đồng, tự làm website, nhận khách hàng online, sử dụng freelancer, bỏ qua mọi chi phí không cần thiết.
Tự tay làm tất cả mọi việc trong thời gian đầu
Người chủ cũng cần tham gia vào tất cả các công việc, kể cả những việc nhỏ nhất, từ setup máy tính, kê bàn ghế, làm việc với thuế má,… trong thời gian đầu để hiểu hệ thống và tiết kiệm chi phí tối đa.
Quản lý không nên tập trung quá nhiều vào chi tiết
Sau khi trải qua thời gian đầu, mọi thứ đã đi vào ổn định, thì người quản lý không nên tham gia trực tiếp vào từng công việc chi tiết của công ty.
Người quản lý không nên để những công việc nhỏ nhặt ràng buộc thời gian mà nên tập trung vào tư duy, tầm nhìn và chiến lược để phát triển công ty.
Thay vì “động tay” vào tất cả mọi việc, tại sao không dành thời gian để nghĩ ra phương pháp quản trị tối ưu, hoàn thành công việc thông qua hệ thống quy trình?
Đầu tư cho công nghệ – Tự động hóa
Hãy thiết lập mindset phải đầu tư cho công nghệ ngay từ đầu. Công nghệ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt là những phần mềm CRM, quản lý dự án,…
Nếu như không thể đầu tư ngay từ đầu, công ty nhỏ có thể dùng những phần mềm free tương tự như Zoho, Insightly, Hubspot,…
Với những công việc lặp đi lặp lại, hãy tự động hóa, áp dụng công nghệ để đưa về quy trình bài bản, tiết kiệm thời gian và năng suất.
Ví dụ, ở công ty tôi, nhân viên sale tạo proposal báo giá chỉ trong vài phút.
Database là tài sản vô giá
Mặc dù hiếm startup nào sở hữu CRM ngay từ đầu, nhưng chắc chắn đây là nhân tố quan trọng.
Lượng database được “bảo quản” và “chăm sóc” cẩn thận chính là nguồn tài nguyên giúp thúc đẩy doanh số trong tương lai. Với 70.000 dữ liệu khách hàng hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cho big data trong thời gian tới.
Tập trung vào key chính của doanh nghiệp
Nếu khai phá và thử nghiệm nhiều mảng kinh doanh khác nhau nhưng không tìm hiểu được nhân tố chủ yếu trong mảng đó, hãy rút lui. Cơ hội thì nhiều, nhưng chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực chính.
Hãy tìm ra sức mạnh chính của doanh nghiệp, tạo ra thế mạnh nổi bật và khác biệt, tìm ra 1 từ khóa cho chính mình để mọi người nhắc đến.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Hãy tận dụng sức mạnh nguồn lực của doanh nghiệp bằng các kích hoạt, củng cố niềm tin và sức mạnh của đội ngũ bên trong. Đây chính là cách giúp công ty tăng được năng lực mà không cần đầu tư từ bên ngoài.
Chọn “đối tác” mà chơi
Tôi đã bỏ lỡ một số cơ hội hợp tác trước đây vì không lưu tâm điều này. Thời gian gần đây, tôi đẩy mạnh quan hệ với đối tác và nhận ra nó thực sự hiệu quả.
Hãy thúc đẩy hợp tác với những đối tác đồng hành, tạo ra một mạng lưới phát triển để hỗ trợ nhau. Nếu biết kết hợp với đối tác, ta sẽ đi nhanh hơn, đi xa hơn, và thành công hơn.
Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã từ bỏ công việc an nhàn ngày trước để có cơ hội thử thách bản thân và chinh phục những ước mơ lớn hơn.
Khởi nghiệp là một hành trình nỗ lực, học hỏi và không ngừng cố gắng. Nhưng “hard work pays off” – nếu bạn kiên trì cộng với một chút tư duy nhạy bén, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Hy vọng những kinh nghiệm trên sẽ giúp được gì đó cho anh chị em đã đang và sẽ khởi nghiệp.
Chia sẻ của Nguyen Thanh Tuan