Hai thầy trò nọ ghé thăm 1 gia đình sống dưới mức nghèo khổ trong 1 túp lề tồi tàn. Cuộc sống của gia đình 8 người này được duy trì nhờ 1 con bò sữa. Đó là tài sản vô cùng quý báu của gia đình họ so với dân làng chung quanh. Trước khi bỏ đi, người thầy đã đâm chết con bò, trong sự sợ hãi và lo lắng tột cùng của người học trò.
Một năm sau, hai thầy trò quay lại chứng kiến một gia đình sống sung túc dưới một căn nhà đàng hoàng. Thì ra, không có con bò để vắt sửa, gia đình họ phải chống lại sự chết đói bằng cách phát hoang đất trồng lương thực; ban đầu chỉ là để khỏi chết đói, sau đó thì họ có nhiều lương thực để bán ra chợ và từ đó họ trở nên sung túc.
Bài học từ người thầy “con bò mà họ yêu quí như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Chỉ khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới nhìn sang hướng mới”.
Ông thầy nâng tầm ý nghĩa câu chuyện…
“Nếu con có 1 công việc – dù con không thích – giúp con trả được nợ, sống sót và cũng tận hưởng được một vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng con biện minh rằng khối người muốn được như vậy mà có được đâu. Và vì thế con giữ nó hoài”.
Nghe xong lời dạy, người học trò, tìm “giết” con bò của mình, để bắt đầu một cuộc sống không có bò.
Đoạn trên do tôi tóm tắt từ sách: “Ngày xưa có một con bò – Once upon a Cow”. Tác giả: Tiến sĩ Camilo Cruz.
Chúng ta cứ trông cậy vào các con bò có sẵn.
Chúng ta cứ loanh quanh trong vòng tròn an toàn…
Chúng ta sợ hãi sự thay đổi.
Và chúng ta chết già mà chẳng làm gì nên hồn!
Bạn có bao nhiêu con bò quý giá? Có dám giết không.
Chia sẻ của Lâm Minh Chánh từ Quản Trị và Khởi Nghiệp