Mục lục
Có nên vay tiền để khởi sự kinh doanh?
Hễ đã kinh doanh, bắt đầu kinh doanh thì luôn cần tiền.
Tiền để mua hàng, tiền để tuyển người, tiền để đầu tư, tiền để quảng cáo… Không có tiền thì không làm được gì hết.
Tui thấy mọi người rất hay bảo, rằng khởi nghiệp quan trọng nhất là ý tưởng. Có ý tưởng rồi tiền sẽ đến.
Nhưng với những mô hình kinh doanh nhỏ và…siêu nhỏ thì có vẻ không phải vậy.
Đầu tiên là tiền đâu!
Liệu không có tiền, hoặc không đủ tiền thì chúng ta có thể bắt đầu một sự nghiệp riêng được không?
Tui đọc được rất nhiều câu chuyện, không chỉ khởi sự từ tay trắng mà còn là nợ nần, sau đó thành công xóa nợ và làm giàu.
Và thực tế là từ ông chủ tập đoàn đến ông giám đốc công ty nhỏ, đâu có ai là không vay nợ.
(Theo quan sát và những thông tin tui đọc được hehe)
Gần như những quyển sách tư duy giàu có đều khuyên nên dùng tiền của người khác để đẻ ra tiền.
Vậy, có thực sự nên vay tiền để khởi sự kinh doanh hay không?
Vì sao chúng ta muốn vay tiền?
Vì thiếu tiền! Tất nhiên rồi. Không có tiền mới đi vay chứ ai đâu có tiền mà vay tiền làm gì?
Nhưng vấn đề là:
“Có phải đi vay là cách duy nhất và tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu tiền không?”
Nếu vì thiếu tiền chúng ta có thể kêu gọi theo hướng đầu tư. Có tỉ lệ cổ phần sở hữu, lộ trình thoái vốn rõ ràng.
Nhà đầu tư thiên thần thì ở quanh ta. Đó có thể là bố mẹ, người thân hoặc anh em bạn bè thân thiết. Điểm mấu chốt cần nhớ là một bản kế hoạch cụ thể chúng ta sẽ làm gì với số tiền kêu gọi được.
- Những mục đích chính bạn sử dụng số tiền này?
- Trong bao lâu việc kinh doanh sẽ thu hồi vốn?
- Khi nào bạn sẽ trả lại số vốn đầu tư và khi ấy sẽ là bao nhiêu tiền? (Ứng với X% giá trị kinh doanh của bạn)
Hoặc chúng ta cũng có thể tìm kiếm Co-Founder vừa có thể san sẻ rủi ro vừa giảm bớt áp lực tài chính, công việc và tận dụng được nguồn lực của nhau.
Thường chúng ta có thể sử dụng thế mạnh của đồng sự như nguồn hàng giá rẻ, mối quan hệ với nhà cung cấp, thế mạnh về quản lý, bán hàng,v.v…
Vì chúng ta sẽ không thể vào vai một người giỏi mọi thứ và làm tất cả một mình khi mới khởi sự.
Nên nhớ “Người thông minh không làm mọi thứ một mình“.
(Các anh chị em có thể tìm đọc cuốn sách này, khá hay)
Đây cũng là một cách làm phổ biến dù rằng có khá nhiều tình huống…tan vỡ khi biến cố xảy ra. Nhưng tin tui đi, con số tỉ lệ này còn ít hơn số thất bại khi khởi nghiệp vì vay. Huhu
Chốt: Đi vay không phải là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề thiếu tiền.
Tác hại thầm lặng
Nợ khiến bạn dễ sai lầm
Hễ đã vay nợ, bạn sẽ luôn ở trạng thái nặng nề và áp lực. Và hiển nhiên dẫn đến tâm lý cố gắng trả nhanh bằng mọi giá.
(Từ ý thức đến tiềm thức đều bị tác động mạnh mẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động bị tác động)
Xu hướng chung là chúng ta dễ sa đà vào những con đường không chính thống, đặt lợi nhuận ngắn hạn lên hàng đầu. Cách làm này chất lượng sản phẩm không đảm bảo, lợi thế cạnh tranh và tồn tại lâu dài không có.
Nhìn thì có thể kiếm được tiền trong ngắn hạn nhưng sẽ thất bại trong dài hạn. Và quan trọng hơn là sau thất bại sẽ rất rất khó để có thể vực dậy, chứ đừng nói là thành công.
Tệ hơn, nợ có thể sinh ra nợ. Nếu bị cuốn vào vòng xoáy này, bạn sẽ rất khó khăn để thoát ra và thời gian để hồi phục phải tính bằng nhiều năm tuổi trẻ. Giai đoạn năng lượng nhất của đời người.
Nợ khiến bạn yếu đi
Việc nợ sẽ khiến bạn sợ hãi, rụt rè trong mọi quyết định.
Đã bảo:
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Khi chiến đấu với 1 cái túi rỗng, bạn đã thua một nửa trước khi ra trận rồi. Không dám chi tiền để đầu tư, không dám làm những điều xứng đáng dù tốn kém. Khi nhìn thấy cơ hội bạn cũng không thể nắm lấy xoay chuyển tình thế.
Những điều ấy sẽ tiễn khách hàng của bạn đi xa dần và không bao giờ quay trở lại.
Vay tiền còn là chi phí chìm bạn không hề biết. Khi bạn kinh doanh và bỏ tiền để mua các trang thiết bị, bạn sẽ phải tính khấu hao cho chúng.
Ví dụ bạn mua cái bếp có tuổi thọ 3 năm với giá 30tr, thì tính ra mỗi năm bạn sẽ mất khoảng 10tr, mỗi tháng gần 1tr.
(Tính chẵn số cho các bạn dễ hình dung hen)
Vay tiền và trả lãi cũng giống như thế, bạn sẽ phải gánh thêm chi phí lãi vay trong phần chi phí. Việc đó càng làm cho lợi nhuận của bạn giảm đi nhiều hơn.
Kịch bản tệ nhất của việc vay tiền đó là khi bạn lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ.
Bởi vì khoản tiền vay là khoản tiền bắt buộc phải trả, do đó nếu có chẳng may thua lỗ bạn sẽ phải sang nhượng lại cơ sở kinh doanh của mình với giá rẻ (chắc chắn dưới hơn nhiều so với giá đầu tư, một số mô hình còn mất trắng).
Ví dụ lúc đầu bạn vay 50% số vốn nhưng sau thời gian 1 năm bạn thua lỗ. Bạn vẫn phải trả cả vay lẫn lãi. Con số này đôi lúc còn cao hơn số tiền bạn có được từ việc sang nhượng kinh doanh.
Tức là tính sơ sơ bạn sẽ mất trắng toàn bộ số tiền hiện có của mình, thêm một khoản nợ nhưng quan trọng là bạn mất 1 năm. Đó là chi phí cơ hội mà ít người nhắc đến khi đưa ra lời khuyên cho bạn.
Nếu bạn đi làm ở 1 công ty ổn định, với mức lương 15tr/tháng.
So với việc bạn có 200tr và đi vay 200tr để khởi nghiệp và mất sạch.
Thì số tiền bạn mất sẽ là 200tr + 15tr x 12 tháng = 380tr
380tr chứ không phải là 200tr vốn liếng không thôi đâu.
Khá là hãi đúng không nào?
Vậy nên nếu bạn có đự định vay nợ thì hãy cân nhắc kỹ nhé. Cái gì cũng vậy, vui thôi đừng vui quá.
Những cái “quá” dễ khiến chúng ta lâm vào những hoàn cảnh khó đỡ lắm.
Vay tiền cũng tốt
Không phải vay nợ là không tốt.
Cái gì cũng có 2 mặt của nó cả.
Vay tiền có 1 cái lợi và chỉ có 1 cái lợi lớn nhất và duy nhất (theo tui thấy).
May mắn thay là cái lợi này lại là 1 yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành bại trong kinh doanh.
Đó chính là động lực.
Những ai từng nợ rồi chắc chắn đều hiểu rõ cảm giác áp lực khủng khiếp của việc kỳ hạn trả nợ. Nó có thể khiến chúng ta làm việc không biết mệt mỏi, bất chấp mọi thứ cản đường.
Chúng ta không bị phân tâm và chỉ tập trung vào một thứ duy nhất là những hoạt động sinh ra tiền để trả nợ.
Tui từng đọc một quyển sách nội dung rất hay tên là “Sức Mạnh của sự Túng Quẫn”
Con người chúng ta sẽ hành động mạnh mẽ đối với nỗi sợ hãi, thiếu thốn.
Bạn cứ nhớ về lúc mình còn nhỏ, bị chó rượt, nỗi sợ đó đã khiến bạn phóng cả mấy mét qua cái mương mà khi bình thường chả bao giờ bạn nghĩ mình có thể làm được.
Nỗi sợ nợ nần, sợ trách nhiệm cũng sẽ đẩy chúng ta vào trạng thái đó.
Một trạng thái chiến đấu hết mình, không còn gì để mất.
Caesar từng đốt thuyền để quân lính không còn đường về khi dấn thân vào những trận chiến mang yếu tố quyết định. Bất chấp bản thân hiện tại đang là một đại đế.
Ông vẫn chọn cách dồn toàn lực, đặt cược hết vào trận chiến. Vì ổng hiểu chỉ có 1 cách là chiến thắng để sống sót.
Nợ ở đây cũng giống như thế. Nó có thể là sức mạnh vô hình giúp bạn dám làm và đạt được vô vàn thứ bạn chưa từng nghĩ mình có thể!
Tuy nhiên nếu bạn không phải là một người chịu đựng được áp lực thì nên cân nhắc khi áp dụng chiến lược “sợ nợ” này. Nếu không kết quả thật sự rất tàn khốc.
Có giải pháp nào khác không?
Chúng ta có thể dung hòa nó bằng cách hiểu rõ năng lực bản thân và đặt ra mức vay hợp lý.
Ví dụ bạn sẽ không vay 100% mà sẽ chỉ vay 20-30% số tiền cần thiết mà thôi.
Và bạn cũng sẽ ưu tiên vay của những người thân quen, bố mẹ anh chị để giảm bớt áp lực và kỳ hạn nợ.
Bởi vì người thân cho vay chủ yếu là vì tin tưởng ở bạn nên nếu có rủi ro dù gì cũng sẽ dễ đối mặt hơn là vay của các tổ chức bên ngoài.
(Về phần này các anh chị em nào quan tâm có thể vào nhóm Tự Học Kinh Doanh tìm hiểu sâu hơn)
Khi nào không nên vay?
Tui nhận thấy nếu đang ở trong những tình huống sau, ĐỪNG BAO GIỜ VAY NỢ:
Khi bạn có một sản phẩm tốt, nhưng chưa đủ tốt đến nỗi khách hàng sẽ xếp hàng và khao khát có nó.
Một sản phẩm phù hợp với thị trường thật sự không cần Marketing quá nổi trội, vì bản thân sản phẩm đã là một chiến lược marketing xuất sắc rồi.
Khi bạn chưa hiểu rõ về thị trường, về đối thủ cạnh tranh và đang còn mơ hồ về “Khoảng trống thị trường“.
Nếu bạn không biết bạn đang đương đầu với ai, khách hàng của mình như thế nào thì bạn đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự thất bại.
Khi bạn chưa thực sự cam kết dồn hết tâm hết sức cho việc này. Có thể lúc này bạn vẫn còn đang bận bịu với những công việc khác, những dự án khác. Như vậy vay tiền để làm một thứ bạn không tập trung là cực kỳ rủi ro.
Hãy nhớ rằng, người ta tập trung toàn lực còn chưa biết tới đâu, đằng này làm một lúc nhiều việc liệu mọi thứ sẽ đi về đâu?
Khi bạn chưa biết mình cần làm gì trong kịch bản xấu nhất.
Nếu mất hết tất cả bạn có cam tâm hay không?
Đến mức nào thì bạn sẽ chấp nhận lỗ và dừng lại chấp nhận thua cuộc?
Nếu mất trắng thì sẽ lấy tiền ở đâu để trả nợ?
Trả bao nhiêu và trong bao lâu?
Liệu nó có xứng đáng để bạn đánh đổi hay không?
Hãy nghĩ đến những chuỗi ngày bạn sẽ phải cực khổ, quần quật trả nợ nếu thất bại trước khi đặt bút ký vay.
Từ kinh doanh nghĩa gốc của nó có nghĩa là “người chấp nhận rủi ro“. Cho nên đã bắt đầu kinh doanh thì phải học cách lập kế hoạch và đối mặt với rủi ro.
Nhưng hãy nhớ, chấp nhận rủi ro rất khác với “đánh bạc” bằng mọi giá.
Tóm lại là..
Thực ra không có câu trả lời chung cho việc có nên vay nợ để kinh doanh hay không.
Cái này phụ thuộc vào mỗi người, phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh và cam kết không bỏ cuộc của mỗi người.
Tuy nhiên có một thực tế là, đã là doanh nhân gần như ai cũng sẽ phải vay. Doanh nhân nhỏ thì vay nhỏ, doanh nhân lớn thì vay lớn.
Như ông bà hay nói thuyền to thì sóng lớn. Do đó đã xác định kinh doanh có lẽ chúng ta cũng nên làm quen với cảm giác đó.
Chỉ có điều việc chọn làm nhỏ, chọn làm lớn hay chọn làm thuê là ở bạn mà thôi.
Đời này ngắn ngủi lắm, hãy cứ theo đuổi những điều thật sự có ý nghĩa với mình.
Để khi về già, ngồi ghế kẽo kẹt hồi tưởng lại. Mình biết rằng mình đã có một cuộc đời đáng sống, một tuổi trẻ oanh oanh liệt liệt.
Nhưng nhớ nha,
Chấp nhận rủi ro chứ không phải đánh bạc!
Chia sẻ của Thông Phan