Mục lục
Chào cả nhà, Lập Nghiệp có rất nhiều anh em kinh nghiệm lâu năm trong ngành và cũng là chủ của nhiều Shop đình đám, nổi tiếng trong cộng đồng người bán tại Shopee.
Nhưng mấy ai biết được những khó khăn và câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của họ.
Lập Nghiệp sẽ là cầu nối giúp các Shop hiểu hơn hành trình kinh doanh nào cũng khó khăn và cần sự nỗ lực, kiên trì của tất cả mọi người. Hôm nay, cùng đến với những chia sẻ của anh Nguyễn Quang Ninh – chủ nhãn hàng Thời Trang AKUBA với doanh thu hàng trăm triệu/tháng.
Câu chuyện từ những ngày đầu bén duyên với nghề
AKUBA thành lập từ 2014 với gần 10 năm kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang Nam, nữ, trẻ em, đầm bầu. Từ nhỏ, anh Ninh đã được phụ cùng bố mẹ bán quần áo con nít ở lề đường gần chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận).
Anh còn nhớ như in cứ mỗi khi nghe tiếng: “Công an, công an…” hay đô thị í o đầu đường là 2 mẹ con mỗi người cầm một đầu lùa vô nhà dân xin để tạm đồ.
Rồi cũng may mắn, cô chú chủ nhà hay cho để nhờ đồ dễ thương lắm để lại mặt bằng cho thuê khi cô chú đi định cư.
Nhưng khổ nổi chỉ kinh doanh được một thời gian rồi cũng bị người thân của cô chú chiếm đoạt mặt bằng để sở hữu riêng. Lo lắng và lúng túng lúc ấy, cả nhà mới làm quả liều là hỏi thuê đại cái mặt bằng mặt tiền trên đường Lê Văn Sỹ mà họ không dán bảng cho thuê. Không ngờ may mắn lại nhận được cái gật đầu với cái mặt tiền có vị trí đẹp giá lại rẻ nữa.
Thời điểm ấy, cả nhà chọn kinh doanh mặt hàng thời trang nữ, đi mua hàng về bán lại. Mấy anh em thay nhau ra làm hết các nhiệm vụ như giữ xe, nhập hàng, bán hàng, dọn hàng .Thời điểm năm 2010 khi hoạt động buôn bán ổn định một thời gian, anh lại mở thêm mảng thời trang nam (B2C).
Lúc ấy cũng tự đi Trung Quốc nhập hàng về tự bán, thế là từ bán lẻ truyền thống được 3 năm, anh quyết định chuyển qua bán buôn (B2B) thuê mấy gian hàng trên trung tâm thương mại An Đông Plaza để phân phối sỉ vào năm 2013.
Công việc thuận lợi, dần dần vào guồng, anh lại mở rộng thành lập thêm một công ty sản xuất may mặc ở trong nước với mục tiêu chủ động được mẫu mã và hàng hoá theo ý mình (F2C). Lúc đó, tuy tăng trưởng rất nhanh, nhưng anh nhìn ra được vấn đề rằng làm B2B sẽ không bền vững.
Vì chả có lý do gì để khách hàng họ nhớ đến mình và sắp tới họ muốn tiếp tục đồng hành với mình khi xung quanh mình ai cũng bán những mặt hàng giống y mình. Khi đó khách hàng vẫn rất chuộng hàng nhập Quảng Châu vì đa dạng và mẫu mã, giá cả là rẻ so với thị trường.
Thế là anh bắt đầu mày mò làm thương hiệu riêng và thời điểm gian truân bắt đầu.
Mở một cánh cửa mới với nhiều cơ hội mới
Một bước dấn thân vào mảng retail online với mong muốn làm hệ thống mới chuyên nghiệp và mở rộng hơn.
Lúc ấy, kiến thức quản trị về retail lại không nhạy như buôn bán, nên anh đã thí điểm khá nhiều showroom. Đến đầu 2019, anh mới nhận thấy tiềm năng của thị trường kinh doanh online và sàn TMĐT. Nhưng kiến thức về sàn và việc kinh doanh online khi đó là con số 0. Thế là anh phải vừa mày mò tìm hiểu vừa tranh thủ tìm đồng đội đồng hành.
Ngày đầu bán hàng với mục tiêu đơn giản là đăng sản phẩm lên để cho nhiều người họ search google ra rồi thấy mình là vui rồi, chỉ với mục đích có gian hàng cho bằng người ta. Nhưng không ngờ nó lại ra đơn vì sàn TMĐT đang khuyến khích các shop lên Sàn, thế nên nhận được hỗ trợ khá tốt, đặc biệt đối với các Shop Mall.
Thời điểm ấy khó khăn lớn nhất là thiếu nhân sự có kiến thức về sàn, vì anh tuyển đa số là nhân viên bán hàng hay cửa hàng trưởng rồi cho các bạn ấy tự tìm hiểu tự học và tự làm. Mặc dù vậy, shop vẫn có đơn. Nhiều lúc, đơn đổ về rất nhiều, thế là từ ý định ban đầu mở Shop xem như thế nào và giờ là có doanh thu hẳn hoi, xong cuối tháng, tổng kết cũng trên cả trăm triệu cho mỗi gian.
Nhưng đời không như là mơ… xem báo cáo P&L lại thì lỗ vì toàn giảm giá và giảm rất sâu (cái này chắc nhiều anh em cũng gặp phải). Được cái là sàn hiển thị những báo cáo phân tích khá chi tiết, để người bán có thể điều chỉnh lại chiến lược phù hợp nhất.
Đặc biệt là ấn tượng với sàn Shopee báo cáo khá chi tiết. Từ đó, anh thấy một sự thật rõ ràng là nếu mình không đủ lực hay ngân sách để đầu tư mở showroom hoặc đầu tư làm MKT thì việc sử dụng tư duy chiến lược là đứng sau lưng những người khổng lồ như các sàn TMĐT là việc cần nghiêm túc để đầu tư và tận dụng.
Anh cho rằng: “Vì chúng ta thuê nhà luôn phải trả tiền hàng tháng, cho dù có dịch bệnh phải đóng cửa hay tình hình kinh doanh không thuận lợi, và việc bị lấy lại mặt bằng hay tăng giá là điều tất nhiên.
Ngoài ra, chúng ta có kinh doanh thuận lợi thì việc chúng ta tự vận hành 100 – hay 1000 đơn hàng 1 ngày chúng ta cũng cảm thấy rối hay quá sức rồi. Thử xem: 1000 cuộc gọi xác nhận giao hàng + 1000 lần đặt ship nghĩ thử nó vất vả thế nào.
Còn việc chúng ta định hướng rõ kinh doanh online trên sàn thì nó sẽ giảm tải ở khâu vận hành khá nhiều. Chúng ta chỉ cần soạn hàng, đóng gói và xác nhận đơn trên app mà thôi. Nhiêu đó đủ để chúng ta có thể tự đánh giá lại là cái nào thuận tiện hơn.”
Dịch bệnh – thử thách cho tất thảy, nốt trầm để cả bản nhạc thăng hoa
Trong giai đoạn dịch bệnh hiện tại khó khăn lớn nhất đối với các Shop lúc này đó là sự hoang mang về phần giao hàng, liệu bán hàng có giao hàng được không? Và khi mọi thứ không chắc chắn thì các shop không dám đặt trữ hàng tồn kho, hoặc nếu có đặt thì cũng quá muộn vì hiện tại đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cơ sở sản xuất thì không có nguyên liệu đầu vào, công nhân thì bỏ về quê vì không trụ được ở trong thành phố. Chính lúc này việc của chúng ta phải hình dung được là nhu cầu sẽ rất lớn sau thời gian nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội. Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Cầu lớn nhưng cung bị đứt mạch thì các shop lại mất đi cơ hội lúc đó.
Nên chúng ta lúc nào cũng phải có kế hoạch hàng hoá cho các giai đoạn sau và sau nữa. Không nhiều thì ít nhất cũng phải có kế hoạch dự phòng.
Anh Ninh cũng chia sẻ: “Lúc này việc của AKUBA hay các doanh nghiệp (SME) cần phải làm là sự thích ứng nhanh nhất có thể. Vì bộ máy chúng ta chưa quá cồng kềnh nên có thể linh hoạt hơn trong việc xoay chuyển về dòng hàng, về cách bán hàng.
Nhớ có một kỉ niệm vui khi mà shop đang tái cấu trúc lại gian hàng ở trên Shopee. Nhân viên thì phải làm việc ở nhà. Mình phải tự làm mọi thứ từ làm model cho sản phẩm, retouch hình ảnh, livestream bán hàng.
Dù ban đầu cảm thấy ngại, khó nói, hay không quen nhưng một khi mình đã chịu làm nó liên tục và liên tục, rồi cũng thành thói quen luôn. Đến nỗi khách còn nhớ tên mình mỗi khi mình lên live, lúc đó vui lắm các bác ạ.
Người ta nói may mắn luôn ở xung quanh chúng ta, luôn hiện hữu ở mọi nơi. Bạn có nghĩ thế không ? Mình nghĩ may mắn là do bản thân mỗi người chúng ta tạo nên và biến nó thành may mắn mà thôi.”
Có ai thấy hình ảnh của mình trong đó không? Cô thấy gì chứ khó khăn thất bại, lỗ vốn vì sale mạnh tay thì chắc Shop nào cũng gặp phải, nhưng mấy ai lạc quan và tiếp tục đứng lên từ thất bại của mình nè.
Chia sẻ của Nguyễn Quang Ninh