Phải nói thật là lâu lắm rồi tôi mới xem một seri Hàn kể từ sau Phẩm chất quý ông từ 2012, tức là 8 năm rồi. Mà tò mò cũng vì cái tên Itaewon Class, cảm giác nó có gì đó giống Reply 1998, một seri tôi thích dù sau cũng không có thời gian xem hết.
Để mà nói thì, 2 tập đầu của phim tôi cũng cố gắng xem để nắm nội dung dù không thích lắm các chi tiết drama, từ tập 3 mới bắt đầu xem tập trung hơn, vì cốt phim đi vào nội dung chính, giảm drama, và cách khai thác về giá trị văn hoá, các mối quan hệ, nhân vật cũng được miêu tả thực tế hơn.
Trên Facebook hiện tại các hội nhóm đang tấp nập rủ nhau đi Seoul để check-in Itaewon, và tôi vừa check thử Instagram cũng thấy mấy góc “sống ảo” của Itaewon giờ đang quá tải.
Với cảm nhận và kinh nghiệm của 1 người có tình cảm đặc biệt với Seoul, tôi muốn chia sẻ một số điều để biết đâu, các bạn đang mê Itaewon sẽ có thêm vài góc nhìn khác.
Người Hàn và cụ thể là “dân chơi” hay người trẻ Seoul thì thường không đi Itaewon, đó là sự thật, vì Itaewon thực ra là nơi tập trung nhiều người nước ngoài hơn, nên một bộ phim tên là Itaewon chắc cũng có lý do phía sau của nó, chứ không phải một bộ phim tên là Hongdae hay Gangnam Class.
Xem Itaewon Class hay có cảnh các bạn trẻ hẹn hò nhau hết từ tăng này qua tăng khác, đi ăn rồi đi uống. Nhưng ẩm thực Hàn, vốn không có gì nổi trội ở châu Á, cũng không nằm ở Itaewon, thường thì khách du lịch mới là người hay tìm đến đây để ăn đồ ăn của quốc gia họ, sau thời gian đã quá ngán đồ Hàn.
Trong phim có cảnh Choi Seung Kwon và cô nàng chuyển giới Ma Hyun Yi tán nhau trong club rất cute và vui vẻ, nhưng các club nhạc hay và số 1 của Seoul đều không nằm ở Itaewon. Nơi tập trung nhiều club chất nhất ở Seoul là Hongdae, sau đó là đến khu nhà giàu Gangnam.
Nếu so với các khu người Hàn hay đi thì Itaewon tương đối… bẩn. Nhưng sự phân cấp giữa các nhà hàng ở đây cũng lớn hơn. Vì giá thuê địa điểm ở Itaewon là một trong những nơi đắt đỏ nhất Hàn Quốc nên nhiều người muốn đến đây làm ăn.
Tất nhiên có những brand lớn có flagship store thì “ăn” nguyên cả 1 ngã tư là bình thường, ngược lại có những cửa hàng bình dân lên tầng 4,5 khá chật chội. Và rất nhiều sạp bán đồ lưu niệm còn tràn ra đường đi bộ, không khác chợ đêm Hà Nội là mấy.
Itaewon nhiều đồ rẻ, nhưng cũng nhiều đồ nhái, có khá nhiều cửa hàng đồ thiết kế. Đến Itaewon nhiều lúc đầu phố mua 1 cái túi da bán một giá, đi đến giữa phố bán 1 giá khác hẳn, vì thế nói chung là không nên mua đồ ở Itaewon.
Itaewon là biểu tượng của sự tự do. Chi tiết Park Sae Ro Yi mới ở tù ra và đến Itaewon tham gia một cách vui vẻ vào lễ hội tại đây. Hay việc các thành viên của quán Danbam đều là các thành phần bị xã hội ghét bỏ, gặp tổn thương, hay việc một anh chàng da đen người Hàn đến đây xin việc, có lẽ là thông điệp lớn nhất là Itaewon Class muốn gửi đến, đó là sự Tự Do, và ai cũng có thể bắt đầu một cái gì đó tại đây, chỉ cần có mục tiêu và kiên trì thực hiện nó.
Về văn hoá, Itaewon là khu trước đây chịu ảnh hưởng của văn hoá Mỹ, vì người Mỹ đến đây ở đầu tiên với số đông, nhưng giờ thì văn hoá khu này “phèn” đi nhiều vì nó là địa điểm giao kết của nhiều nền văn hoá, Đông Tây Âu đủ cả. Tất nhiên cá nhân tôi thì không thích một số màu sắc văn hoá ở đây lắm, nói ra thì có thể hơi nhạy cảm nên để mỗi người đến sẽ tự cảm nhận.
Seoul không giấu ý định đẩy Itaewon thành một cái tên thu hút khách du lịch, bên cạnh Myeng-dong (vốn được nhiều người Việt biết đến, nhưng buổi tối lại không có nhiều hoạt động), hay Hongdae, chứ không phải là Gangnam như nhiều người vẫn nghĩ.
Vậy nên một số bạn đến Gangnam thì khá thất vọng sau khi xem Gangnam Style của Psy, vì Gangnam thực ra là khu nhà giàu, chỉ có biệt thự và siêu xe thôi. Vậy nên đa phần những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Gangnam họ luôn tỏ ra khó chịu khi nói về siêu phẩm của Psy. Có lẽ Hàn Quốc đang trong một giai đoạn chiến dịch mới để đẩy Itaewon thành khu văn hoá – giải trí mà bất kì ai cũng có thể đến được.
Dù không phải nơi tôi luôn đến mỗi lần tới Seoul, nhưng phải công nhận Itaewon là một thương hiệu du lịch đang được mang ra để xây dựng và để “bán” rất tốt. Người Hàn đi trước chúng ta hàng chục năm về tư duy make-up sản phẩm nhằm kéo du lịch và bán hàng.
Cái gọi là làm “truyền thông từ lõi” thể hiện ra rất rõ, nếu xem Itaewon Class và thấy cách họ kể chuyện về từng góc văn hoá trong mỗi tập phim, bạn sẽ hiểu họ đang “bán hàng” và làm thương hiệu ở đẳng cấp nào.
Nhiều người chê Hàn và Hallyu, nhưng một lần nữa, con số sẽ là thứ trả lời tất cả. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn miệt mài xây dựng và cam kết từng chiến dịch trong hơn 20 năm qua, tôi vì vẫn thích nhất slogan “Imagine your Korea” (ngắn gọn, đầy đủ, và khơi gợi cảm xúc), vì vậy, nếu đến Hàn những lần đầu, vẫn muốn khuyên các bạn đến thử Itaewon để cảm nhận về một thế hệ đa văn hoá, yêu tự do nơi đây.
Chia sẻ của Hồ Quang Minh