BÀI 1 TRONG SERIES “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ“
Tôi đã gặp ít nhất 4 công ty 2 ở Bắc Ninh và 2 ở Hà Nội. Cả 4 đều có 1 điểm chung đó là khi tôi hỏi có cơ cấu tổ chức được viết ra thành văn bản không thì đều ú ớ bảo chưa có. Cái họ có là ở trong đầu. Chỉ duy nhất 1 trong 4 công ty đó là có nhưng là bản vẽ ra cho đẹp dùng để mang đi đấu thầu.
Tôi thấy hơi lạ nên thường hỏi kỹ: Thế công ty vận hành thế nào nếu không có phân cấp phân quyền. Họ chia sẻ rằng việc phân cấp đó bằng miệng và thống nhất với nhau qua chat hoặc email. Có chat hoặc email cũng là khá. Tuy nhiên khi tôi tiếp tục hỏi: “Anh có lưu trữ file đó thành 1 folder ở đâu không?”. Câu trả lời: Không.
Vậy đó, công ty mới thường luôn thấm nhuần khẩu quyết: Cứ kiếm được tiền nuôi thân đã, các việc khác tính sau. Tôi cũng hay khuyên những ai đang định khởi nghiệp như vậy. Quan tâm tới Quản trị Nhân sự làm gì khi mà tiền chưa có.
Tiếc thay Quản trị Nhân sự là những công việc liên quan đến con người. Ở đâu có con người, có tổ chức thì người đứng đầu vẫn phải quan tâm tới Quản trị nhân sự. “CEO nên làm gì về Quản trị Nhân sự?”, quan điểm của tôi là:
- Quản trị nhân sự là tất cả hoạt động giúp nhân viên đạt được mục tiêu. Quản trị nhân sự xoay quanh: TUYỂN – DẠY – DÙNG – GIỮ
- Muốn Quản trị nhân sự tốt thì CEO cần phải có:
- Kỹ năng – kiến thức Quản trị nhân sự
- Hệ thống Quản trị nhân sự tốt
Tôi chia sẻ cũng được hơn 13 bài viết xoay quanh chủ đề: Quản trị nhân sự cho CEO. Và tối nay, tôi muốn tiếp tục cùng mọi người trao đổi về một công cụ Quản trị nhân sự vô cùng đơn giản nhưng thường là không có với các công ty mới được vài năm: Cơ cấu tổ chức và Mô tả công việc.
Thực tế, các công ty mới khởi nghiệp sẽ chỉ ang áng đôi ba dòng Mô tả công việc cho mọi người rồi, tất cả cùng bắt tay vào làm. Việc gì cũng làm cả. Công ty phát triển, mọi việc rối tung lên. Thế là cả công ty lại chung đầu vào để giải quyết bài toán hệ thống.
Tất nhiên lúc này, công ty cũng phải lơn lớn tầm 30 – 40 nhân viên trở lên. Chứ công ty tầm 20 nhân viên đổ lại thì họ cũng không cần. Tôi có anh bạn học cùng MBA làm CEO cho 1 công ty triển khai và thiết kế hệ thống điện.
Hỏi thì anh nói cái gì cũng không có. Nhưng khi đề xuất anh triển khai xây dựng hệ thống Quản trị nhân sự thì anh rất thờ ơ mặc dù anh công nhận nó tốt. Có thể kiến thức của anh đủ và cũng có thể với quy mô công ty như vậy, mọi thứ đều bình thường không rối rắm. Mọi thứ trong tầm kiểm soát của anh. Nhưng tin tôi đi, chỉ cần anh tuyển thêm hơn chục người nữa thôi, anh sẽ lại giống như 4 CEO mà tôi đã kể ở trên.
Quay trở lại việc tư vấn các công ty cần xây dựng lại hệ thống Quản trị nhân sự, tôi sẽ bắt đầu bằng việc cùng với CEO phác thảo lại sơ qua Cơ cấu tổ chức của công ty. Sau đó chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp (chuyển phòng ban về đúng khối).
Khối Quản lý hỗ trợ gồm phòng ban gì, khối kinh doanh gồm phòng ban gì, khối sản xuất gồm phòng ban gì. Sau khi có bản phác thảo Cơ cấu tổ chức cuối cùng, tôi lại tiếp tục ngồi Định biên: Ai ở đâu và cần bao nhiêu người. Cơ cấu tổ chức và định biên sơ qua xong là đến phác thảo Mô tả công việc cho từng vị trí trong cơ cấu đó.
Haizz. Thành thật xin lỗi vì tôi hơi lan man. Thế tóm lại: Công ty có cần MTCV và cơ cấu tổ chức không? . Với tôi, một kẻ chuyên về Quản trị nhân sự thì tôi khuyên nên có. Hãy phác thảo sơ qua rồi vẽ ra một bản word hay excel gì đó một cái cơ cấu tổ chức cho đứa con mình đẻ ra (công ty).
Đây chính là cái nhìn xa. Khi có bản thiết kế, chúng ta sẽ dần tìm người để lấp dần các vị trí. Cơ cấu tổ chức cũng cho nhân viên biết họ có thể đi đến đâu trong tổ chức để phấn đấu. Đó là 2 cái lợi đầu tiên.
Về sau, đa phần các công ty sẽ đi theo chiến lược cạnh tranh chi phí thấp. Và lúc đó cơ cấu tổ chức sẽ thiên hướng theo chức năng. Cơ cấu tổ chức và MTCV sẽ giúp cho việc chuyên môn hóa tiết kiệm chi phí, tránh sự chồng chéo trong công việc. Và tránh cả việc đù đẩy, “đá bóng” công việc cho nhau. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ tối ưu được hiệu quả công việc thông qua sự phân công rõ ràng.
Có cơ cấu tổ chức, dần dần sẽ có phân quyền. Có phân quyền sẽ có phân trách nhiệm. Từ đó giúp cho CEO sẽ dần không ôm đồm công việc. Đây có lẽ là mục tiêu lớn của CEO. Ai cũng thích vậy cả. Và hi vọng rằng tôi sẽ không còn phải nghe câu: “Anh phải ôm tất”.
Đừng như những anh bạn tôi, là CEO nếu chưa có Cơ cấu và MTCV, hãy gạch vài dòng. Có sẽ tốt hơn không. Có, tuân theo những cái gạch đó thì còn tốt hơn nữa.
Chúc mọi người không phải đau đầu về bài toán hệ thống quản trị nội bộ.
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường
Đọc thêm các bài viết trong series “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”:
- Bài #2: Có bao giờ anh chị nghĩ, cofounder – người đồng cam cộng khổ của mình sẽ từ bỏ?
- Bài #3: ESOP công cụ giúp công ty phát triển 2 – 3%
- Bài #4: Không có quy trình công ty vẫn hoạt động ngon cho đến khi CEO nhìn lại …
- Bài #5: Quản lý bộ phận đã làm hết việc của mình chưa?
- Bài #6: Làm cách nào để khắc chế việc nhân viên vẫn tự nhảy ra ngoài, mang theo khách hàng của công ty và làm ăn riêng?
- Bài #7: CEO muốn QTNS tốt, hãy bắt đầu từ việc vẽ cho xong 3 bức tranh sau…
- Bài #8: Đã bao giờ CEO dùng BSC và họp chiến lược với toàn bộ các trưởng bộ phận?
- Bài #9: Cứ 70 người trở lên là cần 1 người phụ trách QTNS và công việc của họ là gì?
- Bài #10: Văn hóa chuyện nhỏ từ cái số tay và nội quy
- Bài #11: Điều chỉnh hành vi, văn hóa bằng các chỉ số đánh giá kết quả công việc?
- Bài #12: 9 tín hiệu để đuổi trưởng phòng nhân sự của công ty bạn?
- Bài #13: Chế độ làm việc linh hoạt hay toàn thời gian cố định?
- Bài #14: Quy trình – lá bùa hộ mệnh cho lời nguyền “em không biết”
- Bài #15: Tổng hợp các công cụ cần thiết quản trị nhân sự