Có nhiều người chỉ Bắt đầu nhưng không Kết thúc. Họ bắt đầu một công việc nhưng không hoàn thành nó và không tạo ra được giá trị. Họ hoàn thành một phần công việc, rồi nhảy sang công việc khác, rồi lại tiếp tục vòng lặp này khiến cho không việc nào thực sự hoàn thành và tạo ra kết quả.
“Công việc hoàn thành một phần” là 1 trong số 7 loại lãng phí của Lean. Và một triết lý của Lean là “ngừng bắt đầu và bắt đầu kết thúc” (stop starting start finishing).
Triết lý này tập trung vào định nghĩa việc đã hoàn thành (Definition of done – DOD), tức là chính xác những gì cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ.
Nó đã trở thành kim chỉ nam của người hành nghề quản lý dự án linh hoạt (Agile project management).
Tuy nhiên, khi “thần tượng hóa” nó thì lại trở thành chưa ổn. Không một tổ chức khác nhau nào lại có cùng tập hợp con người, cùng chuẩn mực hành vi, cùng quy trình, cùng trạng thái hiện tại, cùng trở ngại, cùng khách hàng, cùng thương hiệu, cùng giá trị, cùng lịch sử, cùng văn hóa,…
Không có 2 cá nhân nào giống nhau mọi thứ. Do đó luôn cần hiểu đúng trước khi hành động.
Đôi khi quy tắc là: Bạn không cần phải hoàn thành, nhưng bạn phải bắt đầu.
- Hoặc đôi khi quy tắc là: Bạn không cần phải bắt đầu, nhưng nếu bạn làm, bạn phải kết thúc
- Khi cần hoàn thành một công việc hoặc thực hiện lời hứa với một nhóm, quy tắc thứ hai sẽ được áp dụng.
Khi xây dựng thói quen cá nhân như tập thể dục, chạy bộ, đọc sách,… thì nên áp dụng quy tắc đầu tiên. Bạn không cần phải chạy tất cả mọi nơi, mỗi ngày, nhưng bạn phải ra khỏi nhà và bắt đầu chạy.
Chia sẻ của Nguyen Si Trieu Chau