Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Lòng biết ơn là sự thể hiện sự biết ơn của mình đối với những thành quả lao động của ông cha ta để lại. …
Thể hiện tinh thần biết ơn sâu sắc của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ, những người đã có công lao sinh thành, nuôi dưỡng.
Tử tế có nghĩa bạn là một người tốt bụng, có lòng tốt, sống đàng hoàng kỹ càng, cẩn thận, đúng đắn.
Tại sao gọi Biết Ơn và Tử Tế cũng là trí tuệ?
Như các định nghĩa trên thì khỏi giải thích nhiều vì người đã hội đủ các yếu tố đó chứng tỏ bản chất, đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế của họ rất “Có trước có sau” và tuyệt nhiên họ được giáo dục một cách bài bản và không làm ra chuyện “Khuynh thiên hại lý”.
Và như vậy, họ đạt tới một mức trí tuệ rất đáng để trân trọng và ngưỡng mộ.
Vậy trong kinh doanh có cần tử tế và biết ơn không? Hay chỉ chú ý kinh doanh phải có lợi, kinh doanh chỉ cần bán được hàng thật nhiều mà bất chấp tất cả thủ đoạn?
Cũng không sai! Vì có thể bạn kiếm rất nhiều tiền, lợi lộc trong một khoảng thời gian nhất định ngắn nào đó nhưng cái bạn mất rất lớn và có thể con đường làm ăn của bạn khép lại vì 2 chữ uy tín.
Đặc biệt, trong kinh doanh nếu bạn không uy tín, không tử tế, không biết ơn đội ngũ, nhân viên, khách hàng đã đồng hành cùng bạn thì khỏi nói chắc bạn cũng biết kết quả.
Nếu bạn có đủ sự tử tế và biết ơn, thương hiệu cá nhân hoặc các thương hiệu sản phẩm liên quan đến con người bạn sẽ rất tốt và bền vì nó xuất phát từ một nền tảng tốt.
Suy rộng ra một chút, khi bạn tham gia bất kỳ nhóm, tổ chức nào mà bạn nhận được từ tổ chức ấy rất nhiều lợi ích từ kiến thức, mối quan hệ và các lợi ích cộng gộp thì bạn càng phải chú trọng lòng biết ơn và nâng sự tử tế lên cao hơn.
Đừng đối xử với tổ chức đó theo kiểu nhận lợi không biết ơn nhưng khi có gì bất lợi cho mình vì mối quan hệ của cá nhân với nhau trong tổ chức đó mà bêu rếu cả tổ chức đó! Hãy chứng tỏ mình là người trưởng thành bạn nhé!
Nhân tiện nói thêm một chút về các “bất lợi” mà tôi đề cập đoạn trên, thật ra tôi nghĩ không ai “ngu” cả! Mỗi người đều là một cá thể đặc biệt không giống ai và có sở trường, trí tuệ hiểu biết cả.
Nhưng xuất phát từ lòng tham, sân si, đố kỵ thì người đầu tiên nhận bất lợi chắc chắn là bản thân mình.
Nhân vô thập toàn, vì thế khi bị bất lợi, tổn thất cho cá nhân mình thì hay tĩnh tâm lại, rút ra bài học, nếu có tâm hơn một chút hãy cảnh báo với mọi người chứ không nên đổ lỗi.
Lúc đó, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn, thấy biết ơn những sai lầm của mình mà cố gắng tốt hơn.
Cũng “lê thê” nhiều rồi. Tôi xin phép khép lại, hẹn sẽ chia sẻ bằng những trải nghiệm thực của bản thân với anh chị em nhiều hơn để cùng nhau học hỏi.
Bài chia sẻ này chỉ là quan điểm cá nhân, tuyệt nhiên không nhằm vào tổ chức hay cá nhân nào.
Chia sẻ của Huỳnh Khương