Mục lục
Thường phần lớn tiêu chí chính của tất cả các doanh nghiệp tuyển nhân viên là “Học hỏi, tiếp thu nhanh”, các bạn candidate thì hay khoe “I am a fast learner”. Vậy học là gì?
- Là tiếp thu thông tin một cách có sàng lọc và chuyển hoá thành một hành động cụ thể có ích cho cuộc sống.
- Trong một xã hội ngập tràn thông tin và biến đổi không ngừng, thời gian của mỗi người thì có hạn. Ông nào học nhanh, học hiểu quả thì ông ấy sẽ “thắng”!
Học để làm gì?
Học để giải quyết vấn đề. Ví dụ:
- Gia tăng hiểu biết phục vụ cho giao tiếp xã hội, cụ thể xem thiên hướng sự nghiệp và những người xung quanh mình hướng tới là ai lĩnh vực gì (chính trị, kinh doanh, …)
- Ký được một hợp đồng với một nhà đầu tư lớn
- Doanh thu tháng này đang thấp, học để tìm cách đẩy doanh thu
- Biết biết cách chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa, chữa trị một bệnh gì đó
- Để có người yêu, để cưới vợ, xây dựng gia đình…
Ví dụ:
- Sách mua về, đọc được mấy trang đầu của một chương đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, thế là đủ
- Đến một event mình gặp đúng một người, nói chuyện với người đó xong mình đi về.
Học như thế nào?
Cứ nghĩ đến học là mọi người hay nghĩ đến đọc sách, tham gia các khoá học (online/offline), event sự kiện, workshop, etc. Mình thấy các cách này cũng có tác dụng cung cấp thông tin và bài học hữu ích nhưng với mình thì không cao. Với mình có 2 cách mà mình reflect lại hành trình từ khi đi học đến nay và thử đủ các cách học khác nhau:
Learn from the mistake/failure/success – Học từ công việc thực tế và từ sai lầm/thất bại/thành công
Tư duy của mình luôn là Just do it – nghĩ gì thấy đúng/hợp lý ở thời điểm hiện tại là làm luôn và không overthink. Làm xong review kết quả mới rút ra bài học được. Đây vẫn là cách nhanh nhất từ xưa đến giờ. Nhớ rằng quyết định bạn đưa ra ở thời điểm hiện tại luôn đúng ở hiện tại, nhưng chưa chắc đúng ở thì tương lai nhưng điều đó bạn không biết được. Nên bạn cứ phải làm càng sớm càng tốt.
Nếu bạn có ý tưởng gì, dự định gì để làm cân nhắc đến một lúc cảm thấy hợp lý là làm luôn chứ chờ với lên kế hoạch lâu quá cuối cùng bạn chẳng rút ra được gì cả đâu. Bạn đang lãng phí thời gian cuộc đời của mình đấy.
Lưu ý: Nhớ làm gì thì cũng phải kiểm soát chi phí và thời gian thấp nhất có thể nhé!
Observe experts in practice – Học từ việc quan sát những chuyên gia khi họ thực hành
Ngay từ khi còn bé mình đã được quan sát bố mẹ mình là 2 doanh nhân nhiều kinh nghiệm. Bố mẹ đi làm thị trường thế nào, bán hàng ra sao. Quản lý nhân viên như thế nào, quản lý tài chính ra sao, …
Ngay từ khi còn học cấp 3 mình đã đi làm phiên dịch và trợ lý cho bố mẹ mình và các bác bạn bè của bố mẹ. 15-16 tuổi mình mặc Suit bước vào những sự kiện lớn nói chuyện với những người lớn hơn mình rất nhiều, chẳng ai biết đáy là cậu học sinh 16 tuổi.
Mình “bám đít” các bác chủ tịch công ty, tập đoàn lớn 6-70 tuổi với một câu nói thường trực “Bác có cần gì không ạ, để cháu giúp cho”. Và cứ thế mình vừa làm vừa quan sát một cách tự nhiên.
Đi du học lần 1, mình đi làm farm (đi làm nông dân hái lượm, công việc tay chân khá phổ biến của du học sinh) mình cũng học và quan sát được từ một người anh biết cách sắp xếp công việc, đối nhân xử thế, quản lý rất nhiều loại nhân viên từ các bác nông dân sang nước ngoài lao động thuần tuý, đến những du học sinh có tri thức, thạc sỹ, tiến sỹ thì như thế nào.
Đi du học lần 2, mình được nhận làm ở Vodafone. Thú thực ban đầu mình thấy rất chán và định nghỉ công việc này, may mắn thế nào mình gặp được anh Giám đốc chi nhánh Vodafone người Ấn Độ người mà hơn một năm sau mình trở thành trợ lý của anh ấy. Mình học anh ấy từ cách đi đứng, bắt tay, nói chuyện với khách hàng, đồng nghiệp ra sao, cấp trên thế nào. Học và bắt chước theo 90% luôn. Phong thái cực kỳ chuyên nghiệp.
Về nước từ 2014, mình dành gần 2-3 năm đầu để làm quen hết tất cả các anh em founders, cấp quản lý, Nhà đầu tư trong lĩnh vực start-up và giáo dục. Ai có gì hay mình lại tiếp tục quan sát và học.
Từ năm 2018 trở đi thì mình bắt đầu chọn lọc dần và tập trung học sâu và quan sát từ một số ít người mà mình cho là họ rất giỏi. Shark Linh là một ví dụ chẳng hạn. Các sự kiện mình lựa chọn tham gia cũng chọn lọc hơn.
Lưu ý 1: Quan sát ai thì họ cũng có cái hay và cái dở, không ai hoàn hảo cả mình học những cái hay của họ và làm thử xem có phù hợp với mình hay không. Cái dở thì mình tự rút kinh nghiệm và tự hỏi tại sao họ lại mắc phải những cái dở này để rút kinh nghiệm.
Lưu ý 2: Quan sát context để xem thông tin mình tiếp nhận có bị bias (thành kiến) hay không.
Lưu ý 3: Mình đưa cả 2 ví dụ trong hoàn cảnh mình được gia đình support và hoàn toàn không được support. Các bạn tuỳ hoàn cảnh có thể áp dụng, không nên đổ tại hoàn cảnh điều đó chỉ làm chậm bước phát triển của bạn mà thôi. Mình mà quyết tâm thì hoàn cảnh nào cũng có thể làm nên chuyện hết.
Thập kỷ mới rồi, học và làm gì có ích cho đời nhanh lên các bạn ơi. Các bạn còn chờ đến bao giờ nữa?!
Chia sẻ của Eric Ha