Nếu không có sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng trong nước thì ngành mỹ phẩm nội địa Việt Nam rất dễ bị “chết đuối” ngay tại sân nhà.
Nói xa xôi một chút, qua một mùa vải mới thấy, thứ quả “lệ chi” ngon mọng nước mà dân ta ăn (bất chấp nổi mụn) rần rần, thì ở những đất nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, Australia, trái vải lại là biểu tượng của sự sang chảnh, nhà nào giàu mới dám ăn.
Một món hàng đắt đỏ chưa chắc bởi vì bản chất nó đắt đỏ đúng hông mấy bạn? Nó mắc là bởi vì nó bị đội chi phí do phải bảo quản kỹ lưỡng, vận chuyển xa xôi, tốn nhiều nhân công, qua tay nhiều đại lý…
Dân Việt Nam cầm trái cherry lên nói “Trái này mắc lè lưỡi nè, chắc ăn vô bổ dưỡng lắm đây”, thì dân Mỹ, dân Pháp lại nâng niu trái vải lên mà ca tụng “Ôi Chúa ơi, trái này mắc bằng cả ngày lương của tui, chắc ăn xong sẽ trường sinh bất lão!”.
Vậy, trái vải hay trái cherry nhiều dinh dưỡng hơn?
Một ví dụ vui vui như trên cũng đã là minh chứng sinh động cho nghịch lý “Bụt chùa nhà không thiêng”.
Thực ra người dân nhiều nước khác cũng có tâm lý “chê nội sính ngoại” nhưng mà tâm lý này có vẻ bám rễ trầm trọng hơn với đại bộ phận người Việt Nam, lý do là đất nước ta đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, sản xuất trong nước kém phát triển.
Đặc biệt là với ngành mỹ phẩm thì rất là thiệt thòi trong giai đoạn bao cấp, khi mà nửa bánh xà phòng cũng phải chia nhau.
Đến giai đoạn đầu thập niên 90, khi kinh tế bắt đầu mở cửa, thì các thương hiệu hóa mỹ phẩm của Việt Nam lại bị các tập đoàn quốc tế nuốt trọn. “Nuốt trọn” ở đây không chỉ là vì cạnh tranh tới mức phá sản dẹp tiệm, mà còn bị mua đứt luôn, sau đó được thay bằng một cái tên rất Tây, có nghĩa là gì bạn biết không?
Là dân ta rõ ràng đang xài đồ tốt của nước ta nhưng lại cứ gật gù là “đồ ngoại nó phải vầy”.
Sau nhiều khó khăn, trắc trở, các thương hiệu mỹ phẩm Việt vẫn cố gắng “chuyển mình” thì lại gặp một khủng hoảng lớn (vào khoảng những năm 2010) mang tên kem trộn.
Đây quả là một khủng hoảng vô tiền khoáng hậu, lại không phải đến từ những tập đoàn lớn của nước ngoài mà lại đến từ sự tham lam và kém hiểu biết của chính những tiểu thương trong nước.
Cơn ác mộng này bành trướng đến nỗi nó nhuộm đen hàng chục năm cố gắng vực dậy giá trị mỹ phẩm nước nhà. Và cho đến tận bây giờ, hệ lụy đó vẫn kéo dài, các thương hiệu mỹ phẩm Việt chân chính vẫn còn bị số đông đánh đồng là kem trộn.
Khi nghe đến mỹ phẩm Việt, người ta mặc nhiên nó là hàng trộn, kem khuấy, là hàng kém chất lượng, bất chấp những sản phẩm đó có đầy đủ yếu tố để tin tưởng.
Từ những tư tưởng bám rễ đó, mà khi xài hàng nước ngoài, nếu xảy ra kích ứng hay dị ứng, người ta sẽ nghĩ do da họ không hợp sản phẩm. Còn khi xài mỹ phẩm Việt, chỉ cần hơi mẩn ngứa thôi là họ lập tức khẳng định hàng đó kém chất lượng, và nổ ra hàng loạt Review tiêu cực trên các diễn đàn làm đẹp. Các thương hiệu Việt tiếp tục bị dìm xuống đáy.
Tất nhiên là dù lội ngược dòng với muôn vàn khó khăn, nhưng đang còn những thương hiệu mỹ phẩm Việt đích thực vẫn chưa buông xuôi. Nói tới đây, lại ngừng một chút để cùng quay về với chuyện ví von từ trái cây hoa quả.
Còn nhớ, tầm mấy chục năm trước, dân ta cũng náo loạn lên vấn đề trái cây nội bị phun thuốc sâu, nhiễm hóa chất, và vậy là các chị, các mẹ có tiền đều ngoảnh mặt với trái cây ở chợ, chỉ đi vô các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu, dán tem ngoại, bọc ni lông bóng loáng để ăn cho yên tâm.
Nếu lúc đó mà tất cả những người nông dân chân chính ở Việt Nam bỏ cuộc, không ai trồng vải, không ai trồng thanh long, không ai trồng gấc nữa, tất cả chỉ đi nhập khẩu đồ Tây, đồ ngoại, thì bây giờ, lấy đâu ra vải VietGap, xoài hữu cơ, bơ sạch, mận an toàn cho chúng ta ăn và xuất khẩu như một niềm tự hào như hôm nay?
Mỹ phẩm nói riêng, và các ngành sản xuất khác ở Việt Nam nói chung cũng vậy, cũng có rất nhiều người vì lợi nhuận mà đi đường tắt nhưng cũng không thể vì vậy mà phủ nhận công lao và sự nỗ lực của những người làm ra sản phẩm chân chính.
Ở Việt Nam có đầy các xưởng may quần áo nhái vừa xấu vừa dỏm, nhưng lại cũng có NKT Công Trí thiết kế đồ cao cấp tới nỗi các ngôi sao hàng đầu Hollywood còn đua nhau mua.
Vậy thì ai nỡ khẳng định rằng mỹ phẩm Việt Nam 100% đều là đồ chất lượng kém, khi mà khách du lịch Hàn Quốc (những năm trước đại dịch) toàn đua nhau vô Lotte mua cả thùng mặt nạ dừa Bến Tre và nước hoa Miss Sài Gòn?
Cách tốt nhất để “triệt hạ” những kẻ gian thương không phải là quay lưng triệt để với mỹ phẩm Việt, mà nên đưa ra những đánh giá thật sự công tâm với bất cứ sản phẩm nào mà chúng ta tiếp cận.
Ngoài những yếu tố cảm quan như bao bì, quảng cáo, hình ảnh, thì cách chính xác nhất để biết thương hiệu nào đó có xứng đáng được ta tin tưởng ủng hộ hay không, chính là xài thử và tham khảo các phản hồi, đánh giá thật từ trải nghiệm của đa số khách hàng đã và đang xài thương hiệu đó.
Tui nói lan man thêm chút, tui đã từng được trò chuyện trực tiếp với một số anh chị lớn, làm mỹ phẩm thiên nhiên chân chính tại Việt Nam, và biết rằng, không phải họ giàu lên từ mỹ phẩm nên trụ vững cả chục năm trời, mà vì phần lớn họ giàu sẵn rồi, họ có khả năng để nuôi thương hiệu của họ cho dù có những tháng năm bù lỗ, bởi họ quyết tâm theo đuổi đến cùng bằng tình yêu thực sự với mỹ phẩm nước nhà.
Nhưng bên cạnh đó, qua 6-7 năm lội ngược dòng, theo đuổi con đường mỹ phẩm chân chính, tui chứng kiến biết bao thương hiệu ra đi khi mà mỗi ngày, đâu đó trên đất nước Việt Nam, đang có những chủ thương hiệu phải ngậm ngùi bỏ cuộc dù họ còn đam mê cháy bỏng.
Xin hãy cho mỹ phẩm Việt cơ hội để chứng minh rằng, Việt Nam cũng có những thương hiệu mỹ phẩm tử tế, chất lượng. Xin đừng vội đánh giá xấu khi chưa tìm hiểu kỹ, chưa thử hoặc chưa đủ thời gian trải nghiệm hiệu quả của sản phẩm.
Nếu có một chiến lược bài bản, lâu dài, có sự chung tay hỗ trợ từ cả người tiêu dùng lẫn các cơ quan chức năng, thì cũng có thể, trong tương lai rất gần thôi, chúng ta cũng có thể tự hào mà xuất khẩu đi những container son gấc, nước hoa hồng hay các sản phẩm chứa thành phần từ thực vật thiên nhiên giàu đẹp của quê nhà.
Sưu tầm