Mục lục
Anh ơi, công ty em trước giờ thả lỏng lẻo quá, giờ sếp muốn siết kỷ luật. Mình trừ tiền vi phạm KPI được không anh?
Chị ơi, nhân viên bên công ty em hay đi trễ quá nên sếp muốn có chính sách chế tài để xử phạt để mọi người đi làm đúng giờ hơn.
Kết quả sau khi chế tài:
- Nhân viên chờ đúng 17h là đứng lên về hết, việc còn hay không kệ, khách gọi điện thì báo hết giờ miễn tiếp.
- Rất nhiều người nghỉ làm, công ty mất hết người vào tay đối thủ.
Chất lượng công việc, dịch vụ tuột dốc thảm hại => Tần suất khách hàng chửi bới, nghỉ mua hàng tăng cao => Công ty Knock out.
Kỷ luật không sai nhưng cách làm không phù hợp đã khiến nhiều doanh nghiệp trả giá
Hãy đặt ngược bản thân mình vào vị trí nhân viên để hiểu tại sao khi đưa nhân viên vô kỷ luật lại phản tác dụng như vậy.
Ngay từ những ngày đầu cho đến trước ngày cưỡng bức thay đổi, cả công ty từ trên xuống dưới đều đi làm trễ, không chỉ có nhân viên mà cả sếp cũng vậy. Lâu dần mọi người sẽ tự cho rằng đây là “chính sách” của công ty, miễn sao làm việc có kết quả là được.
Đùng một cái “phúc lợi đi trễ” bị cắt đi một cách thô bạo bằng các quy định chế tài; thế là một đống tư duy tiêu cực ùa về. Nào là:
- Công ty chỉ chăm chăm bắt lỗi thay vì nhìn vào hiệu quả làm việc của mình. Vậy thì không thèm làm cố sống cố chết nữa.
- Công ty tính toán từng phút với mình à, vậy mình tính toán lại, coi ai lỗ.
- Ờ thì lên sớm nhưng nhây việc ra, ngồi chơi cho sướng chứ cần gì làm cho xong việc.
- Bắt lỗi đi trễ thì ngon lắm, sao lúc tui ở lại tăng ca cho xong việc, không ngủ trưa để họp hành theo dự án thì không cộng tiền vô.
Với tư duy kiểu này thì chất lượng, hiệu quả và tiến độ công việc đào đâu ra. Chưa kể nhiều công ty còn gặp những phản kháng rất mạnh từ những nhân viên cá tính hoặc bị đâm từ từ sau lưng nữa.
Giải pháp khi thay luật chơi giữa đường đua!
- Sẵn sàng cho chuyện thay máu ngay lập tức chứ không dở dở ương ương.
Giải pháp này tuy quá cứng rắn nhưng sẽ bảo vệ doanh nghiệp của bạn tránh rơi vô cảnh lây lan những hành vi tiêu cực và chịu hậu quả sau đó. Càng để lâu, càng không quyết đoán sẽ càng chết vì tư duy tiêu cực không chỉ lây lan nhanh mà còn biến thành hành vi tiêu cực trong một nốt nhac.
Khuyết điểm: Công việc ngưng trệ, tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo lại, đánh mất một vài cơ hội kinh doanh.
- Tạo ra KPI khen thưởng đủ lớn để kích thích số đông tuân thủ luật chơi mới, lọc bỏ dần những cá nhân không phù hợp.
Giải pháp này được xem là hiệu quả hơn rất nhiều vì không tạo ra sự xáo trộn trong công ty, không mất khách hàng, không mất cơ hội. Bên cạnh đó khi số đông bắt đầu tuân thủ luật chơi mới, thiểu số còn lại buộc phải tuân theo hoặc tự đào thải khỏi tổ chức.
Khuyết điểm: Nếu không cân bằng tốt “cây gậy và củ cà rốt” sẽ tạo ra đội ngũ không biết điều.
Lưu ý trước khi tiến hành
Một trong những vấn đề rất nhiều doanh nghiệp mắc phải là thay đổi theo cảm hứng, cảm tính của CEO. Trong khi lẽ ra phải cân nhắc thay đổi hay không dựa trên kết quả. Hãy tự đặt ra những câu hỏi sau trước khi tiến hành sự thay đổi:
- Nhân viên đi làm trễ có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hay không?
- Nhân viên đi làm trễ có ảnh hưởng đến tập thể hay không? Nếu ảnh hưởng thì ảnh hưởng vào lúc nào và không ảnh hưởng vào lúc nào?
- Thả lỏng giờ giấc cho nhân viên và siết chặt lại thì cái nào mang lại kết quả cao hơn? Cách nào hợp với mô hình kinh doanh, đặc thù nghề nghiệp của từng vị trí?
- Nếu siết chặt giờ giấc thì có mất khách hàng, có tuột kết quả kinh doanh hay không? Giải pháp dự phòng là gì?
Mọi sự thay đổi chỉ nên tiến hành nếu mang lại kết quả “Nhiều hơn, tốt hơn, nhanh hơn với ít chi phí hơn”; còn nếu không thì thay đổi để làm gì cho lãnh hậu quả ngược. Tiếc là rất nhiều HR làm như một cái máy theo lời sếp mà không hề đặt câu hỏi về mục tiêu để tư vấn ngược lại; còn sếp thì đang hơi khó ở nên tùy hứng rồi cả công ty lãnh đủ.
Một chút lèm bèm nhưng không trượt phát nào
Sales là nghề đòi hỏi cái đứa có tố chất hư, lầy, hướng đến kết quả, kỷ luật phải dựa trên trên quy trình bán hàng và doanh số chứ không phải giờ giấc làm việc (Trừ chuyện phải đúng giờ với khách hàng, phải đúng dealine, phải đúng lịch họp).
Vậy mà nhiều công ty lại đi áp cái vụ quản lý thời gian một cách cứng nhắc lên sấp nhỏ bằng cách “Sáng phải đến công ty chấm công lúc 8h, chiều phải về công ty chấm công lúc 17h”. Cái đứa nghe lời răm rắp và ngoan ngoãn chơi theo luật này chắc chắn không bán được vì “ngoan răm rắp” chưa bao giờ là tố chất của chiến binh. Còn cái đứa bán được thì chắc chắn sẽ nghỉ sớm. Vậy thì áp lên làm gì khi kết quả không có?
Sẽ có người nói “Nếu không làm vậy lỡ tụi nó trốn việc đi chơi?”. Câu trả lời này chứng tỏ “Công ty không có quy trình bán hàng chuẩn và không có hệ thống kiểm soát hiệu quả” nên mới phải đi quản lý bằng công cụ rất không hiệu quả rồi cầu may ra kết quả (Sẽ đề cập chi tiết cách kiểm soát Sales không cần quản lý thời gian ở bài khác, dự kiến năm 3000 sẽ viết)
Rồi có CEO nọ rất tức cười, bắt nhân viên phải đi làm đúng giờ, trễ 30 giây sẽ vẫn trừ lương như thường nhưng buổi chiều đứa nào về đúng giờ là mặt nặng, mày nhẹ, nói mát mẻ. Trong khi đứa tăng ca thì không có một xu OT. Quản lý kiểu tham lam, bốc hốt nên cuối cùng nhân viên bỏ đi hết, chỉ có đứa vô tích sự ở lại nên công ty sập cmn tiệm.
Khôn thôi, đừng khôn quá. Cái gì cũng muốn, cái gì cũng đòi nhưng không bao giờ muốn chi ra thì ai chơi lại. Thiếu gì công ty ngoài kia, mắc gì người lao động phải làm việc với sếp bủn xỉn như thế.
Làm sao để công ty có kỷ luật mà không cần hai giải pháp trên nhưng kết quả lại vượt trội ?
Hãy làm ngay từ đầu. Hãy đưa kỷ luật trở thành luật chơi của công ty, trở thành văn hóa của công ty từ những ngày đầu thành lập để lựa chọn đúng ngay nhân tố phù hợp. Sếp làm, những người đầu tiên làm thì tất nhiên cái lứa vô sau sẽ phải làm hoặc tự lên đường. Mà cho hỏi xíu, sếp đã làm gương chưa và công ty đã “Xây dựng văn hóa” chưa hay còn chần chừ ?
Chia sẻ của nguyen thanh phong