Khi có nhiều sản phẩm, dịch vụ tương đương nhau, việc cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, cung cách phục vụ… sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp thu hút và giữ khách hàng chính bằng hệ giá trị cốt lõi của mình.
Hệ giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là nền tảng của toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả chiến lược, mô hình, cơ cấu và cơ chế quản lý điều hành, đội ngũ nhân sự…; và tất nhiên, trong đó có chiến lược cạnh tranh…
Khi một doanh nghiệp đề cao các giá trị cốt lõi và cam kết với các giá trị cốt lõi, thì đó cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, miễn là giá trị cốt lõi đó phù hợp với mong đợi của khách hàng và không đi ngược lại các giá trị phổ quát của cộng đồng.
Ví dụ, một doanh nghiệp coi trọng sự CHÍNH TRỰC, MINH BẠCH, CAM KẾT, thì trong toàn bộ hệ thống quản lý doanh nghiệp cũng như trong các mối quan hệ với bên ngoài (khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư…), 3 yếu tố này luôn được coi trọng và đề cao một cách THỰC CHẤT!
Đó chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nếu như các giá trị cốt lõi này là “inside out” (từ thực tâm mà ra), không phải “outside in” (lấy từ bên ngoài đưa vào), vì khi đó chúng là niềm tin, giá trị thật, bản chất thật của doanh nghiệp và con người trong doanh nghiệp.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp có những câu tuyên ngôn hoành tráng, nhưng không phải thực tâm, mà là bắt chước, copy “lời hay, ý đẹp” từ người khác để nói cho hay, nhưng trong thâm tâm, họ không coi trọng những giá trị đó (và sẵn sàng đánh đổi vì lợi ích khác).
Giá trị cốt lõi (từ thực tâm) là thứ đáng để tự hào vì đó chính là LƯƠNG TÂM của tổ chức (và những người đứng đầu tổ chức). Đặt niềm tin và thực hiện đúng hệ giá trị cốt lõi, ta sẽ không lo gì bị mất lợi thế cạnh tranh trong lâu dài, cho dù trước mắt, có thể khó khăn!
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long