Bài #7 trong Chương #4 “Giữ” của series bài viết “KỸ NĂNG – KIẾN THỨC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH ngoài mức lương, phụ cấp lương, còn có thêm các khoản bổ sung khác. Liệu có phải doanh nghiệp đang chịu gánh nặng quá lớn từ chi phí đóng bảo hiểm?
- 16 000 tỷ đồng – là số tiền nợ đọng bảo hiểm tính từ đầu năm cho đến nay
- 34% – là tỷ lệ đóng bảo hiểm, bao gồm cả 2% phí công đoàn
- 250 000 Doanh nghiệp – là số Doanh nghiệp tham gia bảo hiểm trên tổng số 560 000 Doanh nghiệp
Đây là câu hỏi và số liệu từ kênh VITV Phát sóng 19:45 ngày 17/09/2017. Hẳn anh chị em cũng đâu đó nghe thông tin này. Trong bài: “Doanh nghiệp nào mà chả có 3 bảng lương nhưng 2018 thì phải liệu hồn !!!” tôi cũng có đề cập rằng cơ quan Thuế, BHXH đang liên thông và cuối bài có để lại lời bình: Tôi thấy có người mách: “Luật quy định là thu 32% tổng lương (bao gồm cả các khoản phụ cấp khác).
Nhưng mọi người nên hiểu đó là thu nhập phát sinh hằng kỳ (hằng tháng, hằng tuần…). Vậy chúng ta không chi trả thường kỳ tổng thu nhập thực cho NLĐ nữa… Cách thao tác: Sửa đổi vs ban hành thang bảng lương mới luôn và ngay.”
Trong bài viết đó nhiều anh chị hỏi và cũng có anh chị trả lời nhưng có vẻ mọi người vẫn chưa thỏa mãn. Tôi cũng vậy. Cho đến gần đây tôi nhận được 2 thông tin này. Chắc sẽ hữu ích.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ có ghi: Tiền lương tháng đóng BHXH không phải là toàn bộ thu nhập. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị cơ quan chức năng xem xét giãn lộ trình đóng BHXH theo cách tính mới để doanh nghiệp chủ động trong tính toán chi phí hợp lý.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương và tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm tất cả các khoản phụ cấp, khoản bổ sung khác mà chỉ là một số khoản có thể xác định được trước và cố định hàng tháng. Nói cách khác, tiền lương tháng đóng BHXH không phải là toàn bộ thu nhập của người lao động như ý kiến gần đây của một số doanh nghiệp.
Mới trả lời Quốc hội (Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) xong, Ông Nguyễn Duy Cường – Vụ Phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) lại trả lời báo chí “KHÔNG đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên tổng thu nhập” từ 1/1/2018. Thông tin này trên Báo Dân Trí.
“Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mức đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập.
Tức là việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác” – ông Nguyễn Duy Cường nói. Theo đại diện Vụ BHXH tại cuộc họp, các nội dung đóng BHXH đã được quy định rõ tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
“Theo đó, chỉ những nhóm phụ cấp lương xác định được cùng mức lương, có tính thường xuyên và ổn định sẽ được tính đóng BHXH. Còn những khoản phụ cấp lương gắn với kết quả làm việc của người lao động và có tính biến động thì sẽ không tính đóng BHXH” – ông Nguyễn Duy Cường lý giải.
Tương tự với khoản bổ sung khác, Vụ phó vụ BHXH cho rằng: Chỉ những khoản được xác định cùng với tiền lương, có tính ổn định thì sẽ được làm căn cứ tính đóng BHXH. Với các khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.
Liệu có tin được không nhỉ? Tôi là chỉ tin vào giấy tờ văn bản có chữ ký con dấu thôi. Như đã nói ở trên, như vậy theo đó, sẽ có 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018. Nói dông nói dài, giờ quay lại phần bình ở trên đầu. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ bây giờ. Các bước làm nên là như này:
Bước 1: Làm lại quy chế lương (điều chỉnh bảng lương và cách trả lương) theo hướng chuyển dần những khoản cố định sang các khoản chế độ và phụ cấp không phải đóng BHXH.
- Lưu ý: Mức lương cao nhất để tham gia bảo hiểm:
- BHXH, BHYT không được cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu chung
- BHTN không được cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng
Mức lương nên trong khoảng từ Lương tối thiểu vùng đến 20 lần mức lương tối thiểu chung. Hiện lương tối thiểu vùng cho Hà Nội là 3,750,000 và mức lương đóng Bảo hiểm phải cộng thêm 7% đào tạo là 4,012,500 đồng. Lương tối thiểu chung là 1,210,000 đồng và đến 1/7/2017 là 1,300,000 đồng
Bước 2: Đăng ký lại quy chế lương và thang bảng lương với cơ quan quản lý và BHXH. Tất nhiên chỗ này chúng ta phải giải trình được tại sao lương lại giảm.
Bước 3: Công bố và duy trì.
Vậy là xong. Chúng ta vẫn chưa ngã ngũ đến khi có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước hẳn hoi. Giờ chúng ta tạm vây.
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Kiến Thức Quản Trị Nhân Sự – Kỹ Năng Giữ”
- Bài 1: Đừng Gọi Thưởng Cuối Kỳ Kinh Doanh Là Lương Tháng 13
- Bài 2: CEO Nên Lưu Ý Về Chỉ Số Tỷ Lệ Thôi Việc
- Bài 3: Tại Sao Anh – Giám Đốc – Lại Được Đóng BHXH Cao Hơn Em?
- Bài 4: Doanh Nghiệp Nào Mà Chả Có 3 Bảng Lương Nhưng 2018 Thì Phải Liệu Hồn!!!
- Bài 5: Đàn Chó Sẽ Chia Chiếc Bánh (Thưởng) Như Thế Nào Cho Công Bằng?
- Bài 6: Làm Gì Thì Nhân Viên Cũng Bỏ Ta Mà Đi Thôi???
- Bài 8: Công Ty Giữ Chân Nhân Viên Bằng Nợ Lương, Trả Thưởng Bằng Lương Nợ???
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường