Mục lục
Trong cuộc sống, không phải lúc nào bạn cũng có được những thứ mà bạn xứng đáng mà bạn sẽ có được những thứ mà bạn đàm phán!
Đại dịch Covid đã diễn ra được 3 tháng và gây rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đã phải đóng cửa bởi vì không thể chịu nổi chi phí vận hành và một trong những gánh nặng nhất của các doanh nghiệp đó là chi phí mặt bằng.
Sau đây, tôi sẽ chia sẻ với các bạn cách làm sao để đàm phán giảm giá chi phí mặt bằng giúp cho doanh nghiệp của mình có thể vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và khó khăn này.
Điều đầu tiên chính là tự tin đàm phán!
Câu chuyện này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra lại rất quan trọng. Trong tiềm thức của các bạn ở Việt Nam, có rất nhiều bạn nghĩ rằng đàm phán nghĩa là giành giật, là tranh cướp và cảm giác mình khá là nhỏ mọn khi mình sẽ lấy đi những lợi ích của người khác khi bắt đầu đàm phán. Vì vậy, họ rất ngại đàm phán.
Ai cũng nên biết về đàm phán, không phải để bạn chiếm lợi thế của người ta, nhưng mà cũng để người ta không lợi dụng bạn. Thực tế, đàm phán không phải là một cuộc kéo co mà bạn thắng và tôi sẽ thua, mà đàm phán là một cuộc làm việc nhóm, team-work mà chúng ta cùng giúp nhau để giải quyết một vấn đề.
Đàm phán diễn ra hàng ngày trong cuộc sống và bạn không thể nào né tránh. Các bạn có thể thất bại, các bạn có thể thành công nhưng nếu bạn không đàm phán thì chắc chắn 100% bạn sẽ không có những thứ mà bạn muốn. Bạn muốn có gì thì các bạn phải làm việc để có được điều đó. Vậy nên, bí quyết đầu tiên đó chính là hãy tự tin nói ra những điều bạn muốn và bạn sẽ chỉ có được những điều mà bạn nói ra.
Bước thứ hai đó chính là chuẩn bị kế hoạch cho đàm phán!
Điều đầu tiên là các bạn cần đọc lại hợp đồng thuê nhà. Nắm rõ luật chơi là bạn sẽ chiếm ưu thế.
Điều tiếp theo các bạn cần làm đó là kiểm tra lại tài nguyên của mình. Lúc này các bạn cần kiểm tra lại dòng tiền của mình và số vốn lưu động. Các bạn đang có bao nhiêu tiền? Nguồn thu nhập của các bạn là bao nhiêu? Các bạn có thể vận hành công ty này trong vòng bao lâu nữa nếu mà các bạn không có thu nhập thêm?
Và các bạn dành bao nhiêu tiền trong đó để chi phí, chi trả cho mặt bằng? Nếu mà các bạn không thể buôn bán tốt lên được, tình hình không cải thiện thì số tiền đó giúp cho các bạn thuê nhà, duy trì được mặt bằng ấy trong vòng bao lâu?
Tiếp theo đó là các bạn phải cần cân nhắc các giải pháp thay thế. Đó là những địa điểm mới mà các bạn chắc chắn sẽ chuyển tới được và thực hiện ngay, chứ không phải là những ý tưởng hay là những quan niệm nghĩ rằng: “Tôi có thể thuê nhà ở chỗ này, chỗ kia”. Giải pháp thay thế này rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn làm được một vài điều sau:
Đầu tiên là nâng cao sức mạnh và vị thế của bạn trên bàn đàm phán. Giải pháp thay thế sẽ giúp cho các bạn hiểu về thị trường và đặt ra những giới hạn cho mình. Việc đặt các mốc giới hạn này sẽ giúp cho các bạn biết điểm dừng của mình ở đâu.
Hãy chia những điều khoản mà các bạn cần ra làm:
- Điều đầu tiên đó là điều kiện tiên quyết. Điều kiện tiên quyết tức là nếu mà không đạt được điều đấy thì bạn không cần và bạn không cần làm bất kỳ điều gì nữa.
- Điều thứ hai đó là điều kiện quan trọng. Điều kiện quan trọng tức là nó rất quan trọng với bạn, tuy nhiên các bạn sẵn sàng đánh đổi nó nếu mà đối phương đưa ra những điều khoản hợp lý, đúng đắn và trả một mức giá đủ lớn để các bạn chấp nhận nhường lại điều quan trọng đó cho đối phương.
Tuy nhiên còn những điều kiện thêm. Ví dụ như là bao nhiêu lâu thì trả tiền một lần? Trả tiền bằng cách chuyển khoản hay trả tiền mặt? Nếu trả tiền hết cả năm thì liệu chủ nhà sẽ chiết khấu cho mình bao nhiêu %? Điều kiện này các bạn có cũng được, không có cũng được, nhưng có thì vẫn tốt cho mình hơn.
Hãy nhớ, kế hoạch chẳng là gì, nhưng chuẩn bị cho kế hoạch là tất cả. Khi mà các bạn có một kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị một cách đầy đủ thì các bạn gần như chiến thắng 70% rồi và lúc này, còn 30% là lúc chúng ta bắt đầu đàm phán.
Bước tiếp theo đó chính là đàm phán!
Lúc này chúng ta cần biết mình biết ta. Tại vì khi chúng ta biết mình biết ta rồi thì mới trăm trận trăm thắng được. Đàm phán không phải là cuộc kéo co để cho bên này thắng và bên kia thua, mà đàm phán là một cuộc làm việc nhóm để hai bên cùng giải quyết vấn đề và tạo ra được lợi ích lớn nhất. Để làm được điều đó thì hai bên cần phải thống nhất suy nghĩ và quan điểm với nhau.
Một bí quyết nữa để cho các bạn có thể làm được điều này đó chính là “Nói ít, nghe nhiều”. Đừng cho rằng mình biết được mọi thứ, tại vì đằng sau mỗi cuộc đàm phán đều có những câu chuyện, đều có những lý do. Và chắc chắn là bạn cần phải lắng nghe nhiều để biết được những lý do đó.
Cuối cùng đó chính là việc chốt hợp đồng. Chẳng có ai có thể luôn luôn chiến thắng trong mọi cuộc đàm phán, kể cả đó là chuyên gia đàm phán của FBI. Vì vậy nên điều đó hoàn toàn bình thường nếu mà các bạn thất bại trong cuộc đàm phán.
Nếu không lấy được con cá thì cũng lấy được ít hành và quả cà chua. Điều này có nghĩa là sao? Nếu bạn thực sự không giảm được giá nhà thì các bạn cần phải lấy thêm được những điều khoản có lợi cho mình.
Điều cuối cùng trước khi các bạn kết thúc cuộc đàm phán là hãy nhớ rằng: Tuyệt đối không bao giờ tiết lộ cho đối phương biết điểm giới hạn cuối cùng của các bạn là ở đâu. Tại vì chúng ta đang có một cuộc đàm phán theo tinh thần win – win, nghĩa là cả hai cùng thắng.
Khi mà chúng ta cùng đứng về một phía giải quyết vấn đề về giá, bạn giải quyết được vấn đề về tiền của bạn, họ giải quyết được vấn đề về khách hàng, về cơ sở vật chất của họ. Tuy nhiên, nếu mà bạn nói rằng thực sự bạn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn thì lập tức họ sẽ cảm thấy bị lợi dụng và lúc này tình cảm của hai bên sứt mẻ.
Vậy các bạn đã sẵn sàng để bắt đầu đàm phán giá mặt bằng chưa?
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Bài Toán Chi Phí Vận Hành Và Mặt Bằng Mùa Corona 2020“
- Bài 1: Thương Thuyết Giảm Tiền Nhà Sao Cho Hiệu Quả?
- Bài 3: Thương Lượng Mặt Bằng Mùa Corona: Chân Thành, Thẳng Thắn Và Nỗ Lực
- Bài 4: Sang Nhượng Hé Lộ Về Chi Phí Vận Hành mùa Covid-19
- Bài 5: Sự Thật Về Mặt Bằng Và Giảm Giá mùa Corona
- Bài 6: Cảm Thông… Mùa Em Cô Vy
- Bài 7: Tình Nghĩa 10 Năm Đi Thuê Nhà… Mùa Em Cô Vy
- Bài 8: Giải Cứu Mặt Bằng Mùa Em Cô Vy
- Bài 9: Buông Tay… Mùa Em Cô Vy
Chia sẻ cuả Vũ Minh Trường