Rất nhiều bạn đang kinh doanh Phở hoặc đang có ý định mở quán phở inbox cho tôi muốn học nấu phở.
Nhưng khi tôi hỏi câu này hầu như không ai trả lời được?
Vì vậy khi tư vấn cho các bạn muốn học nấu phở để kinh doanh tôi muốn cho các bạn hiểu thật kĩ điều này, kể cả các bạn đang kinh doanh cũng vậy. Nếu các bạn chưa hiểu sâu sắc thì đừng học mất tiền làm không được có khi lại trách bảo thầy dạy sao không thành công.
Vì thành công hay không là do bạn. Và đừng vội ra kinh doanh bạn sẽ mất tiền và mất luôn niềm tin đấy.
Chính điều chưa hiểu biết sâu sắc này đã làm cho các bạn thất bại khi lao vào mở quán.
Tưởng chừng mở quán dễ ăn nhưng khi làm thì ăn không dễ như bạn tưởng.
Để trả lời câu hỏi trên trước tiên hãy liệt kê ra tất cả những chi phí khi bạn mở quán bao gồm:
Chi phí đầu tư các trang thiết bị và thiết kế thi công quán (để tính thời gian hoàn vốn.)
Chi phí cố định ( định phí ): tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền thuế, tiền lương nhân viên, và hàng loạt các chi phí linh tinh khác phải trả trong quá trình kinh doanh phát sinh.
Chi phí lưu động: tiền mua các nguyên vật liệu hàng ngày để hoạt động và làm ra sản phẩm. Chi phí này tăng giảm và thay đổi liên tục với nhiều lý do và hoàn cảnh điều kiện …. Vì vậy bạn phải cân đối để bán sao cho có lợi nhuận.
Để làm ra được những tô phở cho khách hàng phải tốn rất nhiều chi phí như vậy nhưng khi tô phở bán ra bạn chỉ lấy được từ 2 thứ đó là BÁNH PHỞ và THỊT thôi bạn nhé.
Nếu khách hàng có kêu thêm chén giá 1 hay 2 hoặc 3 thì bạn cũng đâu có được phép thu thêm tiền vì giá được qui định là rau, mà rau có ăn nhiều bao nhiêu bạn cũng không được tính tiền.
Rồi gia vị ăn kèm tương ngọt, tương cay các loại tương ngon đều khá mắc nhưng khách cho đầy chén tương mà ăn không bao nhiêu da phần bỏ đi lãng phí chỉ khổ người rửa tô chén.
Và góp phần làm tăng giá thành của tô phở cao hơn. Rồi nước dùng phở. Nếu bạn nấu phở ngon 1 lít nước soup phở sẽ đắt hơn một lít xăng đấy.
Nhưng bạn ra cây xăng thử xin họ thêm một ít xăng nữa khi bạn đổ xăng xem có được không? Nhưng trong quán phở bạn xin thêm bao nhiêu cũng phải chiều, khách đem về ai cũng đòi nhiều nước.
Chanh, ớt, rau, hành, tương tỏi, sa tế….bạn cũng dùng thoải mái miễn phí( nếu rau hành đắt như dịp mưa bão ngập lụt này nhiều khi khách dùng lãng phí bạn hết lời luôn tô phở khách ăn nữa đấy mà bạn phải chịu chứ không thể nói).
Vì vậy người kinh doanh luôn mong được khách hàng hỗ trợ đừng lãng phí để giúp chúng tôi giảm giá thành.
Nói chung là không có gì tính được tiền khi bán tô phở cho khách hàng chỉ trừ khách hàng kêu thêm một chén thịt hay chén bánh phở bạn được phép tính tiền mặc dù khi bạn mua 1kg giá và 1kg bánh phở giá tiền tương đương nhau nhưng chén bánh được tính tiền còn chén giá thì không.
Vì vậy khi ra tô bán hàng bạn phải tính toán cân đối bánh và thịt sao cho không được mắc quá dễ khách hàng chấp nhận. Và cũng không được rẻ quá sẽ không có lợi nhuận.
Và tô phải phải cân đối hài hòa tỷ lệ đủ dinh dưỡng và ngon miệng nữa.
Nói tóm lại một ngày bạn bán được bao nhiêu kg bánh phở và bao nhiêu kg thịt. Thì chúng phải gánh cho tất cả các chi phí đã liệt kê ở trên.
Do vậy khi bạn bán càng ít chi phí của bạn càng lớn giá thành càng cao lợi nhuận sẽ ít hoặc âm luôn. Vì chỉ loe hoe khách, vài kí bánh 1, 2, 3 kí thịt thì không gánh nổi chi phí khủng kia đâu.
Bánh và thịt sẽ đội giá lên gấp nhiều lần để có thể gồng cho các chi phí kia. Một kí thịt không còn có thể tính như giá mua ban đầu nữa.
Nên các quán phở đông tấp nập bán được số lượng lớn bánh phở và thịt thì mới dễ dàng gánh các chi phí kia để có lợi nhuận nhiều. Quán bán càng đông phở càng ngon vì họ luôn không có hàng tồn.
Nhập đồ mới tươi ngon họ càng đông khách càng nấu được ngon. Còn ế thì bán đồ tồn bảo quản không tốt khách ăn một lần không hồi âm nữa. Bạn lại càng ế.
Do vậy các bạn nếu muốn mở quán xác định rõ xem khả năng của mình nếu mở ra sẽ có được bao nhiêu khách hàng để có thể duy trì kinh doanh được.
Bạn cần phải học kĩ năng tìm kiếm khách hàng ăn phở trước khi bạn mở quán phở, đừng mơ hồ tặc lưỡi: cứ làm đi chắc sẽ biết. Vì ngày nay sự cạnh tranh là rất khốc liệt.
Một khúc đường có khi vài chục quán hàng ăn uống. Lượng khách thì chỉ có vậy mà quán thì gia tăng. Người bán nhiều hơn người mua trong quán nữa.
Thông thường từ 3 đến 6 tháng để kéo khách. Nếu nguồn tài chính không có để duy trì hoạt động của quán cho tới khi có khách thì buộc phải dẹp tiệm.
Và rồi bạn cũng còn phải xem mình có lợi thế cạnh tranh gì hơn các đối thủ xung quanh thì bạn hãy quyết định.
Nếu không thì lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn chưa có kinh nghiệm hãy đi làm thuê cho các quán mà mình muốn được như vậy.
Vừa học được kinh nghiệm vừa có tiền nuôi ước mơ và chờ cơ hội khi thật sự bạn nắm trong tay tất cả các kĩ năng bán phở và nấu phở hãy ra riêng mở tiệm.
Chúc các bạn nhiều sức khỏe và luôn suy nghĩ tích cực để thành công.
Chia sẻ của Dung Mai.