Chiến Tranh Thương Mại Mỹ-Trung Và ABC Về Thương Mại Quốc Tế

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu từ tháng 7/2017 khi hai nước này không đạt được thoả thuận về các biện pháp nhằm cân bằng thương mại, vừa mới có bước leo thang vào thứ 2, ngày 13/5, Bắc Kinh cho biết sẽ tăng thuế suất thuế nhập khẩu từ 10% lên 20-25% đối với lượng hàng hoá có giá trị 60 tỷ đô la nhập khẩu từ Mỹ bao gồm các mặt hàng như bia, quần áo và khí ga hoá lỏng.

Đây là hành động đáp trả của Trung Quốc đối với tuyên bố đưa ra hôm thứ 6 tuần trước, ngày 10/05, của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ áp thuế lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là phụ tùng ô tô.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã áp thuế 25%, tăng từ mức 10% áp dụng năm ngoái, đối với 50 tỷ đô la hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Lệnh tăng thuế suất trên của hai bên về cơ bản là chưa có tác dụng ngay đối với cán cân thương mại

Vì trong khi Trung Quốc tuyên bố thuế suất 25% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2019 thì Chính quyền Trump chỉ áp dụng thuế suất mới với các lô hàng hoá bắt đầu rời cảng Trung Quốc xuất đi Mỹ từ ngày 10/5/2019, tức là phải sau 4 tuần nữa mới cập cảng và làm thủ tục thông quan tại Mỹ.

Đây là động thái được coi là để mở đường cho những nỗ lực đàm phán cuối cùng trước khi việc leo thang trở thành thực tế. Tuy nhiên, dự kiến cuộc chiến này chưa đến hồi kết thúc khi Trung Quốc cho rằng Mỹ không nhìn vấn đề một cách bình đẳng mà đang chơi “tay trên”, trong khi Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ không bao giờ xuống nước, tin tưởng rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng để lấy lại vị thế siêu cường số 1 thế giới của mình.

Bằng chứng là Trung Quốc đang cân nhắc sử dụng lá bài về dự trữ ngoại hối để đối phó với tình trạng thâm hụt cũng như tác động lên tỷ giá hối đoái nhằm kéo dài chiến tranh.

Còn ở phía bên kia, cũng trong ngày thứ 2 vừa qua, Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (OUSTR) đã công bố thêm một danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị lên tới 300 tỷ đô la dự kiến sẽ được đưa vào áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 25% để lấy ý kiến công luận, mở đường cho việc áp dụng.

Trong khi chờ các diễn biến tiếp theo, bài viết này cố gắng diễn giải một số vấn đề cơ bản trong thương mại quốc tế theo cách dễ hiểu nhất để giúp các bạn theo dõi cuộc chiến một cách ‘thú vị’ hơn (đúng ra không thể nói là thú vị, vì cuộc chiến này ảnh hưởng trực tiếp tới nồi cơm của mỗi chúng ta!).

Trước hết, thương mại quốc tế là việc nước buôn bán, trao đổi để khai thác lợi thế tương đối của nhau nhằm đạt tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực của mình phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Theo đó, những nước có lợi thế về nhân công giá rẻ như Trung Quốc sẽ sản xuất các mặt hàng đòi hỏi nhiều sức lao động và xuất khẩu sang các nước kém lợi thế hơn như Mỹ. Đổi lại, Mỹ, là nước không có lợi thế về nhân công giá rẻ nhưng có trình độ khoa học công nghệ phát triển hơn, sẽ sản xuất những hàng hoá có hàm lượng chất xám cao để xuất khẩu khẩu sang các nước không có lợi thế bằng ví dụ như Trung Quốc.

Nôm na là Mỹ không thể bắt giáo sư đứng máy để sản xuất phụ kiện cho iPhone của họ – họ cần công nhân Trung Quốc, trong khi Trung Quốc một mặt cần tạo công ăn việc làm cho hàng tỷ lao động, mặt khác muốn thông qua việc gia công hàng hoá cho Mỹ mà học hỏi về công nghệ và các quy trình sản xuất hiện đại để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Như vậy, thương mại quốc tế có lợi cho cả hai bên.

Tuy nhiên, để việc trao đổi được xảy ra phù hợp với chiến lược phát triển, với tình hình kinh tế của mình, các nước đã tạo dựng lên các loại hàng rào nhằm “thắt mở”, điều tiết dòng hàng hoá chạy vào (nhập khẩu) và ra (xuất khẩu).

Các loại hàng rào cơ bản nhất trong thương mại quốc tế gồm: giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Hàng rào thuế quan (tariff barriers) là các mức thuế suất thuế nhập khẩu (import tariff) được đánh vào hàng hoá nhập khẩu nhằm mục đích làm cho hàng hoá nhập khẩu có giá đắt hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước.

Đây là biện pháp nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa, bên cạnh mục đích lớn không kém là thu ngân sách nhà nước. Còn hàng rào phi thuế quan (non-tariff barriers) là các biện pháp như tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS).

Việc đánh thuế nhập khẩu được thực hiện bằng hai cách chủ yếu là:

  • (1) thuế quan theo đơn giá hàng (ad valorem tariff), tức một tỷ lệ phần trăm nào đó trên giá trị hàng hoá: ví dụ thuế suất 10% đối với mặt hàng A có giá nhập khẩu là 200 đô la sẽ làm cho giá của nó khi nhập khẩu vào nước đánh thuế tăng lên thành 220 đô la (200 đô + 10% * 200 đô);
  • (2) thuế quan cụ thể (specific tariff): ví dụ thuế suất 10 đô la trên 1 tấn hàng. Trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hai nước đang áp dụng “ad volarem tariff” ở mức 20-25% để hạn chế nhập khẩu hàng hoá của nhau.

Tin vào chủ nghĩa thương mại tự do, các nước đã lập ra một thiết chế có vai trò tạo lập và giám sát thực thi luật chơi chung để đảm bảo quyền lợi cho các thành viên khi tham gia thương mại quốc tế, đó là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Đây là tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy tự do hoá thương mại.

Các thành viên khi tham gia đều phải cam kết mở cửa thị trường cho hàng hoá của các nước thành viên khác được “tự do” thâm nhập và cạnh tranh bình đẳng với hàng hoá sản xuất nội địa.

Bên cạnh đó, trong vài thập kỷ trở lại đây, kể từ WTO gặp bế tắc trong việc đàm phán mở cửa thị trường hơn nữa, đặc biệt là thị trường nông sản (vòng đàm phán Uruguay), thì có một xu hướng nổi lên là các nước khởi động đàm phán và ký kết song phương, đa phương nhiều hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA).

Hiệp định thương mại tự do có thể hiểu nôm na là thoả thuận mở cửa thị trường sâu và rộng hơn mức mà các nước đã cam kết trong khuôn khổ WTO. Việc Việt Nam đàm phán và ký các FTA với ASEAN (AFTA), ASEAN-Úc-Niu Di-lân (AANZFTA), Nhật Bản (VJEPA), Hàn Quốc (AKFTA), v.v… cũng nằm trong xu hướng này.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại là người không tin vào chủ nghĩa thương mại tự do. Và đó chính là lý do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một FTA được kỳ vọng là lớn nhất, cam kết mở cửa sâu rộng nhất từ trước đến nay, khi Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”“làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc và thậm chí xung đột thương mại với cả những nước được xem là đồng minh của Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay láng giềng gần như Canada, Mexico.

Thâm hụt thương mại là nguyên nhân trực tiếp khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận và khai hoả cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc sau khi đàm phán thất bại vào năm 2017 như đã nói ở trên.

Theo số liệu 2018 của Mỹ, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên tới khoảng 540 tỷ đô la thì tổng kim ngạch xuất khẩu (hay nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ) chỉ đạt chưa 130 tỷ đô la.

Hiểu nôm na là trong khi Mỹ mua cho Trung Quốc hơn 5 đồng tiền hàng thì Trung Quốc chỉ mua cho Mỹ hơn 1 đồng, đồng nghĩa với việc Mỹ đang phải tiêu thụ nhiều hàng hoá hơn cho Trung Quốc.

Chưa kể là hàng của Trung Quốc vốn ‘nổi tiếng’ là chất lượng thấp và việc sản xuất hay vi phạm các điều ước quốc tế về điều kiện lao động (bạc đãi, sử dụng lao động trẻ em) và bảo hộ sở hữu trí tuệ (nạn đánh cắp bản quyền và bí mật thương mại).

Lập luận của những người ủng hộ Trump là tình hình thâm hụt thương mại với Trung Quốc không hề có dấu hiệu được cải thiện và ngày càng có xu hướng gia tăng đặc biệt từ năm 2001, là năm Trung Quốc gia nhập WTO và được hưởng những ưu đãi về mở cửa thị trường của Mỹ trong khuôn khổ này.

Diễn biến và kết cục của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào việc hai nước Mỹ-Trung cân nhắc lợi hại trên nhiều phương diện khác, đặc biệt là tình hình trong nước, nhưng nếu chỉ xét riêng về thương mại quốc tế, thì việc Mỹ đang thâm thủng thương mại nặng với Trung Quốc lại tạo ra lợi thế cho Tổng thống Trump trong việc sử dụng lá bài này.

Trong khi Trung Quốc chỉ có thể áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu để đánh vào khoảng 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Mỹ, thì Hoa Kỳ có thể làm việc này với 600 tỷ đô hàng hoá nhập khẩu từ China.

Rõ ràng trong cuộc chiến “đô la đối đô la” này, Hoa Kỳ đang ở thế thượng phong. Dự báo, bên cạnh chính sách thuế quan – vốn sẽ gây tổn thương cả cho nền kinh tế đang cần nhập khẩu công nghệ của mình – Trung Quốc hoặc sẽ sớm phải nhượng bộ trước Hoa Kỳ hoặc sẽ phải sẽ phải vận dụng đến những lá bài khác

Bao gồm cả việc sử dụng dự trữ ngoại hối để trị thương, dưỡng bệnh và can thiệp vào tỷ giá hối đoái – một công cụ điều tiết xuất nhập khẩu – nếu tình trạng chiến tranh kéo dài.

Chia sẻ của Nguyen Anh Tuan

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...