Mục lục
BÀI 7 TRONG SERIES “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ“
Sáng sớm dậy, sau khi làm một số thủ tục cá nhân, thế nào tôi lại đọc được 1 tài liệu của anh Bá Anh: Mô hình Ma trận Boston. Thấy hay quá, tôi định viết một bài với nội dung tóm tắt chia sẻ: từ chiến lược ra bản đồ chiến lược, từ bản đồ cl ra thẻ điểm cân bằng.
Tuy nhiên ngẫm đi ngẫm lại thì tôi thấy mình chỉ là thằng Quản trị nhân sự chứ không phải tư vấn Chiến lược nên kiến thức về chiến lược thì có thể biết nhưng giỏi như tư vấn chiến lược thì đúng là như con bọ lẫn trong ao bèo.
Dù “cái bụng” của tôi bảo rằng mình kém thì nên “dựa cột mà nghe”, còn biết thì hãy “thưa thốt” nhưng tay thì bảo “dấu dốt thì mãi cứ dốt”. “Tay” và “Bụng” cứ cãi nhau suốt. Sau cùng thì “tay” đã nhanh hơn “não”, tôi quyết định gõ vài dòng chia sẻ chút ít kiến thức của mình với hi vọng sẽ có cao nhân về chiến lược vào chỉ điểm cho bản thân giỏi hơn.
Có chiến lược, muốn thực thi các chiến lược, chúng ta sẽ dùng BSC (thẻ điểm cân bằng). Tuy nhiên trước khi vào lập các chỉ số trong BSC, có một việc chúng ta cần phải làm. Đó chính là vẽ Bản đồ chiến lược. Điều kiện có bản đồ chiến lược là chúng ta cần có các chiến lược.
Tức chúng ta có: Chiến lược tổ chức > đến > Chiến lược bộ phận > đến > Bản đồ chiến lược > đến > BSC (KPI toàn công ty) > đến > KPI bộ phận > đến > KPI cá nhân.
Bản đồ chiến lược như cái tên, nó cho ta thấy được mối quan hệ nhân và quả giữa các chiến lược với nhau. Không một chiến lược nào được sinh ra chỉ để cho vui. Chúng được sinh ra để giúp cho công ty, tổ chức đạt mục tiêu.
Chúng ta vẽ Bản đồ chiến lược trên ma trận của các viễn cảnh phát triển tổ chức. Các viễn cảnh này tùy vào tổ chức sẽ có số lượng khác nhau. Có nơi thì có 4 có nơi thì 6. Rồi cả tên gọi cho các viễn cảnh cũng khác. Người thì gọi là viễn cảnh Quy trình, người thì gọi đó là viễn cảnh Sản phẩm.
Cụ thể hơn, chúng ta hãy cùng tưởng tượng vẽ 3 bức tranh.
Bức tranh số 1
Để tìm ra chiến lược công ty chúng ta cần phải phân tích. Một trong những phân tích đó chính là xác định điểm mạnh của Doanh nghiệp. Muốn xác định điểm mạnh, chúng ta dùng Chuỗi giá trị để làm điều đó.
Chúng ta đưa sản phẩm chạy qua Chuỗi giá trị để tìm xem ở khâu nào, cái gì là tốt nhất và tốt hơn đối thủ trên thị trường. Giá trị (hoạt động, điểm) vượt trội của doanh nghiệp so với đối thủ chính là giá trị cốt lõi. Có giá trị cốt lõi chúng ta sẽ tìm ra được năng lực lõi của doanh nghiệp. Rồi từ đó chúng ta ra chiến lược của doanh nghiệp.
Tổng thể, doanh nghiệp sau khi phân tích sẽ chọn tổ hợp trong 3 chiến lược:
- Phát triển
- Ổn định
- Rút lui
Giả sử, Doanh nghiệp chọn chiến lược phát triển. Vậy Doanh nghiệp sẽ phát triển như thế nào? Chúng ta dùng mô hình Ansoft để tiếp tục lựa chọn chiến lược. Từ chiến lược tổ chức, chúng ta ra các sản phẩm với các chiến lược cạnh tranh của từng sản phẩm.
Chiến lược cạnh tranh dẫn tới chiến lược nhân sự, marketing, sản xuất, tài chính… phù hợp theo nó. Chúng ta có thể dùng ma trận Boston để tìm ra chiến lược marketing và các chiến lược khác.
Để ra các chiến lược này, chúng ta cần phải có nhiều buổi làm việc nghiêm túc của hội đồng chiến lược. Đây chính là buổi họp đầu năm giữa CEO, tư vấn và các trưởng bộ phận.
Bức tranh thứ 2: Bản đồ chiến lược
Sau khi chúng ta xác định được các chiến lược, chúng ta cùng nhau nhặt các chiến lược đó đưa vào Bản đồ chiến lược. Ở trên đầu bản đồ sẽ là mục tiêu lớn nhất của tổ chức. Phía dưới là các viễn cảnh theo thứ tự từng hàng: Tài chính, Khách hàng, Quy trình, Đào tạo (4 viễn cảnh).
Hội đồng chiến lược sẽ cùng nhau nhìn từ chiến lược và trả lời các câu hỏi tuần tự:
- Để tổ chức chúng ta đạt mục tiêu thì cần có gì về mặt tài chính?
- Trả lời: Lợi nhuận
- Để có lợi nhuận thì cần làm gì?
- Trả lời: Cần có Doanh số và Giảm chi phí
- Để có Doanh số thì cần làm?
- Trả lời: Để có doanh số thì cần phải có được khách hàng thông qua việc đưa sản phẩm… vào thị trường… Thông qua chiến lược cạnh tranh…
- Để giảm chi phí thì cần làm gì?
- Trả lời: Để giảm chi phí thì cần …
Cứ như vậy, dựa vào bức tranh số 1: các (ý tưởng) chiến lược, chúng ta lần vẽ ra bức tranh khác: Bản đồ (nhân quả) chiến lược.
Bức tranh số 3: Khi có đường đi nước bước trong bản đồ
Hội đồng chiến lược sẽ cùng nhau tiếp tục nhặt và vẽ các chỉ tiêu để thực hiện chiến lược. Còn các con số của chỉ tiêu (xác định kết quả), chúng ta sẽ nhặt từ bức tranh số 1 và cơ sở dự liệu cộng các tính toán từ trước đó.
- Hoàn thành 3 bức tranh:
- Các (ý tưởng) Chiến lược
- Bản đồ (nhân quả) chiến lược
- Chỉ tiêu/ chỉ số kết quả/hiệu suất hoàn thành chiến lược
Là CEO đã có công cụ đầu tiên trong Hệ thống Quản trị nhân sự giúp việc quản lý tốt hơn.
Mọi người có thấy việc vẽ ra 3 bức tranh trên có dễ không? Với tôi, nói như bài viết sẽ rất dễ. Để làm được thì không đơn giản 1 chút nào.
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường
Đọc thêm các bài viết trong series “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”:
- Bài #1: Công ty có cần MTCV và cơ cấu tổ chức?
- Bài #2: Có bao giờ anh chị nghĩ, cofounder – người đồng cam cộng khổ của mình sẽ từ bỏ?
- Bài #3: ESOP công cụ giúp công ty phát triển 2 – 3%
- Bài #4: Không có quy trình công ty vẫn hoạt động ngon cho đến khi CEO nhìn lại …
- Bài #5: Quản lý bộ phận đã làm hết việc của mình chưa?
- Bài #6: Làm cách nào để khắc chế việc nhân viên vẫn tự nhảy ra ngoài, mang theo khách hàng của công ty và làm ăn riêng?
- Bài #8: Đã bao giờ CEO dùng BSC và họp chiến lược với toàn bộ các trưởng bộ phận?
- Bài #9: Cứ 70 người trở lên là cần 1 người phụ trách QTNS và công việc của họ là gì?
- Bài #10: Văn hóa chuyện nhỏ từ cái số tay và nội quy
- Bài #11: Điều chỉnh hành vi, văn hóa bằng các chỉ số đánh giá kết quả công việc?
- Bài #12: 9 tín hiệu để đuổi trưởng phòng nhân sự của công ty bạn?
- Bài #13: Chế độ làm việc linh hoạt hay toàn thời gian cố định?
- Bài #14: Quy trình – lá bùa hộ mệnh cho lời nguyền “em không biết”
- Bài #15: Tổng hợp các công cụ cần thiết quản trị nhân sự