Mục lục
Tôi có thói quen là ngày thường thì tôi thường viết về những vấn đề mang tính chuyên môn, liên quan đến nghề nghiệp. Còn cuối tuần, ngày nghỉ thì tôi thường tranh thủ chia sẻ những vấn đề về triết lý sống, về trải nghiệm, chiêm nghiệm của bản thân.
Tôi nhớ tôi đã viết vài bài về đề tài này. Nhưng tôi vẫn thấy chưa đủ, nên tranh thủ cuối tuần tôi chia sẻ thêm về đề tài này. Hy vọng sẽ giúp một ai đó bớt sầu muộn, bớt bế tắc, để có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Các bài trước tôi đã chia sẻ quan điểm về cách làm quen với stress bằng cách nâng cao năng lực để vượt qua khó khăn, nâng cao sức chịu đựng để sống chung với stress.
Một khía cạnh khác về Stress
Nhiều người nói tình trạng stress xảy đến khi bạn gặp một vấn đề rắc rối trong cuộc sống mà bạn thấy bế tắc.
Nhưng theo tôi thì không hẳn vậy. Vì tôi cho rằng sống trên cuộc đời này ai mà không có vấn đề, ai mà không gặp khó khăn, ai mà không phải lo toan về một chuyện gì đó?
Chẳng hạn như nhiều người nói người nghèo thường có vấn đề về tài chính. Bởi họ luôn luôn bị áp lực phải kiếm tiền để trang trải các khoản chi tiêu.
Vậy người giàu chắc không lo lắng về tài chính? Không đúng. Người giàu có khi phải lo lắng về tài chính hơn cả người nghèo ấy chứ!
Này nhé, trước hết là họ lo giữ tiền! Cái lo này không hề kém cái lo của người không có tiền đâu các bạn ạ.
Ngoài ra người giàu nhờ làm ăn còn phải lo kiếm tiền để trả nợ cho các nhà băng mỗi khi sắp đến hạn. Họ phải lo kiếm đủ tiền để cuối tháng trả lương cho công nhân. Họ phải lo kiếm tiền để trả cho các nhà cung cấp. Họ phải lo kiếm tiền để đóng thuế cho nhà nước, đóng BHXH cho công nhân nếu không muốn vô tù, và họ phải lo kiếm tiền kẻo công ty bị phá sản…
Có người nói những người chưa thành công trong sự nghiệp, những người thất nghiệp thì dễ bị stress hơn. Vì với mỗi ngày đi qua, mỗi tháng trôi qua mà không tìm được việc làm là áp lực mưu sinh và kèm theo đó là sự thất vọng, rồi bất mãn với cuộc sống tăng cao trong họ.
Vậy còn người có việc làm thì sao? Người có việc làm thì lo sợ mất việc, họ chịu áp lực rất lớn từ công việc. Nhiều người vì lo không hoàn thành KPI mà bị stress, mất ăn mất ngủ, lơ là cả vợ con chứ không phải chuyện chơi đâu!
Một nguyên nhân khác khá phổ biến của stress, đó là các nguyên nhân liên quan đến tình cảm, như thất vọng, thất tình, nói chung là các loại thất….
Về mặt này thì tôi nghĩ là con người, chúng ta ai cũng bị, ai cũng gặp vài lần trong đời mình, không loại trừ ai.
Vậy thì chúng ta, người giàu, kẻ nghèo, người sang, kẻ hèn, người lao động chân tay, người lao động trí óc… ai cũng gặp những vấn đề giống như nhau trong cuộc sống, vậy thì tại sao một số người dễ bị stress còn người khác thì không?
Tôi nghĩ vấn đề này có ảnh hưởng bởi lối sống!
Cụ thể là tôi nghĩ những người có lối sống khép kín thì thường dễ bị stress hơn. Bởi những người này, có việc thì họ thường có xu hướng tự tìm cách xử lý lấy, rồi khi không xử lý được thì họ giữ kín trong lòng, rồi tự đay nghiến, tự dằn vặt mình, tự thất vọng với mình… dễ dẫn đến cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.
Còn những người có lối sống cởi mở, khi có vấn đề thì họ chia sẻ với bạn bè, người quen, chia sẻ với cộng đồng để nhờ giúp đở, tìm giải pháp cho vấn đề.
Và ngay cả khi thất bại thì những người này cũng có xu hướng chia sẻ, tâm sự cởi mở với người khác, qua đó họ nhận được sự chia sẻ, cảm thông, hay ít nhất là vài lời động viên chân thành. Nên nhờ thế mà những đau khổ, thất vọng được vơi đi, họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn chứ không cảm thấy cô đơn, bế tắc, cùng đường.
Những người bị stress thường được khuyên là nên gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ. Nhưng thật ra những gì mà chuyên gia tâm lý có thể làm cũng chỉ là lắng nghe, tỏ ra chia sẻ, bày tỏ sự thông cảm, và khuyên người bị stress chia sẻ với đối tác, người trong cuộc…
Vậy tôi xin đúc kết bài này bằng lời khuyên, muốn không bị stress thì hãy sống cởi mở hơn, hãy chia sẻ để nhận được sự chia sẻ, hãy giúp đở người khác để lại nhận được sự giúp đở từ người khác khi mình cần sự giúp đở.
Làm thế bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đơn độc, nên không cảm thấy bế tắc, và stress do vậy sẽ không đến với bạn.
Tôi cho rằng khó khăn, rắc rồi trong cuộc sống không phải là nguyên nhân của stress, mà chính là do cách mà bạn ứng xử với những khó khăn, rắc rối này.
Nếu bạn thường xuyên bị stress thì hãy tìm cách thay đổi phong cách sống của mình, hãy cởi mở hơn, hãy chia sẻ hơn, hãy hòa mình với cộng đồng hơn.
Tôi nhớ Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng thường khuyên là nên chia sẻ, nên nói ra vấn đề của mình cho người khác thấu hiểu, cảm thông, như là một cách để giải quyết vấn đề, để giải tỏa sầu muộn, để có cuộc sống hạnh phúc hơn đó sao?
Chia sẻ của Đỗ Hòa