Rủi ro (risk) là một sự kiện hoặc điều kiện không chắc chắn (chưa xảy ra), nếu nó xảy ra sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến một hoặc nhiều mục tiêu.
Ví dụ như rủi ro hỏa hoạn làm thiệt hại xx đồng, trễ tiến độ 2 tháng; rủi ro không có đủ vắc xin covid khiến lĩnh vực yy của công ty zz bị phá sản; thị trường phản ứng quá tốt ngoài mong đợi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung,…
Rủi ro tích cực được gọi là cơ hội (opportunity), và rủi ro tiêu cực thì gọi là mối đe dọa (threat). Đối với nhiều người, thuật ngữ “rủi ro tích cực” là cực kỳ lạ lẫm, vì từ “rủi ro” trong tiếng Việt là điều không lành, không tốt.
Do đó “risk” nên được dịch sang tiếng Việt là “nguy cơ” thì sẽ phù hợp hơn vì vừa có “nguy” vừa có “cơ”.
Thực hành quản lý rủi ro bao gồm:
- Lập kế hoạch cách tiếp cận (chiến lược rủi ro, phương pháp, vai trò và trách nhiệm, nguồn vốn, thời gian, hạng mục rủi ro, khẩu vị rủi ro, xác suất rủi ro, hệ quả rủi ro,…)
- Xác định rủi ro
- Phân tích rủi ro (định tính và định lượng)
- Lập kế hoạch ứng phó
- Thực hiện ứng phó
- Giám sát liên tục các rủi ro
Quản lý rủi ro là một khía cạnh thiết yếu của tất cả các hoạt động của tổ chức. Quản lý rủi ro định hình quá trình ra quyết định trong toàn tổ chức và trong từng lĩnh vực.
Mức độ theo đuổi quản lý rủi ro có thể là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Báo cáo Pulse of the Profession® 2015 của PMI cho thấy rằng đối với các tổ chức áp dụng phương pháp quản lý rủi ro chính thức thì 73% dự án đạt được mục tiêu, 61% hoàn thành đúng hạn và 64% hoàn thành trong phạm vi ngân sách đã được phê duyệt.
Chúc các bạn quản lý tốt rủi ro trong tổ chức, danh mục, chương trình và dự án của các bạn.
Chia sẻ của Nguyen Si Trieu Chau