Có người bảo công ty trả lương cho người lao động (NLĐ). Nhiều người khác bảo KHÁCH HÀNG trả lương cho người lao động.
Tôi luôn cho rằng chính người lao động tự trả lương cho mình chứ không phải công ty, cũng không phải khách hàng.
Để hiểu điều này thực ra chẳng khó khăn gì nếu chúng ta tư duy mở ra một chút (thay vì đóng cứng trong một chiếc hộp).
Suy cho cùng, người lao động đi làm là một nhà cung cấp, một người bán hàng. Họ bán gì? Thưa, họ bán chất xám, kỹ năng, kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp, sức lao động… Và công ty là khách hàng của họ!
Là người bán, họ có quyền chọn khách hàng và định giá bán phụ thuộc và giá trị mà món hàng của họ mang lại cho khách hàng (ở đây công ty là khách hàng của người lao động).
Muốn bán giá cao, họ phải tạo ra giá trị cảm nhận cao cho khách hàng (customer perceived value), tức làm sao cho chủ doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) cảm nhận được là họ đem lại giá trị cao cho công ty.
Nếu không tạo lập và chuyển giao được giá trị cao, người lao động buộc phải bán giá thấp, hoặc chịu cảnh ế ẩm, không ai mua (thất nghiệp).
Họ tự quyết định giá bán theo quy luật cung cầu, căn cứ vào giá trị mà họ mang lại cho khách hàng. giá cao hay thấp là do họ, và họ cũng có quyền từ chối bán giá thấp nếu cảm thấy hàng của mình chất lượng cao, mang lại giá trị cao…
Chỉ cần xem chất xám, kỹ năng, tay nghề như một loại hàng hóa, bạn sẽ hiểu vì sao, chính bạn, chứ không phải ai khác, sẽ tự trả lương cho mình.
Muốn được nhận lương cao, bạn phải nỗ lực để tạo ra hàng hóa có giá trị cao.
Quan điểm này của tôi có thể ngược đời, không giống ai, nhưng cứ ngẫm thật kỹ xem sao!
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long