Mình biết sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm này. Anh em cứ chia sẻ nhé. Biết đâu lại rút ra được nhiều góc nhìn. Mình vẫn luôn tâm niệm: “May mắn chỉ đến khi sự chuẩn bị gặp cơ hội”. Đặc biệt trong thời điểm này, nếu công ty luôn có các phương án dự phòng, thì sẽ giảm thiểu rủi ro và không thiếu cơ hội!
Quan trọng ai là người nắm bắt cơ hội đó thì đó sẽ là người chiến thắng. Covid-19 cũng như các rủi ro trong kinh doanh, vẫn luôn hiện diện mà không ai có thể đoán trước. Khác ở chỗ, Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành hơn.
Mỗi rủi ro (dịch bệnh, khủng hoảng…) bên cạnh việc gây tổn thất mà ai cũng nhìn thấy thì còn tạo ra cơ hội mới mà từ đó, những công việc mới, ngành nghề mới được sinh ra. Một ví dụ trong ngành may mặc, trong mùa dịch nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang có phần giảm trong khi sức mua khẩu trang tăng cao, nhiều công ty may mặc nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách tăng ca, chuyển xí nghiệp may thời trang phục vụ nội địa sang tập trung may khẩu trang.
Kết quả là, doanh thu tiêu thụ sản phẩm trong tháng 2-2020 của doanh nghiệp này đạt gần 289 tỉ đồng, tức tăng 69% so với cùng kì năm trước. Trong đó, doanh thu nội địa tăng 240% nhờ các đơn hàng sản xuất khẩu trang vải phòng ngừa virus Corona.
Mình còn nhận thấy, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ làm truyền thông thương hiệu rất tốt mà còn tuyên truyền thông điệp tốt tới cộng đồng. Vũ điệu rửa tay “Ghen Cô Vy” gây sốt thời gian qua được nhân viên của nhiều công ty cover lại.
Nhiều doanh nghiệp lồng ghép hình ảnh trụ sở, văn hóa công ty vào clip. Sự khác biệt, vui nhộn giúp lượt tương tác các clip này thường khá cao, mang đến hiệu quả truyền thông lớn, tiết kiệm chi phí. Nếu trước kia doanh nghiệp thường quảng bá thương hiệu bằng cách in logo lên dù, nón bảo hiểm, sổ tay… thì “thời” Covid-19 doanh nghiệp còn nhanh nhạy đưa thương hiệu lên các sản phẩm quà tặng như khẩu trang vải, nước rửa tay.
Đối với các công ty sản xuất, nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu, thì quả là một thời điểm vàng để gia tăng doanh thu. Trung Quốc vốn là công xưởng của thế giới, nên đối với các công ty bị thiếu hụt nguồn hàng từ Trung Quốc, thì các nước đáp ứng được nhu cầu này sẽ là lựa chọn tiếp theo.
Nhiều công ty ở Việt Nam gần đây đã có được những đơn hàng từ các quốc gia phát triển mà trong giai đoạn bình thường ít khi có được với điều kiện về kỹ thuật, thời gian, giá cả đều dễ hơn trước. Thậm chí, nếu vẫn đảm bảo được yêu cầu, chúng ta còn có thể trở thành đối tác lâu dài nữa.
Ngoài ra, trong khủng hoảng nếu có dự phòng tốt, có tiền mặt, có thể có rất nhiều cơ hội mua được những tài sản rẻ mà bình thường không bao giờ mua được như văn phòng, đất đai. Sau khi kết thúc khủng hoảng, cơ hội sẽ đến.
Khi kết thúc dịch bệnh, thì những nhu cầu, bao gồm cả du lịch sẽ quay lại rất nhanh. Lúc ấy, nếu không chuẩn bị sẵn sàng đón nhận sẽ vỡ trận, vì tích tụ. Cũng giống như bất động sản những năm 2012 – 2014 gần như đóng băng, nhưng đến 2015 – 2016 thì bùng nổ, giá cả tăng vọt. Các doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị thì không thể đáp ứng được nhu cầu bùng nổ khi dịch bệnh qua đi.
Chia sẻ của Dang Hai