Mục lục
Tính đến tháng Sáu năm nay, cả thế giới có hơn 170 triệu người mắc Covid-19 với hơn 3,5 triệu người tử vong.
Với những người đã khuất, hoặc những bệnh nhân phải chịu di chứng suốt đời và gia đình họ, hậu quả của đại dịch để lại là vĩnh viễn không thể phục hồi.
Đại dịch cũng là cơn ác mộng với cả nhân loại. Ai cũng mong cho nó chóng qua. Rất nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng những tác động của nó sẽ chỉ là ngắn hạn, rằng những thay đổi của hơn một năm Covid rồi sẽ được đảo ngược, chúng ta rồi sẽ trở lại những tháng ngày tươi đẹp như trước.
Nhưng sự thực là có những thay đổi gây ra bởi Covid kéo dài hơn chúng ta tưởng, thậm chí tạo nên hệ quả vĩnh viễn với loài người.
Bài viết này xin nêu ra những thay đổi lớn nhất, có tính chất dài hạn, tức là tác động lâu dài hơn thời gian đại dịch ở năm khía cạnh: Virus, con người, kinh tế, xã hội, chính trị.
Virus Sars-Cov-2
Trước hết nói về Virus, tác nhân gây nên đại dịch. Virus là loài vi sinh xưa như trái đất. Chúng có mặt ở khắp nơi sống cộng sinh vào các loài khác.
Vì bản chất của virus là các đoạn gen (DNA hoặc RNA) không tự sản xuất được protein, nên chúng xâm nhập vào tế bào các loài khác và sử dụng nguồn lực của tế bào đó để sản xuất protein nhân bản lên để duy trì nòi giống.
Thông thường virus nhân bản từ từ không lạm dụng nguồn lực của tế bào chủ thì chúng sẽ chung sống hiền hoà và phát triển lên trong loài vật chủ quen của mình. Trong quá trình đó, có nhiều gene của virus và tế bào chủ trao đổi sang nhau trong một quá trình gọi là “chuyển gene ngang”, tạo nên các đột biến.
Nếu virus chuyển gene ngang sang tế bào chủ là một tế bào phôi thai hay trứng thì gene của virus sẽ góp phần quan trọng trong hệ gene của vật chủ mới. Giáo sư Thierry Heidmann ở Đại học Paris XI đã làm nghiên cứu rà soát lại gen của con người và phát hiện có đến 8% gen của chúng ta là mượn từ virus.
Hoá ra, virus cũng chẳng xa lạ gì với con người.
Tuy nhiên, nếu do một biến cố nào đó, virus đổi vật chủ thì quá trình làm quen ban đầu có thể sẽ rất dữ dội, virus sẽ sử dụng quá mức nguồn lực của tế bào vật chủ, làm tế bào này cạn kiệt, đồng thời vật chủ cũng huy động hệ miễn dịch của mình, ồ ạt tấn công virus, và cũng gây ra những hậu quả cho chính mình.
Trong trường hợp đó, virus được coi là tác nhân gây bệnh cho đến khi cả hai quen dần với mối quan hệ mới, chấp nhận chung sống với nhau. Quá trình này xảy ra như một sự thương lượng để chung sống giữa hai loài.
Về cơ bản cả hai đều vì lợi ích sẽ cố gắng khi đạt được thoả thuận sống chung vì nếu vật chủ chết thì virus cũng chết theo
Với virus Sars-Cov-2 gây bệnh Covid-19, khi xâm nhập sẽ tấn công tế bào biểu mô đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm phế nang làm giảm khả năng nhận oxy của của vật chủ, gây phản ứng miễn dịch quá mức (bão cytokine).
Các nguyên nhân tử vong hàng đầu của Covid-19 là sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng do viêm, suy hô hấp, thuyên tắc do huyết khối từ phổi và bệnh nền như suy thận, tiểu đường… bị trầm trọng hơn.
Về mặt thống kê, tỷ lệ tử vong gây ra bởi Sars-Cov-2 không cao bằng nhiều loại virus khác. Nhưng nó nguy hiểm ở khả năng lây lan, với mức R0 = 3,5-6,4, tức là trong điều kiện chưa có miễn dịch thì một người bệnh sẽ lây sang 3,5 đến 6,4 người khác, cho thấy mức độ lây nhiễm kinh hoàng của nó.
Và với bệnh nhân Covid-19, nhu cầu nhập viện chăm sóc đặc biệt và số ngày trong bệnh viện cao gấp đôi, tỷ lệ tử vong cao gấp năm lần so với cúm nặng thì dịch Covid-19 sẽ làm ngập các bệnh viện và phòng cấp cứu gây quá tải y tế cho bất cứ quốc gia nào.
Để chống lại Covid, chúng ta đeo khẩu trang, giãn cách, xét nghiệm truy vết, cách ly để cắt chuỗi lây lan và tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng khi con người làm ra vắc xin chống lại thì virus cũng biến đổi gen để trốn tránh.
Nó không muốn bị thất thế trong cuộc thương lượng với loài người. Nghe có vẻ lạnh lùng nhưng nếu xét ở con số thống kê thì tỷ lệ tử vong 2,2% không phải là quá cao trong những cuộc thương lượng kiểu này. C
àng nhiều người mắc và dùng nhiều loại thuốc chống lại thì khả năng virus đột biến càng cao. Và dần dần chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, giống như các bệnh có vắc xin khác, chúng ta vẫn thỉnh thoảng phải đối mặt với những bùng phát Sars-Cov-2, những chủng gây hại nhiều sẽ bị vắc xin tiêu diệt, những chủng ít hại hơn sẽ được chấp nhận.
Và ngược lại, virus Sars-Cov-2 cũng sẽ phải chấp nhận rằng, để chung sống với con người, nó cần điều chỉnh để ít gây hại hơn. Có thể sau nhiều năm tranh đấu, hai loài sẽ chấp nhận chung sống hoà bình với nhau.
Con người
Khi lây lan nhanh, gây ra đại dịch, Sars-Cov-2 đã khiến loài người thay đổi. Chúng ta, một loài động vật có tính chất xã hội cao giờ đây lại thay đổi theo hướng của động vật hang động, ít vận động hơn, tích luỹ nhiều thức ăn và cả mỡ nữa.
Sau thời gian dài thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng và giãn cách 2m khiến cho chúng ta ngần ngại đón chào những người khác lại gần dưới 1m, khoảng không gian chuyển tiếp quan trọng trong phát triển mối quan hệ con người.
Thói quen bị mất đi khiến chúng ta ít bắt tay, ôm hôn, và trở nên xa lạ với nhau hơn trước. Dịch bệnh cũng khiến gia tăng chứng microphobia, sợ vi sinh, và sạch quá mức.
Điều này làm suy giảm khả năng miễn dịch của con người. Các tác động tâm lý trong đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thế hệ sau của loài người.
Nhóm nghiên cứu Đại học UCS Leo Davis đã công bố nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em sinh ra thời kỳ đại dịch cúm Tây ban nha mắc bệnh tim mạch cao hơn 25% so với trẻ em khác. Điều này được lý giải là do sự gia tăng IL-6 và ACE-2 ở người mẹ đã tác động đến thai nhi.
Và điều này có thể sẽ lặp lại sau đại dịch Covid.
Tuy nhiên, khác với thời kỳ cúm Tây Ban Nha hoành hành chưa có Internet, bây giờ Internet đang được coi là cứu cánh của loài người.
Bị Covid nhốt trong hang động, chúng ta lên mạng để giao tiếp, để học, để làm việc và để tiêu tiền.
Người ta nói, nếu làm việc gì liên tục trong một tháng sẽ hình thành thói quen, chúng ta có cả năm để rèn thói quen sống online. Thói quen đó sẽ ăn sâu vào hành vi của xã hội loài người sau đại dịch và củng cố thêm cách sống hang động của chúng ta.
Hang động ở đây không chỉ là căn nhà vật lý nơi chúng ta sống giãn cách với xã hội.
Hang động ở đây còn là thế giới ảo, nơi chúng ta chui vào mỗi ngày nhiều hơn, tách rời khỏi những người hàng xóm, đồng nghiệp, họ hàng, bè bạn…lười giao tiếp hơn, ít tham gia các hoạt động cộng đồng, ngại xây dựng các mối quan hệ và thích sống độc thân hơn.
Kinh tế
Về kinh tế, hành vi của loài người thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu tiêu dùng dài hạn. Khi khách hàng chui vào hang và lên mạng nhiều hơn, toàn bộ giao diện của khách hàng với nền kinh tế sẽ đi theo hướng đó: Các dịch vụ online phát triển, các dịch vụ offline một phần sẽ suy giảm.
Ở đây, chúng ta có thể thấy có 3 mảng lớn trong bức tranh kinh tế, ngành thuần offline có chi phí cố định lớn sẽ ảnh hưởng nặng/suy giảm lâu dài như hàng không, nhà hàng, khách sạn, tiêu dùng xa xỉ.
Nhóm ngành offline có thể chuyển một phần sang online và có chi phí cố định nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng /điều chỉnh trở lại mức cũ như giáo dục, y tế không liên quan đến dịch bệnh.
Những ngành được lợi/sẽ gia tăng lợi thế lâu dài: Giải trí trực tuyến, ecommerce, tiện ích trực tuyến, y tế dự phòng.
Mặt khác, việc bơm tiền ồ ạt cũng sẽ khiến cho lòng tin vào giá trị tiền pháp định giảm sút, thúc đẩy tiền mật mã lên ngôi chiếm lấy vai trò cất trữ tài sản. Tài sản đi trước sẽ kéo theo các ứng dụng khác theo sau.
Chúng ta có thể sẽ có một nền kinh tế blockchain định hình rõ rệt trong 10 năm tới.
Xã hội
Về xã hội, sự thay đổi rõ nét nhất có lẽ vẫn là khoảng cách giàu nghèo: khoảng cách giữa các nước giàu với các nước nghèo vốn đã xa lại càng xa hơn khi khoảng cách về tốc độ tăng trưởng của các nước nghèo với các nước giàu bị thu hẹp lại.
Và trong một xã hội, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng sẽ gia tăng. Bên cạnh lý do suy thoái còn có sự đóng góp bởi nhóm nghèo mới do nguồn thu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Có nhiều người nghèo đói và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác như tăng tệ nạn, giảm tỷ lệ phổ cập giáo dục, giảm tuổi thọ, tăng nhu cầu chăm sóc y tế…
Chính trị
Về chính trị, dịch bệnh kéo con người lên mạng và khiến cho mỗi cá nhân bị bộc lộ nhiều hơn. Điều này tạo cơ màu mỡ cho những hệ thống giám sát toàn dân phát triển.
Bên cạnh đó, tinh thần chống dịch như thời chiến cũng khiến các chính sách, hành vi can thiệp thô bạo có cớ gia tăng.
Cộng thêm với việc các nước dân chủ lớn nhất lại bị Covid nặng nhất cũng làm củng cố lý do để những ý kiến ủng hộ mô hình tập quyền kỹ thuật số trỗi dậy.
Yuval Noar Harari, tác giả cuốn lược sử loài người đã có bài viết mô tả về hệ thống giám sát dưới da ở các nước phát triển và lo ngại những biện pháp cực đoan thời chiến sẽ bị lạm dụng bởi các chính phủ tập quyền.
Mô hình tập quyền kỹ thuật số vốn đã manh nha từ trước đại dịch thì sau đó càng có cơ hội phát triển . Dù ít hay nhiều, chúng ta cũng đang chứng kiến một thế giới ít dân chủ hơn sau đại dịch, và rất có thể di chứng đó sẽ kéo dài trong nhiều năm sau nữa.
Sau hơn một năm đại dịch, chúng ta đã chứng kiến biết bao mất mát, đau thương và những đổi thay không thể vãn hồi.
Gạt qua một bên những hậu quả tiêu cực, có thể nói đại dịch tạo nên một sự huỷ diệt sáng tạo, như một cú đạp của Mẹ tự nhiên đau điếng, đẩy nhân loại vọt lên phía trước ít nhất 50 năm.
Cùng nhìn trước những xu hướng tương lai, mỗi người sẽ tự hỏi bản thân, mình sẽ làm gì để tận dụng được những cơ hội và né tránh những nguy cơ sẽ đến trong những năm tới?
Chia sẻ của Hung Dang (Blue whale)
Bài viết có tham khảo từ các nguồn
1. “Một biên niên sử về virus: Từ những thiên thần của tiến hóa tới cơn ác mộng COVID-19”. Thanh Long, báo Pháp luật và bạn đọc.
2. Statista, https://www.statista.com/…/worldwide-fatality-rate-of…/
3. Estimating the reproductive number R0 of SARS-CoV-2 in the United States and eight European countries and implications for vaccination: https://www.sciencedirect.com/…/pii/S0022519321000436
4. COVID-19 complication rates far higher than for flu; open windows, partitions advised for classrooms. Nancy Lapid, https://www.reuters.com/…/uk-health-coronavirus-science…
5. Researchers Predict Long Term Effects of Pandemic in New Study. https://www.nbclosangeles.com/…/researchers…/2448349/
6. Yuval Noah Harari: “Thế giới sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19?”. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/…/yuval-noah-harari-the-gioi-se…
7. COVID-19 hits the biggest democracies the hardest. But why? https://www.japantimes.co.jp/…/covid-19-democracy…/