Mục lục
Có bao giờ bạn cảm thấy làm việc nhóm ở thời phổ thông là thiên đường chưa? Nếu rồi, thì chào mừng bạn đến với địa ngục làm việc nhóm ở cấp Đại học.
Làm việc nhóm (hay teamwork) là cụm từ rất phổ biến ở thời nay, đặc biệt là ở bậc Đại học trở lên. Với cách đăng ký tín chỉ riêng biệt và ngẫu nhiên với từng người thì việc bạn không gặp được những con người thiện lành biết teamwork là chuyện quá đỗi bình thường.
Vậy làm sao để teamwork không trở thành ác mộng thời đại học? Mình đã có thâm niên 5 năm làm leader và trải qua vô số loại teamwork khác nhau, vậy nên cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.
Xác định trình độ bản thân
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Do vậy, trước khi mong muốn tìm được một team chân ái thì bạn cần xác định mình thuộc loại sinh viên nào:
- Loại 1: Sinh viên giỏi, xuất sắc, mục tiêu điểm A, sẵn sàng bỏ ra 200% sức lực để cùng nhau đạt mục đích cao nhất.
- Loại 2: Sinh viên khá, mục tiêu B, gửi đúng hạn deadline nhóm trưởng đưa ra, chịu tiếp thu, chịu tiến bộ.
- Loại 3: Sinh viên làng nhàn cho qua bài, miễn đúng deadline, chất lượng không quan trọng.
- Loại 4: “Ủa có bài nhóm hả”?
Lựa chọn nhóm
Sau khi đã xác định mình thuộc loại sinh viên nào, tiếp theo bạn cần trải qua hai việc: lựa chọn nhóm bạn muốn tham gia, và xác định (tương đối) chính xác chất lượng nhóm trong lớp.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nếu bạn muốn tiến bộ, bạn nên vào nhóm gồm các sinh viên loại 1 hay ít nhất là nhóm 2. Ở đó, nếu leader đủ giỏi và tốt, họ sẽ rèn luyện bạn trong môi trường làm việc khoa học, hiệu quả.
Nếu bạn vừa không muốn cố gắng vừa muốn có điểm cao, thì câu trả lời mà mình khuyên là đừng cố chen chân vào những nhóm tầm trên, bởi lẽ nếu gặp loại leader “mất nết” như mình, bạn sẽ bị trừ điểm thành phần nhóm không thương tiếc, hihi.
Việc xác định nhóm để xin vào cũng không quá khó khăn. Bạn có thể quan sát và tìm được nhóm “trong mơ” của mình thông qua:
- Độ năng nổ trong học tập của các sinh viên: Nếu nhóm có nhiều sinh viên năng nổ, hay hỏi bài giảng viên thì, nhóm trong mơ của bạn có thể là nhóm của các sinh viên này rồi.
- Vị trí ngồi học: Ở đại học, chỗ ngồi là tự chọn. Do vậy những sinh viên ngồi bàn đầu thường là người chăm học và sẵn sàng bỏ thời gian cho việc học. Vị trí bàn đầu đồng nghĩa việc tiếp thu, hỏi bài, quan sát bảng sẽ dễ hơn, và bạn cũng khó lòng làm việc riêng trong lớp hơn. Nếu thấy nhóm hay ai thường xuyên ngồi ở 3 dãy bàn đầu thì mr.right của bạn có lẽ đang ở đó đấy.
Hãy làm leader nếu có thể
Nếu bạn có khả năng dẫn dắt nhóm và tự tin đủ để làm leader, bạn nên đảm nhiệm chức vụ này. Khi làm leader, bạn có thể chủ động phân chia và quản thúc công việc.
Luôn chủ động
Khi làm việc nhóm, chủ động và giao tiếp là chìa khóa giúp công việc hoàn thành tốt hơn. Bạn có gì không hiểu hay thiếu thông tin gì đó trong lúc làm bài nhóm?
Leader của bạn bị động trong chia việc hay không thường nhắc nhở deadline? Câu trả lời cho việc này chỉ có thể là chủ động! Việc chủ động sẽ giúp chính bản thân bạn tự nắm được mạch làm việc, đồng thời cũng giúp liên kết thành viên nhóm và làm việc hiệu quả hơn.
Sắp xếp thời gian
Thời gian là thứ không thể có thêm. Khác với làm việc cá nhân, làm việc nhóm chịu ảnh hưởng từ nhiều phía khác nhau. Do vậy, bạn cần biết cách quản lý thời gian cho hợp lý.
- Ghi nhớ deadline: Deadline là cực kỳ quan trọng. Đừng nghĩ rằng bạn có thể trễ nãi hay viện lý do để được dời hạn chót này. Tại Đại học, giảng viên sẽ không chấp nhận lý do nào không có căn cứ từ bạn, nhất là trong công việc nhóm.
- Phân bổ thời gian: Đừng để tới sát deadline rồi cuống cuồng lên làm. Nếu bạn có nhiều deadline cùng lúc, nên note lại thành check list riêng.
- Quy tắc 1 tuần: Bạn nên để deadline nộp bài các cá nhân nhóm cách hạn cuối nộp cho giảng viên khoảng 1 tuần. Nếu thời gian làm việc chỉ khoảng 2 tuần trở xuống, thì bạn có thể chừa ra 3 tới 4 ngày.
Việc chừa ra giúp bạn linh động và có thời gian để chữa bài, hoàn thành bài, hoặc phòng trừ những việc bất khả kháng.
Một số ý kiến bản thân
Với kinh nghiệm làm nhóm lâu năm, Ton Ton có một số ý kiến cá nhân sau về việc làm nhóm. Đây không chỉ là một chút kinh nghiệm cá nhân, mà còn là quan sát cá nhân của mình.
Muốn đạt điểm cao, hãy luôn chấp nhận là người gánh phần việc nặng nhất: Bởi vì không phải khi nào bạn cũng có thể may mắn tìm thấy một teamwork trong mơ, nên đôi khi bạn sẽ có phải là “taowork” thật sự.
Thế nhưng trời cao không phụ lòng người, nên bạn hãy luôn “chuẩn bị sẵn tinh thần” và tin rằng nỗ lực của bạn chắc chắn sẽ không phụ bạn nhé.
Rõ ràng và dứt khoát: Khi bắt đầu nhóm, bạn nên nói rõ ràng mọi quy tắc, yêu cầu của bạn để mọi người trong nhóm nắm được. Nếu bạn là leader, bạn nên nói rõ: trễ deadline, bạn sẽ loại thành viên đó khỏi nhóm. Việc này không chỉ thiết lập kỷ cương trước, mà còn để bảo toàn lợi ích cho những thành viên còn lại.
Bản thân luôn là một tấm gương tốt: Hay luôn trau dồi chính bản thân hằng ngày để có kiến thức tốt ở chuyên ngành của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ dễ dàng chỉnh sửa hay góp ý cho bài luận nhóm.
Chia sẻ của Ton ton is coming