Bản thân mình là người tư vấn về giải pháp, chiến lược marketing/kinh doanh cho SMEs trong suốt 3 năm qua. Có case win, có case cũng sml vì nhiều lí do. Nhưng sau 1 thời gian làm việc mình rút ra được 1 số lí do kìm hãm SMEs phát triển. Mình chia sẻ dựa trên cái nhìn chủ quan:
Minh bạch trong số liệu, dữ liệu
- Chưa có thói quen lưu lại dữ liệu, số liệu, hiệu quả kinh doanh cụ thể theo từng ngày, nên khi hỏi tới tình hình kinh doanh, ROI này nọ chỉ biết ước chừng.
- Một số SMEs mình tiếp cận họ nghĩ rằng số liệu, dữ liệu là một cái gì đó rất quý giá, rất kinh khủng nên khi yêu cầu nhập số liệu lên báo cáo, hay phân loại khách hàng để làm email/sms chăm sóc lại thì phải thúc giục mãi mới chịu hành động.
Một cổ nhiều tròng
- Không có người phủ quyết cao nhất trong doanh nghiệp. Một kế hoạch, hoạt động, hay thậm chí đơn giản là 1 cái thiết kế hình ảnh bị nhiều lãnh đạo bộ phận tác động vào, nhưng toàn kiểu chủ quan:”anh/chị thấy nó không đẹp/thấy nó sao sao ấy…”
- Vào cuộc họp thì ko ai chốt để triển khai, đến khi triển khai thì bên này bên nọ ý kiến, yêu cầu thay đổi. Kế hoạch nộp lên không có người quyết cuối, đùn đẩy qua lại dẫn đến chậm hết thời gian.
Tư duy về Marketing
- Việc tư duy Marketing là Quảng Cáo – Sale – Bán hàng với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ là không sai, vì nó là 1 nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ của Marketing, tuy nhiên nó không phải là tất cả.
- Chú trọng vào các hoạt động ngắn hạn như vậy dẫn đến doanh nghiệp chỉ biết chạy theo các con số trước mắt, thay vì đi theo một định hướng về Marketing cho doanh nghiệp, xây dựng phát triển thị trường riêng, sân chơi riêng, cộng đồng riêng, cá tính riêng…
- Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ/sản phẩm có tần suất quay trở lại cao, nhưng ko tính giá trị đầu tư cho khách hàng dựa trên Life Time Value(giá trị trọn đời) và ROI(Return on Investment), mà chỉ dựa trên(Return on ads spent) nên lúc nào cũng thấy lỗ trên chi phí quảng cáo, và đặt gánh nặng đó lên cho đội MKT.
Chỉ tiêu không rõ ràng
- Cũng vì tư duy ngắn hạn ở trên kết hợp với yếu tố “gia đình trị” thường thấy, một số chủ SMEs không phân ra vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, dẫn đến việc đùn đẩy, đổ thừa nhau trong các công việc.
- Ông nào khôn lỏi thì đi nịnh sếp với tranh công của người khác, khiến nhiều người làm được việc mà không giỏi về chính trị họ chán nản.
- Thực tế một số đơn vị mình hỗ trợ, sau khi phân tách ra rõ ràng vị trí, vai trò, KPI…thì có sự thay đổi tích cực, nhưng cũng cần đến 2-3 tháng để nhân sự quen với cách làm mới, cách đọc chỉ số trên báo cáo hàng ngày.
Nhân sự thay đổi rất nhanh
- Vì cách cư xử của chủ doanh nghiệp như ở trên, nên nhiều nhân sự đi làm ở đây với tư duy cho có việc, chờ cơ hội tốt hơn rồi nhảy… nên nhân sự ra vào rất nhanh.
- Mới hôm trước ngồi training cho bạn content phân tích các giá trị doanh nghiệp, định hướng marketing tổng, khách hàng, sản phẩm, trend…để lên kế hoạch nội dung. Hôm sau đến đã thấy bạn khác, thế là phải đào tạo lại từ đầu…
Không nhìn thấy các nguồn lực của doanh nghiệp đang sở hữu
- Không hiểu doanh nghiệp mình có những bộ phận nào, các bộ phận đang có vấn đề gì, nhân sự có đủ lượng hay đủ chất để triển khai các công việc hay không, chỉ nhìn sang đối thủ, thấy họ làm được là quay lại ép đội trong nhà làm cho bằng được.
- Đôi lúc gặp các doanh nghiệp vừa thiếu, vừa yếu, mình yêu cầu, sau là năn nỉ phải tuyển thêm người mới gánh được khối lượng công việc đó, hoặc là phải cắt xuống chờ đội nhà cứng hơn rồi mới triển khai. Nhưng “KHÔNG LÀ KHÔNG”
Và tất nhiên còn nhiều vấn đề nữa, nhưng dài quá nhiều anh em ngại đọc nên mình xin phép ngừng phím tại đây. Chỉ có một góp ý chung cho ông chủ các SMEs:
- Sau một thời gian doanh nghiệp phát triển dựa trên niềm đam mê, ý tưởng của đội ngũ sáng lập, đã đến lúc phải đối diện với thực tế của thị trường, của doanh nghiệp.
- Phải tỉnh táo, hiểu được vấn đề nào đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp mình, thuê đúng chuyên gia, dùng đúng thuốc để chữa bệnh.
- Đôi lúc phải cắt đi một số khối u, chờ doanh nghiệp qua cơn đau, hồi phục sau đó sẽ tăng trưởng.
- Để làm được điều đó thì bản thân bộ máy lãnh đạo các SMEs cũng phải giỏi và am hiểu vấn đề, kết hợp cùng với sự tư vấn của chuyên gia thì doanh nghiệp mới đi lên được.
- Đừng có chuyện thuê họ về, xong phó mặc hết cho họ, thậm chí ép họ làm việc như 1 nhân viên công ty thuê về, mà phải tương tác, đáp ứng một số yêu cầu về thông tin, đội ngũ để giúp họ giải các bài toán mà doanh nghiệp đang mắc phải.
Chia sẻ của Trung Lê