Người ta hay khuyên bảo nhau rằng hãy thay đổi mô hình kinh doanh, hãy chuyển mọi thứ qua Online, hãy tranh thủ bán cái này bán cái kia, hãy tạo ra sản phẩm phụ, hãy lùa gà đẩy hàng sỉ, hãy… đủ thứ hết.
Tất cả đều mang tính chủ quan hết vì thiếu một câu hỏi rất quan trọng “Khách hàng mục tiêu của chúng ta là ai? Họ thật sự cần cái gì lúc này?”. Nếu không giải quyết được thì có chuyển lên Online cũng có ích gì đâu. Hãy đọc câu chuyện bên dưới và suy ngẫm:
Xưa có một người đàn ông lương thiện, ông đã dành cả cuộc đời mình để hành thiện tích đức, làm vô số việc tốt. Bởi vậy mà đến lúc trăm tuổi lâm chung, một Thiên sứ đã đến đón ông lên Thiên đường.
Thiên sứ nói: “Ông là người tốt bụng, vì ông đã làm rất nhiều viên thiện nên tích được công đức rất lớn. Trước khi rời khỏi thế gian này, ông có nguyện vọng nào muốn ta đáp ứng hay không?”.
Người đàn ông lương thiện trả lời: “Thưa Thiên sứ thánh thần, tôi sống cả đời này mà chưa từng được thấy Thiên đường và địa ngục. Ngài có thể đưa tôi đi tham quan một chút được không?”.
Thiên sứ đáp: “Được thôi, bởi vì ông sẽ lên Thiên đường nên ta đưa ông xuống địa ngục trước”. Thế rồi, người đàn ông theo Thiên sứ xuống địa ngục, trước mặt họ có một bàn ăn lớn, trên bàn bày đầy những món ăn thịnh soạn.
“Chẳng ngờ cuộc sống dưới địa ngục cũng không tệ chút nào, không bi thảm như trong tưởng tượng của tôi!”, người đàn ông hoài nghi nói. Thế nhưng Thiên sứ chỉ mỉm cười: “Đừng vội, ông cứ xem tiếp sẽ rõ”.
Một lát sau cửa phòng mở ra, một đám đông gầy trơ xương giống như quỷ đói tranh nhau ngồi vào bàn. Mỗi người cầm trên tay một đôi đũa dài đến cả chục mét, họ cố hết sức gắp đồ ăn cho vào miệng mình nhưng đều thất bại vì đũa quá dài, và cũng bởi vậy mà họ không ăn được bất cứ thứ gì.
“Thực là quá bi thương! Họ muốn ăn mà không thể ăn, thực phẩm ê hề mà vẫn phải chịu đói…”, người đàn ông thương cảm kêu lên. “Ông thấy như vậy rất tàn nhẫn, phải không? Vậy ta sẽ đưa ông đến Thiên đường”.
Trên Thiên đường cũng là cảnh tượng tương tự: một chiếc bàn đầy ắp thức ăn và những đôi đũa dài cả chục mét. Nhưng điều khác biệt là, ở đây, ai ai cũng tươi cười vui vẻ, thân thể khoẻ khoắn, đầy đặn. Trái ngược với những cô hồn dã quỷ dưới địa ngục, họ gắp thức ăn cho người đối diện, còn người đối diện cũng gắp lại cho họ. Như thế là ai cũng được thưởng thức đồ ăn một cách vui vẻ.
Dịch bệnh khiến thị trường bị thu hẹp, bàn tiệc nhỏ đi, trừ những ngành thiểu số đang kiếm tiền ngon, nếu không hỗ trợ nhau thì tất cả chết hết.
Mấy hôm nay hỗ trợ đối tác triển khai cái siêu thị Online cho người khiếm khuyết, vừa để họ có thu nhập trong thời buổi khó khăn này, vừa để những người mua hàng có thể mua giá tốt hơn bên ngoài trong lúc bị giảm thu nhập (Đây chính là thứ khách hàng cần và muốn).
Do đó mình yêu cầu nhà cung cấp sản phẩm cố gắng để giá thấp nhất có thể, lời ít thôi nhưng có thể bán được số lượng nhiều. Mình cũng liên hệ với một số bạn grab để nhờ ship hàng với mức phí thấp hơn app để giảm chi phí cho khách hàng. Tuy nhiên:
- Rất nhiều nhà cung cấp vẫn chăm chăm nghĩ cho bản thân thay vì nghĩ cho “khách hàng và đối tác giúp họ bán”. Có thể muốn gỡ lại vốn do bữa giờ ế ẩm nên than vãn liên tục là lời ít quá sao sống, phải trữ hàng với số lượng abc thì mới chiết khấu, phải …. đủ thứ.
- Các bạn grab thì thà ế, thà không có cuốc xe nào chứ không chịu giảm đi một chút xíu nhưng sẽ có tiền đều đặn.
Tất nhiên là với những người chỉ biết tranh thủ kiếm chác thay vì biết nghĩ từ góc nhìn của khách hàng, biết phục vụ thì mình cho lên đường ngay thay vì cộng tác. Tham một chút chi vậy để rồi mất khách.
Ngoài dự án đó, mình cũng chia sẻ rất nhiều ý tưởng cho ngành khách sạn/resort theo hướng này để có thêm giải pháp cầm cự hoặc làm thương hiệu nhưng chỉ số ít muốn làm. Còn lại đều muốn lời nhiều, lời to để bù lỗ lại khoảng thời gian trống khách. Chỉ thấy lợi ích trước mắt, không nghĩ từ góc độ khách hàng nhưng không có khách thì than.
Kế hoạch kinh doanh của bạn trong mùa dịch đã:
- Suy nghĩ từ góc độ thị trường chưa?
- Đã nghĩ đến chuyện hỗ trợ trước rồi tiền sẽ về chưa?
- Đã tạo ra liên minh chiến lược để cùng sống chưa?
Nếu chưa, hãy đọc lại câu chuyện ở trên và lập lại kế hoạch mới. Tin rằng bạn sẽ có thêm rất nhiều ý tưởng.
Hãy cộng tác để cùng vượt bão. Đừng chụp giật, chia rẽ.
Chia sẻ của nguyễn thanh phong